Người "trang điểm" cho mai kiểng cổ

10:12, 22/12/2020

Sau hơn 20 năm theo nghề, tôi không còn nhớ mình đã "trang điểm" cho bao nhiêu tác phẩm khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất là Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng. Thấy đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm".

 

Anh Tuấn bên cây mai dát vàng được công nhận kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Đông Nam Á.
Anh Tuấn bên cây mai dát vàng được công nhận kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Đông Nam Á.

Sau khi thỏa thuận chỉ gặp nhau khoảng 1 giờ đồng hồ bởi công việc quá bận rộn, khẩn trương, nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn (42 tuổi, Chủ nhiệm CLB Mai Vàng Sa Đéc TP Sa Đéc- Đồng Tháp) bắt đầu câu chuyện kể về mình: “Tôi học nghề này từ cha tôi- một người rất đam mê với nghề sửa mai kiểng cổ.

Sau hơn 20 năm theo nghề, tôi không còn nhớ mình đã “trang điểm” cho bao nhiêu tác phẩm khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất là Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng. Thấy đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm”.

Từ lòng đam mê nghệ thuật...

Anh Tuấn kể: Khó khăn lớn nhất là đánh giá mai kiểng có khoảng bao nhiêu tuổi đời, dự hướng phát triển bộ rễ, tán lá ra sao để lên phương án tạo dáng cho đẹp nhất, an toàn nhất. Từ đó đòi hỏi người làm phải am hiểu rất nhiều yếu tố như: nghệ thuật tạo hình, quá trình phát triển của cây… Ngoài ra, cần phải có đầu óc trừu tượng phong phú mà không một trường lớp nào có thể dạy hết.

Một khó khăn khác mà các nghệ nhân sửa mai kiểng cổ như anh Tuấn thường gặp phải là nhiều chủ nhân cây mai thay đổi ý định tạo dáng liên tục khiến người làm nghề như anh phải rất vất vả chuyển đổi theo. Đã có nhiều tác phẩm phải mất thời gian hàng năm trời mới hoàn thành theo dự kiến ban đầu. Một khó khăn khác là trong khi thi công gặp phải mưa bão, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến độ sinh trưởng tự nhiên của cây.

Mới đây, người quan tâm đến nghệ thuật chơi mai kiểng cổ cả nước khá bất ngờ trước sự xuất hiện của một “cụ mai” dạng xù trên 100 năm tuổi tại TP Sa Đéc. Cây có bộ rễ và hình dáng rất đẹp được dát vàng trên thân cây. Tác phẩm này do anh Tuấn trực tiếp thực hiện trong hàng năm trời và đã được công nhận kỷ lục Việt Nam vào tháng 11/2020, dự kiến cuối năm 2020 sẽ nhận bằng xác lập kỷ lục Đông Nam Á.

Nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn kể: “Năm 2019, tôi phát hiện cây mai độc lạ này tại tỉnh Vĩnh Long trong tình trạng nguyên sơ. Sau khi gợi ý cho một doanh nghiệp mua về với giá 300 triệu, tôi và ê kíp của mình đã tiến hành chế tác theo ý tưởng riêng của mình. Hiện nay đã có người đến ngã giá 1,8 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán, bởi đây là cây mai vàng cổ duy nhất tại Việt Nam được dát vàng SJC đã được nhận 2 kỷ lục trong và ngoài nước”.

Anh Tuấn bên những “cụ me” của mình.
Anh Tuấn bên những “cụ me” của mình.

… Đến xây dựng CLB mai vàng

Tháng 8/2020, CLB Mai vàng TP Sa Đéc được hình thành với sự tham gia ban đầu của trên 20 nghệ nhân (đến nay đã là 40 thành viên) do anh Nguyễn Hoàng Tuấn làm chủ nhiệm đã và đang là điểm tham quan rất hấp dẫn cho nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với “ vương quốc” hoa Sa Đéc.

CLB này (tọa lạc tại phường Tân Quy Đông, với diện tích khoảng 10.000m2) đang sở hữu trên 100 tác phẩm mai vàng cổ rất độc lạ với nhiều dáng, thế, tuổi đời khác nhau, xuất xứ từ nhiều vùng miền trên cả nước. Theo lời anh Tuấn, cây “trẻ” nhất cũng có trên 50 năm tuổi, cây “già” nhất đã trên 100 tuổi. Giá bán mỗi cây rất đa dạng từ 40 triệu đến hàng tỷ đồng tùy thuộc tuổi đời, hình dáng, thế đứng, bộ rễ,… Tại đây, các nghệ nhân thường xuyên gặp nhau để cung cấp những thông tin mới lạ, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ để cùng nâng cao tay nghề.

Ông Mã Thiên Lập- nghệ nhân mai kiểng cổ đến từ Trung Quốc- nhận xét: “Đây là vườn mai rất quý hiếm, độc, lạ tại ĐBSCL với nhiều tác phẩm rất đặc biệt, sắc sảo, kỳ công đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Tuy mới hình thành nhưng CLB này đã tạo được tiếng vang trong giới nghệ thuật chơi mai kiểng cổ trong và ngoài nước, trong đó người “đầu tàu” rất đáng khâm phục là nghệ nhân Nguyễn Hoàng Tuấn”.

Không chỉ thành công với những “cụ mai” cổ, anh Nguyễn Hoàng Tuấn còn rất thành đạt khi có thêm nghề tay trái. Đó là mua bán, chăm sóc, tạo dáng cho rất nhiều “cụ me” có tuổi đời hàng trăm tuổi được anh săn lùng ở nhiều địa phương, nhiều nhất là miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Hiện nay anh đang sở hữu trên 30 cây me kiểng cổ đã có người đến mua với giá từ 300 đến 400 triệu đồng mỗi cây.

Cũng theo anh Tuấn, nghề sửa me cổ có những nét tương đồng với sửa mai cổ nhưng cũng có những điểm hoàn toàn khác biệt đòi hỏi mình phải am hiểu chặt chẽ mới thành công.

Ông Nguyễn Phước Lộc- Ủy viên Thường vụ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp, ủy viên hội đồng giám khảo Bonsai Châu Á- Thái Bình Dương đánh giá: “Anh Tuấn tuy còn rất trẻ nhưng tận tậm với nghề, có tay nghề rất cao được nhiều nghệ nhân nể phục, luôn khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm ở đồng nghiệp. Bản thân anh này luôn tìm tòi những điều mới lạ để có được những tác phẩm độc, lạ và sẽ còn tiến xa trên bước đường tác nghiệp của mình”.

Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh