Đầu nguồn mùa lũ cạn

09:10, 10/10/2020

Sắp hết tháng 8 (âm lịch), nhưng mực nước đầu nguồn An Phú, Tân Châu (An Giang) vẫn còn thấp hơn khoảng 1m so cùng kỳ năm trước. Mùa lũ vốn là cơ hội mưu sinh của người dân đầu nguồn. Nên khi lũ không về, nguồn lợi thủy sản khan hiếm khiến cuộc sống của người dân thêm vất vả.

Sắp hết tháng 8 (âm lịch), nhưng mực nước đầu nguồn An Phú, Tân Châu (An Giang) vẫn còn thấp hơn khoảng 1m so cùng kỳ năm trước. Mùa lũ vốn là cơ hội mưu sinh của người dân đầu nguồn. Nên khi lũ không về, nguồn lợi thủy sản khan hiếm khiến cuộc sống của người dân thêm vất vả.

Ngư dân chờ con nước cuối mùa để có thêm thu nhập. Ảnh: HỮU HUYNH
Ngư dân chờ con nước cuối mùa để có thêm thu nhập. Ảnh: HỮU HUYNH

Câu nói “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” đã không còn ứng nghiệm cho vùng đầu nguồn khi mà tình hình lũ hàng năm diễn biến ngày càng thất thường. Còn nhớ mùa lũ năm 2018, dòng kênh Bảy Xã đỏ ngập phù sa theo con nước từ thượng nguồn đổ về những ngày cuối tháng 7. Cả quãng đồng mênh mông nước tiếp giáp với phía Campuchia nước ngập loang loáng xa tít tầm mắt.

Ở phía Tây sông Hậu là các xã: Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, nước lên nhanh. Kèm theo đó là sản vật từ mùa lũ mang về vô cùng phong phú, thu nhập của người dân vùng lũ cũng tốt hơn… Người dân vùng đầu nguồn xem lũ là cơ hội mưu sinh, bởi đã quen với cảnh “sống chung với lũ” nên ai cũng chủ động để thích ứng, đồng thời sẵn sàng khai thác nguồn lợi từ lũ mang lại.

Năm nay đã sắp bước vào tháng 9 (âm lịch), nhưng lũ vẫn “kiệt”, nhiều nơi ngoài vùng đê bao vẫn còn rất cao. Khu vực kênh Bảy Xã nước còn rất thấp, nhiều vùng “rốn lũ” hàng năm thì nay nước mới ăm ắp. Người dân không lên đồng đánh bắt được (do không có lũ), chỉ còn biết đánh bắt trên các nhánh sông, kênh, rạch, tuy nhiên thu nhập rất ít ỏi.

Nhảy ùm xuống kênh nước ngập lút đầu, ông Lưu Văn Ba vừa kéo lưới, vừa cho biết: “Kéo lưới trên sông khó khăn hơn trên đồng trống, xuồng ghe chạy tới lui hoài nên tôm cá chạy mất hết. Năm nay lũ không về, tôm cá càng ít ỏi. Mỗi ngày kéo cật lực kiếm được 200.000-300.000 đồng là may mắn lắm rồi”.

Ở vùng kênh Bảy Xã, hầu hết người dân sống bằng nghề câu lưới, lọp, lờ… khai thác thủy sản. Gắn bó với nghề câu lưới gần trọn cuộc đời, ông Huỳnh Văn Đằng (63 tuổi, xã Phú Hữu, An Phú) cho biết: “Chưa năm nào khó khăn như năm nay. Lũ không về, tôm cá không có, người dân sống bằng nghề câu lưới không còn biết mưu sinh bằng cách nào”.

Ở xóm đặt lọp cua đồng thuộc ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông), tình hình càng thêm khó khăn. “Trước đây, bà con thuê đồng bên Campuchia để đặt lọp nhưng mấy năm nay không được thuê nữa, cộng với lũ không về nên người dân phải chuyển đổi nghề. Tụi trẻ đi Bình Dương làm công nhân, người già ở lại ai thuê gì làm nấy”- một người dân thông tin.

Ngược lên chợ Khánh An, đây vốn dĩ là nơi mua bán sản vật mùa lũ sôi động của huyện đầu nguồn An Phú, thì nay cũng đìu hiu, vắng vẻ. Nhớ mấy năm trước, mỗi sáng sớm, hàng chục xuồng máy từ các nơi tấp nập cập bến các vựa cua, ốc, cá đồng… tại chợ biên giới Khánh An.

Năm nay, không khí nhộn nhịp đặc trưng mùa lũ ấy không còn, chỉ lác đác vài xuồng nhỏ chở cua, ốc đến bán rồi đi. “Lũ không về, tôm cá ít quá chú ơi. Trước đây, mỗi ngày cân gần chục tấn cua đồng, giao cho mối lái tận TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ… Năm nay chỉ thu mua lẻ tẻ. Sản lượng ít nên giá cả cũng rất đắt đỏ”- một chủ vựa cho biết.

Năm nay lũ không về, người dân đầu nguồn đối mặt thêm tình trạng chuột cắn phá lúa, hoa màu, cây trái. Các địa phương triển khai cho nông dân tích cực săn bắt chuột, vừa bảo vệ sản xuất, vừa có thêm thu nhập.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, mặc dù năm nay lũ kém, nhưng với tinh thần chủ động, An Phú vẫn sớm triển khai các phương án phòng, chống lụt bão, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; gia cố đê bao để đảm bảo “ăn chắc” các vụ sản xuất.

Đồng thời, có kế hoạch triển khai các điểm giữ trẻ mùa lũ và đưa rước học sinh (khi lũ xảy ra). Tuyên truyền người dân chủ động chằng chống nhà cửa, đề phòng sạt lở đảm bảo an toàn cuộc sống. Tăng cường theo dõi tình hình mưa lũ (đề phòng lũ kép), sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Do lũ kém nên sản vật thiên nhiên ít, giá cao hơn khoảng 20% so cùng kỳ. Giá rắn nước 160.000 đồng/kg, rắn bông súng 170.000 đồng/kg, rắn ri voi hơn 400.000 đồng/kg... Cua đồng có giá khá cao: cua lớn từ 50.000-70.000 đồng/kg, càng cua nhỏ 100.000 đồng/kg, càng cua loại trung 220.000 đồng/kg, loại lớn 270.000 đồng/kg…

Theo HỮU HUYNH/TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh