Giao thông cho đất "Chín Rồng"

05:12, 01/12/2020

Hạ tầng giao thông đường bộ là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay ngăn trở ĐBSCL phát triển. Khi nút thắt này được tháo gỡ, sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất "Chín Rồng" phát triển.

Hạ tầng giao thông đường bộ là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay ngăn trở ĐBSCL phát triển. Khi nút thắt này được tháo gỡ, sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất “Chín Rồng” phát triển.

Đặc thù sông rạch chằng chịt, dòng nước mang nặng phù sa giúp ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% trái cây các loại, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy hải sản xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển của vùng.

Đến nay, toàn vùng mới chỉ có 40km đường tuyến cao tốc (đạt 28% chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020), mật độ cao tốc chỉ đạt 0,2km/100.000 dân, là mức rất thấp so với các vùng trong toàn quốc. Các chuyên gia ví giao thông vùng ĐBSCL như nút thắt cổ chai, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, làm hạn chế khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT đang đề xuất đầu tư 7 dự án tuyến đường bộ cao tốc với vốn đầu tư gần 65.000 tỷ đồng cho vùng ĐBSCL.

Mạng lưới GTVT của vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn tập trung phát triển trên cơ sở hoàn thiện các hành lang vận tải trên 2 hướng trục dọc và trục ngang. Trong đó, mạng lưới đường bộ theo các hành lang trục ngang kết nối vùng với TP. Hồ Chí Minh là: cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau dài 260km, 6 làn xe; đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương mở rộng 8 làn xe; cao tốc N2 nối Đức Hòa (Long An) - Rạch Sỏi (Kiên Giang) 208km; cao tốc Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) - Mỹ Tho (Tiền Giang) - Bến Tre - Trà Vinh 104km; Quốc lộ (QL) 1 dài 334km từ TP. Hồ Chí Minh tới Cà Mau, 4 làn xe toàn tuyến; tuyến duyên hải ven biển phía Đông gồm 2 QL50 và QL60 dài 204km; tuyến đường bộ ven biển dài 750km từ TP. Hồ Chí Minh tới Kiên Giang...

Mạng đường bộ theo các hành lang trục dọc kết nối vùng với các cửa khẩu quốc tế, như: cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 190km; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 215km; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu 205km; QL62 kết nối cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, dài 135km; QL30 và QL57 kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, dài 223km; QL53 dài 177km; QL54 dài 148km; QL91, 91B, 91C kết nối cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Khánh Bình với tổng chiều dài 341km, tiêu chuẩn cấp III, 2 làn xe, riêng đoạn QL91 từ Cần Thơ đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên quy mô 4-6 làn xe; QL80 và QL63 kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, dài 331km…

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa bình quân ở ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 từ 5,7-7,7%/năm. Giai đoạn 2021-2030, cần tập trung ưu tiên đầu tư cho các nhánh trên 2 hành lang trung tâm kết nối với TP. Hồ Chí Minh.

Đó là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; tuyến N2 Đức Hòa - Mỹ An - Cao Lãnh; cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu…

Tín hiệu vui là Quốc hội đã quyết thông qua nghị quyết dành 63.000 tỷ đồng cho giao thông ĐBSCL. Kỳ vọng những năm tới, hạ tầng giao thông của vùng được đẩy mạnh đầu tư để các huyết mạch giao thông vùng ĐBSCL, trục ngang, trục dọc được kết nối thông thương.

Đó là điểm tựa, động lực để vùng đất “Chín Rồng” có thể “cất cánh” vươn lên giàu có, xứng tầm là vùng đất giàu lợi thế, tiềm năng.

Theo N.H/TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh