Đất nước mình có đến hàng ngàn kí-lô-mét bờ biển và rất nhiều vùng quê từ Bắc - Trung - Nam thường được gọi bằng một danh từ chung là xứ biển. Người xứ biển, sinh tồn trên "đầu sóng - ngọn gió", nên tuy đời sống rồi tâm linh tín ngưỡng ở mỗi vùng có sự khác biệt, nhưng điểm chung đặc trưng chính là sự can trường và mạnh mẽ.
Đường ra cồn Ngoài ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Ảnh: Tấn Hà |
Đất nước mình có đến hàng ngàn kí-lô-mét bờ biển và rất nhiều vùng quê từ Bắc - Trung - Nam thường được gọi bằng một danh từ chung là xứ biển. Người xứ biển, sinh tồn trên “đầu sóng - ngọn gió”, nên tuy đời sống rồi tâm linh tín ngưỡng ở mỗi vùng có sự khác biệt, nhưng điểm chung đặc trưng chính là sự can trường và mạnh mẽ.
Vùng đất Ba Tri (Bến Tre), quê tôi cũng được gọi là xứ biển. Xứ biển Ba Tri nằm giữa hai cửa sông lớn: Ba Lai và Hàm Luông. Bờ biển có chiều dài hơn mười cây số và vươn khơi sống cùng con sóng theo mô hình một vòng bàn tay.
Biển ở Ba Tri đầy nắng và gió, nhưng không có bờ cát vàng ngút ngàn tầm mắt, không có non xanh bóng núi… chỉ là một bãi bồi ngập mặn, nơi cây đước, cây bần, cây mù u... âm thầm bám trụ. Nói một cách chính xác, thì ở Ba Tri chỉ có 4 xã được xem là xứ biển đúng nghĩa gồm: An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận và Bảo Thạnh.
Người dân xứ biển nơi đây được hưởng nhiều nguồn lợi từ biển. Nhưng cũng phải đối đầu trực diện trước các rủi ro mỗi khi biển nổi cơn thịnh nộ.
Cư dân ở xứ biển Ba Tri có rất nhiều nghề kiếm sống và làm giàu. Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy có nghề làm muối, nuôi nghêu, sò, tôm cá. Riêng An Thủy lại nổi tiếng với nghề đánh bắt.
Đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ của Ba Tri nhiều nhất tỉnh, trên một ngàn chiếc, tập trung chủ yếu ở Bãi Ngao và Tiệm Tôm. Ngoài nghề muối và nuôi trồng đánh bắt thủy sản, xứ biển Ba Tri còn có diện tích cồn bãi tự nhiên khá lớn như cồn Nhàn, cồn Hố, cồn Ngoài…
Thu hoạch muối Bảo Thuận |
Từ hơn trăm năm về trước, khi đất cồn còn phập phều trong sóng biển đã có cư dân ở Bảo Thạnh, Tân Thủy chèo xuồng đi tới, rồi cắm đất lập nghiệp. Đất cồn chứa nhiều phù sa rất phù hợp với các loại cây trồng: dưa hấu, dưa gang, khoai lang, đậu phụng… Có câu ca dao mà nhiều người còn nhớ “Muối hột Cầu Ngang… dưa gang ở Gảnh”.
Cầu Ngang, Gảnh là những địa danh ở xứ biển Ba Tri, các sản vật như muối, dưa hấu, dưa gang… nức tiếng đã được làm nên tại nơi này. Nhưng để biến những bãi đất cồn hoang sơ trở thành ruộng dưa, khuôn muối… công sức, trí tuệ mà cư dân xứ biển đã bỏ ra nhiều lắm, nhiều như những hạt phù sa bồi tích hàng ngày.
Nếu ai đó đã từng một lần trải nghiệm, sống qua đêm tại cồn Nhàn, cồn Ngoài vào ngày biển động, nhìn những con sóng bạc đầu cao đến vài thước, xé nát màn đêm ầm ầm lao tới, mép cồn như rung lên, từng mảng bờ đê bao bị cấu véo kéo trôi tuột theo dòng nước.
Có từng sống qua những giờ phút ấy, ta sẽ cảm nhận được vị mặn mồ hôi chìm rất sâu trong trái dưa “xanh vỏ, đỏ lòng”. Nghề trồng rau màu ở cồn bãi tuy nhọc nhằn, nhiêu khê nhưng giá trị áo cơm mang lại cũng chỉ là đắp đổi qua ngày.
Xứ biển muốn làm giàu, bắt buộc phải làm nghề nuôi thủy sản hoặc đóng tàu vươn khơi. Nghề nuôi và đánh bắt thủy sản đòi hỏi người nhập cuộc cần có lưng vốn lớn, nhưng phải thêm một điều kiện nữa, đó là cái sự “liều” cần thiết mới đủ tầm để dấn thân.
Cần phải khẳng định một điều, xứ biển Ba Tri chính là nơi phát tích nghề nuôi nghêu, sò trong cả nước. Trước kia nghêu, sò và các loài nhuyễn thể khác thường sinh sản và sống trong môi trường tự nhiên ở các bãi bồi.
Đến những năm 1960, nhiều người ở Bảo Thạnh đã phát triển nghề nuôi bằng cách: gom những con nghêu, sò còn nhỏ trong tự nhiên về một khu chờ cho lớn đạt kích cỡ thì khai thác tiêu thụ.
Theo thời gian, nghề nuôi phát triển khá mạnh, nhiều người còn qua Gò Công (Tiền Giang), Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) thuê đất làm nghề.
Thậm chí từ năm 2000 đến nay, không ít người còn vượt cả dãy Trường Sơn, vượt qua ngọn Hải Vân trên tinh thần “Bắc tiến” tìm đến các xứ biển Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… cùng nhau liên kết. Việc mở rộng địa bàn làm ăn cho thấy, khát vọng làm giàu và cả sự mạo hiểm nó luôn như một dòng chảy trong huyết quản của người dân xứ biển Ba Tri.
Lợi nhuận từ nghề nuôi nghêu, sò rất lớn. Nếu đúng “thiên thời, địa lợi…”, thì chuyện một vốn bốn lời là rất bình thường.
Ở xứ biển, số người thành tỷ phú từ nuôi và kinh doanh nghêu sò thống kê có khiêm tốn chắc cũng không dưới vài trăm. Minh chứng sống động cho điều này cần phải đề cập đến hàng trăm gia đình ở xứ biển Ba Tri hiện đang đóng một vai trò đáng kể tại chợ đầu mối Bình Điền - chợ thủy sản lớn nhất TP. Hồ Chí Minh.
Nhờ thành đạt từ nuôi và kinh doanh các mặt hàng thủy sản tươi sống chủ yếu là nghêu, sò… nên ngay từ khi chợ đầu mối Bình Điền đi vào hoạt động (năm 2006), rất nhiều “đại gia” xứ biển Ba Tri đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua đất cất nhà và thuê quầy sạp bán buôn. Nhưng nghề nuôi nghêu, sò không phải lúc nào cũng màu hồng.
Nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh… đã khiến người nuôi điêu đứng. Hiện tượng nghêu chết trắng sân tái diễn thường xuyên, đẩy không ít người bỏ cuộc, phải chuyển nghề khác. Không chỉ có nghề nuôi nghêu, sò rơi vào tình trạng thua lỗ, các nghề khác như làm muối, làm ngư trường nuôi tôm, cá… mức độ sinh lời đều đạt thấp.
Bây giờ ở các xứ nghêu như Bảo Thạnh, Bảo Thuận… số người đang độ tuổi lao động tha phương đi kiếm sống tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… chiếm một tỷ lệ khá lớn.
Cũng như nhiều xứ biển phương Nam, xứ biển Ba Tri có khí hậu thời tiết là hai mùa mưa và nắng. Mùa mưa, gió Nam mơn trớn mát mẻ, mùa nắng có gió chướng và sóng bạc đầu gào thét.
Nhưng dù mùa nào thì ở bến Bãi Ngao, Tiệm Tôm vẫn tấp nập ghe tàu đánh cá vào ra. Ấn tượng nhất là vào những buổi chiều khi bóng ngả hoàng hôn, từng tốp ghe tàu nối đuôi nhau hụ còi hào hứng mang cá, tôm vào bến, người bán, người mua vô cùng náo nhiệt.
Nguồn lợi từ việc đánh bắt hải sản không thể thống kê theo chủ nghĩa bình quân, vì nó chứa đựng đầy yếu tố may - rủi. Đã trúng là trúng đậm, còn thất rồi thì nằm ở đỉnh te tua. Bởi vậy cùng là chủ tàu như nhau, nhưng người giàu to, người lại đầm đìa nợ nần.
Nhiều năm nay, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển của tỉnh đã dần cạn kiệt, nên đội tàu của Ba Tri thường hướng về ngư trường Sông Đốc, Cà Mau khai thác, chỉ còn một số nhỏ bám biển quê nhà.
Nói đến xứ biển Ba Tri, nếu không đề cập đến tín ngưỡng “Thờ Ông” mà hàng trăm năm nay đều được cư dân thành tâm tôn kính là một thiếu sót lớn. Người dân xứ biển coi cá ông (voi) như một vị thần hộ mệnh: mang lại mưa thuận gió hòa, đất nước yên bình, nông vụ tấn tới, ngư dân đắc lợi.
Lễ cúng ông được tổ chức vào hai ngày 16 và 17-1 (âm lịch), đây là những ngày đầu một năm mới. Đối với ngư dân, dù có đi đâu thì vào hai ngày nói trên họ cũng cố gắng thu xếp để tham dự, trước là dâng hương cầu được che chở, phù hộ, sau nữa là được góp phần vật chất cho lễ thêm phong phú, trang trọng.
Cũng giống như nghề nuôi nghêu sò, nghề đánh bắt ở xứ biển Ba Tri hiện đang đối mặt với vô vàn khó khăn: biến đổi khí hậu, thiên tai gió bão ngày một nhiều, nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường đang dần giảm sút…
Nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, người dân xứ biển vẫn giữ được bản lĩnh của riêng mình: tự tin và mạnh mẽ.
Họ luôn xem bão tố, phong ba là một sự trải nghiệm cần có thay vì hoảng sợ mà “ngã tay chèo”. Với tính cách được trui rèn từ sóng và gió, lại luôn biết cách thuận thiên để tồn tại, cùng với lòng kiêu hãnh và sự khôn ngoan sẽ nâng đỡ cuộc sống cư dân xứ biển, như đúng tinh thần lạc quan: “Sau cơn mưa trời lại sáng”.
Theo PHAN TẤN HÀ (Báo Đồng Khởi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin