Nghề bán kiểng trên sông

08:12, 21/12/2020

Dọc theo bến sông thuộc Khóm 3, thị trấn U Minh, đối diện chợ U Minh (Cà Mau), hàng ngày người dân thường bày bán các loại cây cảnh với đủ chủng loại, kích cỡ, màu sắc, tạo nét sinh động, nhộn nhịp cho thị trấn. Thế nhưng, mấy ai biết được nghề bán cây cảnh vô cùng bấp bênh, cũng như cuộc sống lênh đênh của những người làm nghề này.

Dọc theo bến sông thuộc Khóm 3, thị trấn U Minh, đối diện chợ U Minh (Cà Mau), hàng ngày người dân thường bày bán các loại cây cảnh với đủ chủng loại, kích cỡ, màu sắc, tạo nét sinh động, nhộn nhịp cho thị trấn. Thế nhưng, mấy ai biết được nghề bán cây cảnh vô cùng bấp bênh, cũng như cuộc sống lênh đênh của những người làm nghề này.

 Chị Kim Năm chăm sóc cây kiểng để bán
Chị Kim Năm chăm sóc cây kiểng để bán

Đa phần những người bán cây cảnh không phải người dân địa phương và cuộc sống gắn liền với chiếc ghe. Họ mua cây cảnh của các gia đình quen tại quê nhà, sau đó chở đi nhiều tỉnh khác để bán lại. Không phải lúc nào việc buôn bán cũng thuận lợi, có khi cả tuần chẳng bán được cây nào, có khi cả đợt lấy cây đi bán chỉ đủ tiền trang trải hàng ngày.

Dù vậy, họ vẫn chọn gắn bó với nghề này, một phần do gia đình có nghề truyền thống bán cây cảnh, một phần do ít đất sản xuất nên không có điều kiện để chuyển sang con đường mưu sinh khác. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Năm, quê ở tỉnh Vĩnh Long, có 4 năm gắn bó với nghề. Do gia đình không đất sản xuất, chị cùng với cha mẹ già bôn ba khắp nơi trên chiếc ghe cũ, sống bằng nghề bán cây cảnh.

Chị Kim Năm cho biết: "Nhiều khi mưa quá bán không được, nắng quá cây khô không có nước tưới nên gặp nhiều trở ngại. Có bến người ta cho đem cây lên bán, nhiều bến người ta không cho mình bán. Nghề bán cây cảnh là nghề của ba mẹ tôi từ xưa đến giờ".

Tương tự hoàn cảnh của chị Năm, gia đình bà Lý Thị Phước ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cũng dừng chân tại Khóm 3, thị trấn U Minh để bán cây cảnh và hoa tươi. Vợ chồng bà đã có trên 10 năm gắn bó với nghề này, đây cũng là nghề truyền thống gia đình bà để lại. Gia đình bà đông con, nhưng đều dựng vợ gả chồng hết, nhà thì không có đất canh tác, tài sản quý giá nhất cũng chỉ có chiếc ghe do ông bà để lại. Sống trên ghe, khi thì gặp sóng to gió lớn, khi thì mưa nắng bất thường gây trở ngại rất lớn cho cuộc sống và việc buôn bán.

Ngoài ra, lưu thông trên các con sông lớn ở Cà Mau đa phần đều là vùng nước mặn, nên thiếu nguồn nước ngọt để tưới, chăm sóc cây. Những ngày thường vợ chồng bà Phước bán chủ yếu các loại cây như nguyệt quế, linh sam, phát tài, hồng ngọc…, đến giữa tháng 12 âm lịch mới nhập thêm các loại hoa: cúc, vạn thọ, mai vàng… để bán trong dịp Tết. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà và chồng vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.

 Bà Lý Thị Phước chia sẻ: "Trước kia vợ chồng tôi chạy ghe bán lẻ, thấy chỗ này buôn bán được nên đậu bán ở đây luôn. Thường khoảng thời gian này bắt đầu bán được, mọi năm thì khách cũng mua nhiều lắm. Thời điểm này chủ yếu khách mua cây cảnh trồng trong nhà, cây phong thuỷ như: trạng nguyên, đỗ quyên, phát tài, kim tiền, bông trang, gần Tết sức tiêu thụ mạnh hơn. Nhờ có nghề này nên cuộc sống hai vợ chồng già cũng đủ trang trải, nếu không cũng không biết sống bằng nghề gì".

Có thể thấy nghề bán cây cảnh trên ghe là một trong những nghề vô cùng vất vả. Những người chọn nghề này một phần do cuộc sống mưu sinh, một phần do yêu nghề nên họ vẫn một lòng gắn bó để mang đến cái đẹp cho mọi người./.

Theo Báo Cà Mau

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh