Miền Tây khi lũ không về

11:10, 14/10/2020

Hằng năm, cứ đến giữa tháng 8 âm lịch, các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL vào cao điểm lũ. Nước lũ tràn đồng kéo theo nhiều sản vật góp phần cải thiện sinh kế của đại bộ phận cư dân vùng lũ. Nhưng năm nay, đến thời điểm này, việc hy vọng có mùa lũ "đẹp" gần như không còn và kéo theo đó là những nguy cơ chực chờ khi vắng lũ…

 

Một nông dân ở huyện An Phú (tỉnh An Giang) đầu tư làm cái rớ hơn 50 triệu đồng nhưng lũ không về xem như lỗ nặng.
Một nông dân ở huyện An Phú (tỉnh An Giang) đầu tư làm cái rớ hơn 50 triệu đồng nhưng lũ không về xem như lỗ nặng.

Hằng năm, cứ đến giữa tháng 8 âm lịch, các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL vào cao điểm lũ. Nước lũ tràn đồng kéo theo nhiều sản vật góp phần cải thiện sinh kế của đại bộ phận cư dân vùng lũ. Nhưng năm nay, đến thời điểm này, việc hy vọng có mùa lũ “đẹp” gần như không còn và kéo theo đó là những nguy cơ chực chờ khi vắng lũ…

Dân đầu nguồn thất thu

Ðầu mùa mưa năm nay, ở ÐBSCL tần suất mưa khá nhiều, làm cho người dân các tỉnh đầu nguồn hy vọng có mùa lũ “đẹp”. Tuy nhiên, niềm hy vọng này ngày càng xa khi con nước lũ ngày càng khan hiếm. Không có lũ, lượng tôm cá, nguồn lợi thủy sản cũng thất bát, người dân lâm vào cảnh khó khăn.

Nhiều người ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long như: An Giang, Ðồng Tháp đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ để khai thác thủy sản từ lũ nhưng đành ngậm ngùi vì nước trên các sông, kênh, rạch còn rất thấp, chưa thấy dấu hiệu nước lũ dâng lên…

Theo anh Nguyễn Văn Mách, ở xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Ðồng Tháp, hằng năm, khu vực đầu nguồn tỉnh Ðồng Tháp thường đón lũ sớm hơn, mùng 5 tháng 5 âm lịch, nước đã tràn vào đồng.

Giờ gần cuối tháng 8 âm lịch, mực nước trên các sông đầu nguồn vẫn còn rất thấp. Nông dân đang trông đợi lũ về.

Ðầu tư xuồng, lưới hàng chục triệu đồng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ðiện, ở xã An Phước, ngồi mong con nước mỗi ngày. Theo anh Ðiện, từ xưa, kinh nghiệm của người dân là bước vào tháng 7 âm lịch thì “nước nhảy khỏi bờ”.

Nghĩa là đến tháng 7 âm lịch nước lũ đầu nguồn bắt đầu dâng cao nhưng năm nay không thấy lũ về. Hiện mực nước dưới sông, rạch vẫn ở mức thấp, điều này có nghĩa mùa lũ năm 2020 sẽ về muộn và thấp hơn nhiều so với các năm trước.

“Vợ chồng tôi đầu tư số tiền khá lớn mua máy móc, ngư lưới cụ để khai thác tôm, cá mùa lũ. Ðây là mùa làm ăn chính của người dân địa phương vì hiện nay giá cả các loại tôm cá khá cao. Tuy nhiên, chờ hoài mà lũ chưa về, tôi và bà con nơi đây rất sốt ruột” - anh Ðiện chia sẻ.

Ði về huyện Tân Hồng, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Ðồng Tháp), An Phú, Tân Châu (An Giang) dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người “treo” ngư cụ vì không có lũ.

“Vợ chồng tôi mua hàng chục cái dớn để kiếm thêm thu nhập trong mùa lũ nhưng đến nay nước quá thấp đành treo lên chờ.

Tình hình như hiện nay chắc khó làm ăn vì không có lũ như trước. Làng xóm giờ cũng đìu hiu vì người trong tuổi lao động bỏ quê đi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương làm công nhân” - anh Nguyễn Ðình Duy, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, nói.

Phải tính toán để thích nghi

Theo Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo mùa lũ khu vực sông Cửu Long năm nay sẽ thấp và đến muộn so với quy luật do tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về khu vực ÐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Tổng lượng dòng chảy vào ÐBSCL tại trạm Tân Châu và Châu Ðốc từ tháng 6 đến nay chỉ bằng 55% giá trị trung bình nhiều năm, thiếu tới 65 tỉ mét khối… Thời gian mực nước đạt đỉnh lũ năm nay có khả năng xảy ra vào giữa tháng 10.

Các chuyên gia về sinh thái ÐBSCL cho rằng thời gian qua, hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong làm cho lượng mưa thấp nên mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục ngay trong mùa lũ.

Trong khi đó, mực nước lũ ở ÐBSCL phụ thuộc vào lượng mưa ở các vùng phía trên nhưng lượng mưa ở các vùng này lại phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Những năm El Nino hoặc La Nina cực đoan thì biến động lớn hơn, mưa rất nhiều gây lũ lớn hoặc mưa rất ít gây hạn cực đoan…

Theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, qua theo dõi mức độ lũ ở vùng ÐBSCL giai đoạn nửa cuối tháng 9 hằng năm trong 10 năm gần đây, cho thấy năm 2020 có mực nước và tổng lượng lũ thấp nhất.

Dòng chảy từ sông Mekong tới ÐBSCL qua 2 trạm Tân Châu và Châu Ðốc (tỉnh An Giang) vào đầu tháng 10/2020 duy trì ở mức khoảng 16.000m3/s; tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này dự kiến chỉ đạt khoảng 68% trung bình nhiều năm và tương đương với cùng kỳ năm 2019.

Trước một miền Tây mùa lũ không về, hầu hết người dân lo lắng, do đó sự tính toán để thích nghi với lũ thấp, thậm chí không có lũ tại ÐBSCL đang là vấn đề cấp bách.

Ông Nguyễn Văn Lung, ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp, cho biết: “Năm trước lũ thấp, năm nay xem như không có lũ, do đó tôi và bà con bắt đầu tính toán sản xuất phù hợp với điều kiện không có lũ. Hoặc xây dựng những mô hình để chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp trong tương lai”.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết: Nước thấp không chỉ thất thu tôm cá, mà cái lo lớn nhất là không có phù sa, đồng ruộng sẽ nhanh bạc màu.

Ngoài ra, vụ lúa tới dịch hại chắc chắn sẽ tăng lên, dẫn đến sản xuất tốn nhiều chi phí hơn. “Nếu những năm tới lũ tiếp tục thấp sẽ tốn thêm kinh phí nạo vét kênh mương để đảm bảo tưới tiêu. Ngoài ra cần phải tính toán lại lịch thời vụ sao cho phù hợp và không loại trừ khả năng phải đóng cống giữ nước mưa để diệt côn trùng, mầm bệnh” - ông Cường nói.

Theo PHƯỚC BÌNH (Báo Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh