Cơ hội cho nghề truyền thống thăng hoa

02:01, 05/01/2021

Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020, liên tiếp 2 nghề truyền thống ở vùng đất cực Nam Tổ quốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020, liên tiếp 2 nghề truyền thống ở vùng đất cực Nam Tổ quốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Việc nghề truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có thể mang lại cơ hội đổi đời cho các "nghệ nhân" gắn bó với các nghề này.

Kết tinh sáng tạo trong lao động

Ba khía muối Cà Mau và muối Bạc Liêu là 2 loại đặc sản xuất hiện ở vùng đất này từ cả trăm năm trước.

Trải qua thăng trầm, đời sống của những "nghệ nhân" làm ra hạt muối hay món ba khía muối trứ danh cũng bao phen mặn đắng như chính sản phẩm mà họ dốc sức làm ra. Dẫu vậy, bao thế hệ nối tiếp vẫn không ngừng duy trì, gắn bó với nghề. Nét đẹp và sự sáng tạo trong lao động của những con người dân dã đã kết tinh thành nét văn hóa đặc sắc không nơi nào có được.

 Một góc ruộng muối ở Bạc Liêu
Một góc ruộng muối ở Bạc Liêu

Những ngày này, tại thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển - cái nôi của nghề muối ba khía nổi tiếng ở tỉnh Cà Mau) nhà nhà rộn ràng như Tết, mỗi người một công đoạn để kịp cung ứng lượng ba khía muối cho hàng tá đơn hàng. Tuy mệt nhọc nhưng ai cũng tươi cười vì cái nghề dân dã đang mang lại cho người dân một cuộc sống ấm no và nhiều cơ hội đổi đời.

Gắn bó nhiều năm với nghề muối ba khía, anh Châu Ngọc Sang (ngụ khóm 8, thị trấn Rạch Gốc) cho biết nghề này không chỉ giúp anh phát triển kinh tế gia đình mà còn mang lại giá trị tinh thần lớn lao.

"Nghề muối ba khía được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia là niềm vinh dự lớn nhất đối với những hộ dân đã góp công sức gìn giữ nghề trong mấy chục năm qua.

Có gia đình đã truyền nghề qua nhiều thế hệ. Nghề này không khó nhưng để có được những con ba khía muối ngon, thịt chắc lại vừa ăn, đòi hỏi người thợ phải khéo léo trong từng khâu. Đặc biệt là 2 công đoạn chọn ba khía tươi và pha muối" - anh Sang chia sẻ.

Vùng đất Ngọc Hiển có nhiều phù sa cho cây mắm, cây đước sinh sôi phát triển. Con ba khía vùng này ăn trái mắm và lá đước rụng sẽ cho gạch vàng ươm và thịt đầy. Đây là lý do chất lượng ba khía muối nơi này không đâu sánh bằng.

Ba khía là loài sinh sản nhanh trong tự nhiên nên sản lượng rất dồi dào. Khoảng rằm tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, khi nước triều dâng cao, ba khía rời nơi ẩn náu để tìm thức ăn, kiếm bạn tình, dân gian gọi là mùa ba khía hội.

Đầu mùa ba khía hội, người ta chỉ thấy toàn ba khía đực. Có đến hàng triệu con ba khía từ rừng rậm hiện mình, từ dưới đất chui lên... bám dày đặc các chang đước, cột sàn nhà và bò khắp nơi... Người săn ba khía chỉ cần mang càng nhiều đồ chứa càng tốt để tha hồ xúc ba khía mang về muối bán.

Những năm gần đây, do giá trị kinh tế của con ba khía mang lại khá cao nên bị khai thác nhiều khiến sản lượng ngày càng giảm.

Chị Nguyễn Hồng Đạm, chủ một cơ sở thu mua ba khía tươi và sản xuất ba khía muối ở thị trấn Rạch Gốc, cho rằng cơ sở thu mua của gia đình chị luôn nhắc nhở khách hàng không được bắt ba khía nhỏ và không thu mua ba khía nhỏ.

"Khi nghề ba khía muối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mình càng cần phải bảo tồn" - chị Đạm quả quyết.

Nhọc nhằn bao đời

Người dân Rạch Gốc tất bật muối ba khía bán Tết
Người dân Rạch Gốc tất bật muối ba khía bán Tết

Sau nghề muối ba khía ở Cà Mau, đến lượt diêm dân ở "vương quốc muối" Bạc Liêu vỡ òa niềm vui khi nghề làm muối nhọc nhằn cũng đón nhận danh hiệu cao quý Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Càng thú vị và ý nghĩa hơn khi nghề muối ba khía ở Cà Mau và nghề làm muối ở Bạc Liêu lại có mối quan hệ tương tác, bổ trợ cho nhau để cùng tỏa sáng.

Những người làm ba khía muối ở Rạch Gốc tiết lộ rằng loại muối dùng để làm nên hương vị đặc trưng nức tiếng của ba khía muối vùng này chính là muối Bạc Liêu. Vì muối Bạc Liêu được làm từ nước biển phù sa, thích hợp để dùng làm gia vị chế biến các loại thực phẩm.

Khác với nghề muối ba khía, nguồn nguyên liệu làm nên hạt muối Bạc Liêu là vô tận, từ nước của biển Đông. Nhưng nghề làm muối so với nghề muối ba khía cũng được cho là vất vả và bấp bênh hơn nhiều.

Nếu nghề muối ba khía đã phát triển thành văn hóa ẩm thực độc đáo thì nghề làm muối ở Bạc Liêu lại mang nét văn hóa, lịch sử gắn với rất nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đi vào rất nhiều tác phẩm thi ca, hội họa, nhiếp ảnh…

Có lẽ bất cứ ai lần đầu đặt chân đến "vương quốc muối" Bạc Liêu cũng sẽ ấn tượng với khung cảnh thơ mộng, trong lành của ruộng muối rộng bạt ngàn, phủ kín bởi màu trắng tinh khôi của những hạt muối dưới trời xanh mây trắng. Đặc biệt là khi bình minh hay lúc hoàng hôn, ánh nắng mặt trời chiếu vào, ruộng muối trở nên lung linh, lấp lánh, đẹp đến ngỡ ngàng.

Ruộng muối được chia thành các ô nhỏ vuông vắn, thẳng tắp. Muối khi thu hoạch sẽ được gộp thành những đống to, nhỏ khác nhau, nhìn từ xa như hàng trăm mô hình kim tự tháp nhấp nhô giữa cánh đồng.

Hay lúc người dân cào muối, tạo ra vô số hình ảnh bắt mắt trên cánh đồng rộng lớn, có khi như những bông hoa muối khổng lồ trắng tinh khôi giữa đồng mà nhiều diêm dân vô tình tạo ra trong lúc cần mẫn thu hoạch.

Nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng nhiều thì diêm dân trúng mùa, nếu bất chợt mưa thì coi như công sức đổ sông, đổ biển. Theo bà con diêm dân, mùa làm muối ở đây thường bắt đầu từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau.

"Làm muối không tốn nhiều kinh phí đầu tư mà cần nhất là sự cần cù, chịu khó và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm.

Dù lao động vất vả nhưng phần lớn diêm dân ở đây vẫn quyết không bỏ nghề làm muối. Công sức lao động của chúng tôi đã được đền đáp khi giá muối và đầu ra của hạt muối đã dần ổn định, thoát cảnh ế ẩm và bị làm giá như nhiều năm trước.

Giờ đây, chúng tôi càng có lý do, trách nhiệm và động lực lớn hơn để duy trì nghề làm muối khi được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia" - ông Võ Văn Kiệt, diêm dân ngụ ấp Diêm Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, hồ hởi.

Cũng theo diêm dân này, cách đây vài năm, ông đã nghĩ tới việc chuyển ruộng muối thành ruộng nuôi artemia hoặc nuôi tôm nhưng đã đắn đo rất nhiều và vẫn tiếp tục giữ muối.

"Đó là quyết định đúng đắn. Hiện nay, nhiều người bỏ muối theo tôm hoặc artemia đang muốn quay lại nhưng chi phí cải tạo lại từ ao tôm thành ruộng muối cũng là điều nan giải và tốn kém.

Nếu giá muối không bấp bênh, đầu ra ổn định thì vài vụ muối trong năm sẽ mang lại thu nhập không thua gì trúng tôm. Trong khi nuôi tôm thì rủi ro rất cao, có thể biến người có của ăn của để thành trắng tay trong chớp mắt" - ông Kiệt nói thêm. 

Muốn làm du lịch từ đồng muối

Trong lúc nói về triển vọng kinh tế cũng như văn hóa của nghề làm muối, nhiều diêm dân còn cao hứng nghĩ đến làm du lịch từ đồng muối. Nghe có vẻ xa vời nhưng đây là một ý tưởng hoàn toàn có thể thành công nếu được sự quan tâm, hỗ trợ từ các ngành chức năng, nhất là khi nghề này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Mong tới mùa ba khía hội

Người dân Rạch Gốc còn truyền miệng rằng đến mùa ba khía hội, ba khía tự tìm đến tận xuồng của dân soi ba khía để "nạp mình" chứ người ta không cần phải bơi xuồng đi tìm chúng. Sau mùa hội ba khía đực thì tới mùa ba khía cái. Cứ vậy, kéo dài đến tháng 8, tháng 9, tháng 10... rồi vơi dần khi ba khía tìm nơi trú ẩn để sinh sản. Dân bắt ba khía chỉ cần chờ tới mỗi mùa ba khía hội cũng có thể kiếm sống quanh năm.

"Ngày thường thì đi tìm ba khía trong hang rất vất vả nhưng tới mùa ba khía hội thì chỉ cần lấy thùng phuy, bao tải, gạt tay một cái là ba khía rơi lộp độp. Bắt tới khi nào khẳm xuồng thì về" - ông Nguyễn Văn Hiền, người có nhiều đời gắn với nghề bắt và muối ba khía ở Rạch Gốc, cho biết.

Theo DUY NHÂN (Người lao động)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh