Hồi còn nhỏ xíu, hễ cha đi ruộng là tôi xin theo. Không phải bởi thích cái ruộng lúa mênh mông mà bởi biết chắc chắn đi ruộng sẽ được đi qua cảo. Cái cảm giác ngồi trên mũi chiếc vỏ lãi được cảo đưa qua con đập thú vị vô cùng, nhất là khi cái mũi vỏ chỏng chơ trên cao rồi chúi nhủi xuống nước qua bên kia con đập.
Hồi còn nhỏ xíu, hễ cha đi ruộng là tôi xin theo. Không phải bởi thích cái ruộng lúa mênh mông mà bởi biết chắc chắn đi ruộng sẽ được đi qua cảo. Cái cảm giác ngồi trên mũi chiếc vỏ lãi được cảo đưa qua con đập thú vị vô cùng, nhất là khi cái mũi vỏ chỏng chơ trên cao rồi chúi nhủi xuống nước qua bên kia con đập.
Chắc phải hơn 20 năm không được nhìn thấy chiếc cảo và đã quên hẳn nó. Hôm anh Trần Tuấn, quản trị viên của Fanpage “Khoảnh khắc Cà Mau” đăng video về chiếc cảo qua đập Rạch Ruộng, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, tôi thích thú vô cùng, ký ức tuổi thơ ùa về, cảm giác thân quen lắm.
Làm nghề “viết lách” ngót cả chục năm, đi đây đi đó ngược xuôi vậy mà chưa từng thấy chiếc cảo này. Anh Tuấn cho biết, anh cũng may mắn lắm mới quay được hình ảnh chân quê này, bởi đường về quê anh đi nhiều bận nhưng đến nay mới thấy chiếc cảo đưa xuồng, vỏ qua đập.
Dù nó ở ngay cạnh UBND xã Khánh Lộc, cận kề tuyến lộ nhựa bon bon về trung tâm huyện Trần Văn Thời.
Cũng khó trách, bởi nông thôn ngày nay có đường rộng thênh thang, người dân hầu như bỏ xuồng máy, vỏ lãi để tậu xe máy, xe tay ga vi vu giao thương, mua bán, nên hình ảnh chiếc cảo hiếm thấy cũng phải thôi.
Cảo là ký ức tuổi thơ, tôi gọi thế. Còn anh Trần Tuấn thì bảo người dân ở đấy gọi là cầu kéo. Hai cách gọi này đều đúng và đều miêu tả tác dụng là cảo, kéo xuồng, vỏ, kể cả ghe qua lại các con đập, cống ngăn giữa vùng mặn và ngọt (hiện phương tiện này chỉ còn thấy ở Trần Văn Thời và U Minh).
Cảo (cầu kéo) ở đập Rạch Ruộng, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: TRẦN TUẤN |
Qua video trên Fanpage tôi nhận thấy rõ sự cải tiến của cảo thời nay. Bởi hồi xưa người dân dùng ròng rọc thô sơ để kéo (quay tay) còn nay, đi cùng hiện đại hoá, người dân đã dùng máy, hoạt động thuận tiện hơn, với các bộ phận chính: máy kéo, hộp số, trục kéo, đường ray…
Tôi nhớ hồi xưa phí qua cảo chỉ vài ngàn đồng. Còn nay thì vài chục ngàn đồng, tuỳ trọng lượng, kích thước của xuồng ghe qua cảo. Ðiều khiến tôi thấy thích thú là người dân thu phí bằng vợt lưới. Tức là khi cảo xuồng ghe qua đập, chủ cảo sẽ chìa cái vợt ra để người dân trả phí, vừa nhanh, vừa tiện lợi và hình ảnh này cũng thật dễ thương.
Thực sự phải cảm ơn Fanpage “Khoảnh khắc Cà Mau” đã gợi nhớ rất nhiều ký ức đẹp, vui vẻ, bởi mỗi ngày quản trị viên và thành viên nhóm đều đăng tải hình ảnh, video về những kỷ niệm, nét văn hoá xưa và nay của người dân Cà Mau chân chất, hiền hoà: gian bếp xưa, ruộng trâu cày, các trò chơi dân gian (bắn bi, tạt lon…); đặc biệt là ghi lại rất nhiều khoảnh khắc, hình ảnh đẹp của một Cà Mau chuyển động và đổi mới không ngừng…/.
Theo BĂNG THANH (Báo Cà Mau)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin