Ngày xuân nghe nông dân Khmer kể chuyện làm giàu

08:01, 26/01/2021

Những ngày cận tết, trên mỗi con đường làng dẫn vào các phum sóc, sắc vàng từ những cánh hoa mai bung nở giữa đất trời tạo nên những nét chấm phá sinh động cho bức tranh mùa xuân. Ở thời khắc giao hòa, dịch chuyển của thời gian, bên tách trà nóng chào năm mới, câu chuyện về những nông dân Khmer với quyết tâm làm giàu như thêm nhiều cảm xúc lắng đọng...

 

Ông Lý Văn Tương thăm ruộng lúa.
Ông Lý Văn Tương thăm ruộng lúa.


Những ngày cận tết, trên mỗi con đường làng dẫn vào các phum sóc, sắc vàng từ những cánh hoa mai bung nở giữa đất trời tạo nên những nét chấm phá sinh động cho bức tranh mùa xuân. Ở thời khắc giao hòa, dịch chuyển của thời gian, bên tách trà nóng chào năm mới, câu chuyện về những nông dân Khmer với quyết tâm làm giàu như thêm nhiều cảm xúc lắng đọng...

Một ngày cuối năm, trong cái se lạnh buổi sớm mai, như đã hẹn trước, chúng tôi đến thăm xưởng mộc của anh Sơn Rươl, ấp Trà Ban 1, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).

Vừa tranh thủ hoàn thiện những nét cắt phá để tạo hình cho tượng Phật Di Lặc, anh Rươl vừa chia sẻ quá trình lập thân, lập nghiệp của mình.

Tốt nghiệp THPT, dù rất muốn cùng bạn bè tiếp tục theo đuổi ước mơ trên giảng đường đại học nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên anh đành xếp lại ước mơ ấy. Ngày bạn bè khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ học tập, thì cũng là lúc anh lặng lẽ rời quê tìm sinh kế.

Một mình nơi xứ lạ quê người, may thay có người giới thiệu anh vào làm ở một xưởng mộc với mức lương chỉ 30.000 đồng/ngày. Vừa làm, anh vừa quan sát và tìm hiểu thêm kỹ thuật của các tay thợ lành nghề trong xưởng.

Dù công việc dần ổn định, nhưng anh Rươl luôn canh cánh ước mơ được về quê lập nghiệp. Và rồi một hôm, mọi người trong gia đình vô cùng ngạc nhiên khi anh Rươl trở về nhà với một “đống sắt” - là mớ đồ nghề làm mộc và cũng là những vốn liếng quý giá nhất của anh sau bao năm làm thuê xa nhà.

Những ngày đầu mới mở xưởng, công việc kinh doanh gặp khá nhiều khó khăn, nhưng anh không nản chí mà càng quyết tâm lao vào công việc.

Ai thuê gì làm đó, từ đóng giá võng, làm giường, sửa bản lề cửa… anh đều vui vẻ nhận và làm một cách tỉ mỉ. Nghề mộc của anh cũng vì thế mà ngày càng phát triển, hiện mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 - 250 triệu đồng.

Từ giã xưởng mộc của anh Sơn Rươl, chúng tôi tìm đến nhà ông Lý Văn Tương, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Nhắc đến ông Tương, bà con xung quanh ai cũng mến phục, bởi ông là người rất siêng năng, chăm chỉ làm ăn.

Khi chúng tôi đến, ông vừa đi thăm lúa về, quần áo còn lấm lem bùn đất. Rót ly nước mời khách, ông Tương vui vẻ nói: “Tết này tôi và bà con trong xóm chắc chắn sẽ rất vui, bởi trong năm qua, chúng tôi được tham gia mô hình sản xuất lúa vi sinh theo hướng an toàn sinh học nên bán được giá khá cao so với thị trường. Nhờ vậy mà có thêm nguồn thu nhập để mua sắm tết”.

Anh Sơn Rươl kiểm tra các công đoạn hoàn thiện cho tượng Phật Di Lặc. Ảnh: C.L
Anh Sơn Rươl kiểm tra các công đoạn hoàn thiện cho tượng Phật Di Lặc. Ảnh: C.L

Với suy nghĩ muốn vươn lên khá giàu thì không có cách nào khác là phải đổi mới cách làm ăn nên khi Nhà nước có chủ trương phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa an toàn sinh học,  ông Tương đã mạnh dạn xin tham gia.

Và hiện nay, dù đã sở hữu hơn 5ha đất ruộng, nhưng nông dân Khmer sản xuất giỏi với thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng - Lý Văn Tương vẫn đang phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất để làm giàu hơn nữa trên chính đồng ruộng quê hương mình.

Ông Lý Tỷ kiểm tra độ chín của nhãn trong vườn.
Ông Lý Tỷ kiểm tra độ chín của nhãn trong vườn.

Chia tay ông Lý Văn Tương, người  “nặng nợ” với đồng đất quê hương, với bao hoài bão làm giàu còn đang ấp ủ, chúng tôi tiếp tục đến vùng biển mặn để ngắm nhìn những vườn nhãn đang độ chín vàng. Có lẽ, chính cái nắng, cái gió nồng nàn của quê hương xứ biển đã tạo nên vị ngọt rất riêng cho những trái nhãn nơi này.

Đón chúng tôi bên vườn nhãn đang vào vụ thu hoạch rộ, ông Lý Tỷ (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) khoe: “Nhãn xuồng cơm vàng ngon ngọt, thơm ngát đây! Nhãn này mà hái ăn ngay tại vườn thì chỉ có… ngất ngây”.

Qua câu chuyện dưới những gốc nhãn cổ, chúng tôi được biết ông Tỷ cũng là một trong những nông dân gắn bó với cây nhãn từ khi mới lập nghiệp.

Cái hay của lão nông này chính là bắt cây nhãn cho trái nghịch mùa và bán được giá cao. Chính vì vậy mà thu nhập từ vườn nhãn của gia đình ông luôn ổn định. Với năng suất khoảng 800kg/công, mỗi năm vườn nhãn của gia đình ông cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Từ cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhờ có cây nhãn mà nay ông Tỷ đã cất được nhà ở khang trang, mua thêm ruộng đất để mở rộng canh tác.

Một mùa xuân nữa lại về mang theo bao niềm vui, niềm hy vọng. Hòa chung niềm vui ấy là ánh mắt, nụ cười của những nông dân Khmer với quyết tâm vươn lên xây dựng đời sống mới, kiến thiết quê hương ngày càng giàu đẹp.n

Theo THIÊN HƯƠNG (Báo Bạc Liêu)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh