Nhắc đến du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, chắc hẳn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đều biết đến Khu du lịch Thới Sơn của tỉnh Tiền Giang. Bởi đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên sông nước, trái ngọt, cây cối xanh tươi.
Nhắc đến du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, chắc hẳn nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đều biết đến Khu du lịch Thới Sơn của tỉnh Tiền Giang. Bởi đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên sông nước, trái ngọt, cây cối xanh tươi.
Khách du lịch “lướt sóng” cồn Thới Sơn bằng xuồng. |
Cù lao Thới Sơn thuộc xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, còn được gọi là cù lao Lân nằm trong nhóm tứ linh: Long, Lân (thuộc tỉnh Tiền Giang) và Qui, Phụng (thuộc tỉnh Bến Tre). Trong 4 cù lao mệnh danh là “tứ linh”, “cù lao Lân” (Thới Sơn) có diện tích lớn nhất.
Đất cù lao phù sa màu mỡ, trở thành một vùng trù phú. Đứng bên này sông Tiền nhìn sang mảnh đất cù lao mượt mà, xanh tươi, người đời mường tượng ra một cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc nên mới đặt tên là cù lao Thái Sơn, sau này do đọc trại nên mới có tên là cù lao Thới Sơn như bây giờ.
Và hơn thế nữa, Thới Sơn là vùng đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Mùa xuân năm 1785, người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chiến thắng oanh liệt trận Rạch Gầm - Xoài Mút phá tan 5 vạn quân Xiêm.
Đến thời kháng chiến chống Mỹ, cù lao này lại ghi dấu với thế trận lòng dân bao quanh căn cứ Đồng Tâm nên xã Thới Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1978 và Thới Sơn cùng với phường 4 - TX. Gò Công được công nhận là xã văn hóa đầu tiên của tỉnh từ năm 2000.
Du khách đi giữa vườn trái cây xanh mát của cù lao. |
Từ trung tâm TP. Mỹ Tho, chỉ cần khoảng 15 phút ngồi thuyền trên sông Tiền du khách sẽ đến với Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn. Cũng như các miền quê khác của tỉnh Tiền Giang, Thới Sơn có thế mạnh để phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Bởi cù lao Thới Sơn được bao phủ một màu xanh ngắt của cây lá quanh năm, đất đai màu mỡ.
Du khách có thể lựa chọn phương tiện di chuyển là xe đạp hay xe ngựa tùy theo sở thích để có thể tham quan tất cả điểm đến ở cù lao. Nhiều du khách nước ngoài lại thích chọn cách tản bộ dọc những con đường sum sê cây trái trong những khu vườn cây trái nặng trĩu cành.
Ở đây, người dân trồng nhiều loại cây cho trái ngon ngọt như: Nhãn, cam, quýt, bưởi, chuối, mít, xoài… Ngoài thế mạnh của cù lao, hiện một số gia đình đã thêm nghề nuôi ong lấy mật, làm bánh phồng, bánh tráng, kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Tại đây, du khách sẽ được trực tiếp xem dây chuyền làm ra các sản phẩm từ dừa và được mời dùng thử trước khi có ý định mua về làm quà.
Có thể nói, điểm nhấn của du lịch sinh thái Thới Sơn là được “lướt sóng” trên những chiếc xuồng nhỏ do người dân địa phương chở. Những bàn tay thoăn thoắt của các chị mặc chiếc áo bà ba, đội chiếc nón lá quen thuộc chèo xuống, luồn lách theo những con rạch nhỏ ngoằn ngoèo mát rượi. Hai bên bờ là san sát những hàng dừa nước...
Trong hành trình khám phá, du khách ghé những địa điểm du lịch, được tận hưởng không khí trong lành, không gì thú vị hơn được nếm món trà mật ong hoa nhãn và đủ loại trái cây miệt vườn. Nhất là khi du khách được thưởng thức những làn điệu đờn ca tài tử ngọt ngào, da diết ngân lên trong không gian sông nước...
Đặc biệt, đến với Thới Sơn, du khách sẽ không thể quên những món đặc sản dân dã của nơi đây như: Cá tai tượng chiên xù, tôm sông hấp, cá bông lau kho tộ, canh chua cá ngát… Và dường như tất cả đặc sản cù lao như muốn níu giữ bước chân du khách lưu lại nơi này.
Hy vọng khi kết thúc chuyến du lịch ngắn nơi đây, du khách sẽ nhớ đến Thới Sơn là nơi cho ta cảm giác yên bình, hoàn toàn thư giãn và sẽ quay trở lại đây vào một ngày không xa.
Theo LINH THỦY (Báo Ấp Bắc)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin