Nhiều nỗi lo khi mùa lũ thiếu... nước!

02:10, 12/10/2020

Thời điểm này đã gần cuối tháng 8 âm lịch, nhưng mực nước trên các kênh mương ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đang ở mức rất thấp. Nước lũ chưa về làm ảnh hưởng đến việc mưu sinh của người dân, ngành Nông nghiệp cũng không khỏi lo ngại sẽ gặp nhiều bất lợi trong sản xuất vụ đông xuân sắp tới...

 

Thời điểm này đã gần cuối tháng 8 âm lịch, nhưng mực nước trên các kênh mương ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đang ở mức rất thấp. Nước lũ chưa về làm ảnh hưởng đến việc mưu sinh của người dân, ngành Nông nghiệp cũng không khỏi lo ngại sẽ gặp nhiều bất lợi trong sản xuất vụ đông xuân sắp tới...

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh tranh thủ vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa thu đông.
Nông dân huyện Vĩnh Thạnh tranh thủ vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa thu đông.

Ông Lê Văn Cưng ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, có thâm niên sống bằng nghề giăng câu, lưới cá vào mùa lũ cho biết, chưa bao giờ ông nghĩ rằng mùa lũ mà thiếu nước như năm nay.

Thường tháng 6 âm lịch “nước đổ”, ông kiểm tra vá lại những tay lưới cũ rách và sửa chữa lại chiếc xuồng chuẩn bị cho mùa nước nổi. Vậy mà vài năm gần đây, nhất là năm nay đến thời điểm này mà nước chưa tràn đồng, dưới lòng kênh mức nước vẫn còn rất thấp, 2kg lưới còn treo trước hiên nhà, chiếc xuồng nhỏ vẫn còn nằm im bên “mé chái”…

Ông Cưng, nói: “Mấy năm trước tới tháng này thì tôi giăng lưới bán cá cũng được kha khá tiền rồi. Có năm nay là “tệ nhất”, tháng này mà xuồng ghe chưa lên đồng, mực nước còn sát đáy sông, cuộc sống gia đình tôi đang gặp nhiều khó khăn”.

Anh Nguyễn Văn Lượm, có nhiều năm gắn bó với công việc mưu sinh mùa lũ, cho biết: “Nguồn nước ngày càng cạn kiệt nên nguồn lợi thủy sản cũng ít đi, hoạt động đánh bắt cá, tôm không còn thuận lợi như trước nữa, nhiều người đành chuyển sang công việc khác mưu sinh”.

Không có lũ, các ngành nghề phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi, gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Vĩnh Bình chuyên làm lọp lươn, lọp cá chạch bán cho bà con, vừa tranh thủ đi đặt lọp để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Mỗi năm anh bán từ 200-300 chiếc lọp các loại, thu nhập hơn chục triệu đồng, vài năm nay số lượng đặt hàng ngày càng ít đi.

Ði đặt lọp lươn thì số lượng lọp tăng thêm nhưng sản lượng thu được thì ngược lại. Anh nói: “Hồi trước tính ra mình đặt ít lọp mà lươn nó chạy nhiều, có khi một ngày được 7-8kg. Hiện tại bây giờ một bữa chỉ có 1-2kg”.

Ông Vũ Văn Ðoán ở thị trấn Vĩnh Thạnh, trước đây là chủ vựa thu mua cua, tép rồi sơ chế bán lại cho các chợ đầu mối, giờ không còn hàng, mấy năm nay gia đình ông chuyển sang nghề bán tạp hóa.

Ông cho biết: “Mấy năm trước lũ về nhiều, mỗi ngày gia đình tôi thu mua hơn 2,5 tấn tép tươi và khoảng 6-7 tấn cua đồng, qua vụ mùa thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, bây giờ không có lũ thì làm gì có cua, tép... Buôn bán bây giờ chỉ đủ ăn, không có dư so với 5-7 năm về trước”.

Theo thống kê hằng năm, ở huyện Vĩnh Thạnh có một bộ phận không nhỏ người dân xem mùa lũ là mùa làm ăn của gia đình. Cùng với việc khai thác những sản vật do thiên nhiên ban tặng, bà con còn áp dụng những mô hình sản xuất thích ứng để sống chung với lũ.

Trên đồng ruộng nông dân áp dụng mô hình nuôi thủy sản kiếm thêm thu nhập trong khoản thời gian nước lũ ngâm đồng.

Dọc theo các tuyến kênh nhà nào cũng có từ 2-3 vèo cá lóc hay tận dụng đất trống quanh nhà phát triển nghề nuôi lươn trong bồn nylon, bằng cách tận dụng nguồn lợi thiên nhiên làm thức ăn để giảm chi phí.

hế nhưng những mùa nước gần đây đã không còn diễn ra theo quy luật tự nhiên, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chuyện sinh kế của bà con.

Anh Võ Văn Út ở xã Vĩnh Trinh, nói: “Mùa lũ về gia đình tôi nuôi 4 bồn lươn với số lượng khoảng 10.000 con, đi vớt ốc một đêm từ 400-500kg về luộc, lể ra rồi xay cho lươn ăn. Mấy năm nay thì nước lũ không nhiều, lượng ốc, tép không còn gia đình tôi phải đầu tư tiền mua thức ăn cho lươn nên lợi nhuận giảm”.    

Khi mùa lũ mà không có nước, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người dân mà lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều bất lợi. Hiện tại, mực nước tại các trạm đo trên kênh Cái Sắn dao động ở mức +0,8m, thấp hơn trung bình nhiều năm.

Ngành Nông nghiệp và bà con nông dân lo ngại, mực nước quá thấp nên trên nhiều cánh đồng cỏ dại, lúa chét mọc đầy, sắp tới khâu vệ sinh đồng ruộng, sản xuất vụ đông xuân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thuần, nông dân xã Thạnh An, nói: “Sau khi thu hoạch lúa thu đông, tiểu vùng đê bao ấp E1 mở đập xả lũ, nhưng nước không vào được, trên đồng ruộng chủ yếu có nước là do mưa, vì thế chúng tôi phải thuê máy cày dập rơm rạ hạn chế ảnh hưởng cho vụ lúa sau. Chưa kể nguy cơ chuột bọ có điều kiện sinh sản nhanh sẽ cắn phá lúa trong vụ đông xuân tới”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, do nhu cầu sử dụng năng lượng mà các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong đã đẩy mạnh xây dựng các đập thủy điện và kế hoạch chuyển nước phục vụ mở rộng diện tích canh tác lúa cũng như nuôi trồng thủy sản của các quốc gia này.

Những hoạt động trên cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến cho nguồn nước ở hạ nguồn cạn dần và đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững không chỉ có huyện Vĩnh Thạnh hay TP Cần Thơ mà của cả vùng châu thổ sông Cửu Long.

Ðây được xem là bài toán khó mà Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Trước mắt để giảm bớt khó khăn cho vụ đông xuân, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch xuống giống phù hợp với tình hình.

“Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đông xuân phát triển tốt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bà con trên từng vùng đê bao nếu đã thu hoạch xong lúa thu đông cần tranh thủ vệ sinh đồng ruộng ngay, như: cày, xới, trục nhận rơm rạ để có đủ thời gian phân hủy, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa đông xuân, đồng thời qua đây cũng cắt đứt mầm bệnh, góp phần giảm thiểu áp lực sâu bệnh cho vụ lúa tới”-Ông Nguyễn Ngọc Hiền, nói.

Theo MINH HẢI/Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh