Đến "Vương quốc hoa kiểng" Cái Mơn vào một ngày nắng xuân dìu dịu rằm tháng Chạp, những con đường nhựa quanh co được tô điểm rực rỡ bởi những ruộng hoa vàng, đỏ, tím, hồng ... Xe ba gác, xe tải nườm nượp hai bên đường đang đóng gói chở hoa mang tết đi đến mọi nơi. Xuân đã về trên những gương mặt nông dân nhiều lo âu nay đã "trúng mùa được giá".
Khách lẻ có thể thoải mái chụp ảnh, mua 1-2 chậu hoa về chưng. |
Đến “Vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn vào một ngày nắng xuân dìu dịu rằm tháng Chạp, những con đường nhựa quanh co được tô điểm rực rỡ bởi những ruộng hoa vàng, đỏ, tím, hồng ... Xe ba gác, xe tải nườm nượp hai bên đường đang đóng gói chở hoa mang tết đi đến mọi nơi. Xuân đã về trên những gương mặt nông dân nhiều lo âu nay đã “trúng mùa được giá”.
Tết về trên những khóm hoa
Nhiều lần đến với “Vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên tôi đi hết những tuyến đường hoa quanh các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn và Long Thới (Chợ Lách). Những con đường nhựa quanh co trở nên hấp dẫn bởi đủ loại hoa đang hé nụ.
Cũng chính sức hấp dẫn ấy mà chúng tôi không cầm lòng được phải dừng lại chụp ảnh nhiều lần. Kết quả là chạy xe 4 giờ đồng hồ, khi nắng lên cao mới đi được một vòng hoa kiểng, quên cả ăn sáng, ăn trưa.
Thấy khách đứng trầm trồ ruộng hoa nhà mình, chú Phan Văn Hiểu (ấp An Hòa, xã Long Thới) kêu: “Chụp hình thoải mái nhe, còn có mua bông thì 1- 2 chậu tui nhường cho chứ lái đặt hết rồi”.
Tết này, chú Hiểu giảm bớt cúc mâm xôi để nhường sân cho cây giống “ăn chắc mặc bền” nên chỉ có 4.000 chậu cúc mâm xôi và độ 2.600 chậu cúc Hà Lan các loại.
Chỉ tay về những chậu cúc Hà Lan đỏ rực, chú Hiểu khoe: “Giống mới ra lò năm nay, ra là tui tồng (trồng-PV) liền”.
Nói về năm nay thì chú Hiểu chia sẻ: “Ban đầu tui cũng lo dịch bệnh rồi bông có hút không nên giảm số lượng xuống. Ai ngờ, mọi chuyện thuận lợi, mới qua mùng 10 tháng Chạp thì lái đông rồi, vòng vòng đây bà con bán cũng muốn hết”.
Theo số liệu từ Phòng Kinh tế- Hạ tầng, hiện ước tính vụ hoa kiểng tết năm nay, nông dân Chợ Lách sản xuất khoảng từ 9 - 9,5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, giảm nhẹ so với cùng kỳ, với khoảng 8.000 hộ dân làm hoa. Các thị trường hoa kiểng truyền thống không có thay đổi nhiều so với với trước, chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh. |
Đến với khu lò gạch cũ ở ấp Lân Tây (xã Phú Sơn), một nhóm bạn trẻ đang chụp ảnh, quay phim và thậm chí “flycam”.
Đây là điểm từng tạo sức hút du khách 2 năm gần đây. Bạn Nguyễn Thị Hạnh Linh (TP Bến Tre) cho biết: “Đây là điểm check in nổi tiếng nhất Bến Tre tết năm rồi đó”.
Chủ vườn bông cạnh lò gạch cũ là chú Trần Văn Phàn cho biết: “Năm nay do e ngại dịch bệnh và hạn mặn diễn biến khó lường nên tôi không làm cúc mâm xôi nữa.
Vả lại, cúc mâm xôi chăm sóc tới 6 tháng mà tình hình kinh tế thì khó khăn nên không chắc”.
Tết này, chú Phàn có hơn 3.000 chậu cúc Hà Lan vàng rực đang lúp búp chờ xuân, 2.000 vạn thọ thì đã nở hoa nho nhỏ còn đợi bung cánh để to bằng cái chén.
Thời tiết thuận lợi quá xá, bông tết là chịu nắng không chịu mưa nên phát triển tốt và hoa ra đúng dịp. Lái hoa khắp các tỉnh tựu về, làm những con đường đã đẹp thêm vui.
Cho xuân thêm vui đẹp
Đối với những người dân trồng hoa tết thì mỗi chậu hoa là một tác phẩm nghệ thuật, một “đứa con cưng” được nâng niu, chăm sóc và uốn nắn. Trong những loài hoa chủ đạo ở Cái Mơn phải kể đến cúc mâm xôi và đây cũng là loại khó trồng nhất.
Cô Võ Thị Tuyết Hồng (ấp An Hòa, xã Long Thới) đã có kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với cây cúc mâm xôi, cũng nhiều lần khóc cười với nó.
Cô Hồng nói: “Cúc mâm xôi trồng 6 tháng trời, mặn cũng không chịu, mưa cũng không ưa. Miễn mưa thì cây non ngừng phát triển luôn, còn mưa lớn hoài lúc đương nụ thì không nở được. Mâm xôi chịu nắng và phải tảng- (trảng- PV) nó mới chịu”.
May mắn thay, thời tiết năm nay nắng đẹp, ít mưa và mặn chưa về. Cô Hồng cười thật tươi, chỉ 2 đống lớn mâm xôi được bó lại chất bên đường, nói: “Chiều nay xe tải xuống chở, tui bán hết sạch rồi không còn chậu nào. Lối 20 lái xuống hốt luôn mớ còn trên giàn này nữa”.
Để có những chậu mâm xôi tròn xoe, người trồng không chỉ chăm sóc mà còn lên cơi- (ngắt đọt cho cây lên nhiều nhánh con- PV) 4- 5 lần.
Cúc mâm xôi trồng độ 15 ngày là bắt đầu lên cơi đợt 1, sau đó cứ mỗi 20 ngày lên cơi một lần. Cô Hồng nói: “Công phu của mỗi chậu bông vầy không ít đâu, chỉ tính cơi cuối là phải ngắt cỡ 200 cái đọt non đó”.
Đến con đường hoa giấy ấp Lân Đông (xã Phú Sơn), tôi bị choáng ngợp bởi sắc tím, sắc hồng rực rỡ. Lòng ao ước mình đang diện chiếc áo dài xinh xinh màu hồng hay trắng để “check in, người đẹp nhờ bông”.
Anh Hoàng Nghĩa- chủ một vườn hoa giấy- đang “livestream” bán những chậu hoa giấy cuối cùng cho khách.
Vườn hoa giấy của anh có đủ loại và chủ yếu là giống hoa giấy Thái nhiều màu rực rỡ, có cây đến 5 màu. Anh Nghĩa cho biết: “Tôi trồng 2 điểm cỡ 3.000 chậu, chủ yếu chậu 4 chậu 5, những chậu 2,3 cũng có nhưng không nhiều”.
Anh Nghĩa giải thích thêm: “Các con số là đường kính của chậu, thêm số 0 vô nữa là ra cm, ví dụ chậu 5 là 50cm, chậu 5 trồng bông giấy lớn từ 1,5 năm tuổi trở lên, cao khoảng 1,3m”. Với giá bán từ 120.000- 380.000 đ/cây, vườn anh Nghĩa đã được lái “chốt hết”.
Vất vả để cho tết đẹp xuân vui đến mọi nhà, dù hoa tết chỉ “bằng giá năm rồi” nhưng những người dân vương quốc hoa đã vừa lòng đẹp ý vì “được giá hút hàng là vui”.
Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong giai đoạn 2020- 2025. Trong đó 4 ấp: Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn) và An Hòa (xã Long Thới) được chọn làm điểm nhấn tạo nền tảng ban đầu để thúc đẩy sự tham gia phát triển làng Văn hóa du lịch tại địa phương. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin