Lan tỏa "vị ngọt" cà na

04:12, 02/12/2020

Khi đem ngâm rượu gạo với công thức men đặc biệt, chính vị chua, chát của trái cà na hoang dã lại tạo nên vị giác rất ấn tượng cho người thưởng thức. 

Khi đem ngâm rượu gạo với công thức men đặc biệt, chính vị chua, chát của trái cà na hoang dã lại tạo nên vị giác rất ấn tượng cho người thưởng thức. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang), chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, chủ cơ sở sản xuất rượu cà na Hòa Kiều (ấp Tân Thành, xã Tân Lập, Tịnh Biên), lại càng có điều kiện đưa “vị ngọt” cà na lan tỏa đi xa.

Xây dựng rượu cà na Hòa Kiều thành đặc sản An Giang
Xây dựng rượu cà na Hòa Kiều thành đặc sản An Giang

Niềm vui mới

Trái cà na gắn với ký ức tuổi thơ của rất nhiều người. Cà na vốn là loài cây hoang dã, mọc tự nhiên dưới bờ sông, phía sau nhà. Khoảng 20 năm trước, khi mùa nước nổi còn đều đặn hàng năm, hình ảnh những cây cà na trái đầy cành, trái chín rụng nổi lềnh bềnh trên mặt nước trở nên quen thuộc.

Bọn con nít, học sinh bơi xuồng vớt cà na chín về chấm muối ớt, thi xem đứa nào ăn được nhiều nhất loại trái chát ngầm, lại chua đến tê tái này. Các bà, các chị khéo tay thì đem cà na ngào đường, đập dập làm cà na muối…

Từ món ăn dân dã của người miền quê, giờ đây, cà na muối trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, khi giống cà na Thái du nhập về, được trồng ngày càng nhiều thì trái cà na hoang dã lại càng ít được sử dụng.

Nguyên nhân do trái cà na Thái mau thu hoạch trái, cho năng suất cao hơn, trái to, nhiều thịt và ít chua, chát hơn trái cà na hoang dã nên dễ làm cà na muối.

Dù vậy, không phải ai cũng “có mới nới cũ” mà chuộng cà na Thái, bỏ cà na hoang dã. Một trong số đó là chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (ấp Tân Thành, xã Tân Lập, Tịnh Biên).

Gặp lại người phụ nữ này sau khi sản phẩm rượu cà na Hòa Kiều do chị cất công nghiên cứu đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, chị phấn khởi cho biết: “Chính vị chua, chát của trái cà na mọc tự nhiên mới tạo nên hương vị đặc biệt của rượu cà na, mà trái cà na Thái không có được.

Hơn nữa, loại cà na hoang dã không bị con người tác động, không sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học nên rượu làm ra bảo đảm sạch, an toàn cho người sử dụng.

Tôi làm rượu cà na phần vì tâm huyết với loài trái cây gắn liền với ký ức tuổi thơ, phần vì giúp bà con nông dân và các cháu học sinh tiêu thụ trái cà na tươi.

Khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tôi càng có điều kiện quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ rượu cà na. Qua đó, càng thu mua được nhiều cà na tự nhiên do bà con thu gom, cung cấp”.

Mở rộng kênh tiêu thụ

Giờ đây, rượu cà na Hòa Kiều đã được nhiều người biết đến, ưa chuộng sử dụng. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để tạo ra sản phẩm rượu cà na hoàn chỉnh như hiện nay, chị Nguyễn Thị Diễm Kiều đã từng nếm trải những lần thất bại, có lúc muốn bỏ cuộc.

“Những lần sản xuất đầu tiên, rượu cà na có vị chua, chát rất khó uống. Vậy là tôi điều chỉnh cách ngâm lại. Tôi chọn loại rượu gạo ngon, cao độ, nguyên chất để ngâm với trái cà na, kết hợp cho thêm đường phèn để rượu có vị ngọt đầm. Rượu cà na phải ngâm, ủ từ nửa năm trở lên mới sử dụng.

Sản phẩm làm ra, tôi mời người quen dùng thử để góp ý, điều chỉnh. Năm 2013, tôi đã cơ bản nghiên cứu hoàn chỉnh công thức sản xuất rượu cà na, đảm bảo sản phẩm có màu sắc đẹp tự nhiên, hương vị thơm ngon, được nhiều người ưa thích.

Đa số khách hàng có cảm nhận rằng, khi nếm ly rượu cà na, họ có cảm giác như ký ức tuổi thơ ùa về. Lỡ có vui quá uống hơi say, hôm sau thức dậy vẫn tỉnh táo, có cảm giác sảng khoái, không bị nhức đầu, buồn nôn như những loại rượu không đảm bảo chất lượng” - chị Kiều nhấn mạnh.

Là sản phẩm truyền thống nhưng để tiếp cận người tiêu dùng hiện đại, chủ cơ sở rượu cà na Hòa Kiều rất chú trọng đến thiết kế sản phẩm.

“Tôi sử dụng chai thủy tinh, được đặt thiết kế, sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh, nhãn hiệu và kiểu dáng giống như những loại rượu cao cấp. Nhãn hiệu rượu cà na Hòa Kiều đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Mục đích của việc chú trọng mẫu mã, nhãn hiệu, hộp đựng, vỏ chai để vừa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hiện đại, vừa đưa được sản phẩm vào các giỏ quà tặng của tỉnh, làm quà biếu cho khách đến An Giang cũng như mang đi giới thiệu, giao lưu với các địa phương khác trong nước.

Những dịp lễ, Tết, sự kiện, hộp rượu cà na Hòa Kiều cũng có thể trở thành món quà tặng vừa mang hồn quê, vừa thân thiện nhưng cũng không kém phần sang trọng” - chị Kiều tự tin.

Nhờ những cố gắng, nỗ lực thời gian qua, sản phẩm rượu cà na Hòa Kiều đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh An Giang (2016), được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao cúp và chứng nhận Thương hiệu Việt uy tín (2019), nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện.

Cuối tháng 8/2020, rượu cà na Hòa Kiều là một trong những sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh (phân hạng 3 sao), đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận sản phẩm OCOP.

“Từ sự ghi nhận này, cơ sở đang đẩy mạnh xúc tiến, mở thêm các kênh tiêu thụ sản phẩm rượu cà na Hòa Kiều.

Bên cạnh phân phối truyền thống, sản phẩm đã được trưng bày tại các khu, điểm du lịch, cửa hàng sản phẩm khởi nghiệp, bán trực tuyến trên hệ thống OCOP, Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp An Giang… Cơ sở đang hướng đến mở rộng tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử như: VOSO, Shopee, Sendo…” - chị Kiều nhấn mạnh.

Cùng với các sản phẩm OCOP khác, chị Nguyễn Thị Diễm Kiều đang xúc tiến đưa sản phẩm rượu cà na Hòa Kiều vào giỏ quà tặng của tỉnh, trước hết là tận dụng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo NGÔ CHUẨN/TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh