Tiền Giang: Người nuôi heo vẫn ngại tái đàn

10:09, 10/09/2020

Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu tái đàn heo, nhưng do ảnh hưởng của các yếu tố như: Dịch bệnh, con giống…, nên số lượng tái đàn chưa nhiều.

 

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT tham quan mô hình chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học tại xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo vào tháng 5-2019.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT tham quan mô hình chăn nuôi heo đảm bảo an toàn sinh học tại xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo vào tháng 5-2019.

Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu tái đàn heo, nhưng do ảnh hưởng của các yếu tố như: Dịch bệnh, con giống…, nên số lượng tái đàn chưa nhiều.

Thời điểm này, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như cả nước đã “hạ nhiệt” về mức khoảng 80.000 đồng/kg. Mức giá này vẫn còn khá hấp dẫn với người chăn nuôi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nên người dân vẫn chưa mạnh dạn tái đàn.

Lo lắng dịch bệnh, khan hiếm con giống

Ông Nguyễn Hữu Phước, thành viên Tổ hợp tác Chăn nuôi xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) cho biết, do ảnh hưởng của DTHCP nên người dân trong xã còn ngại tái đàn. Hiện đàn heo của tổ hợp tác đã giảm khoảng 70% so với đầu năm 2019.

Giá heo giống vừa cai sữa đang ở mức khoảng 2,5 triệu đồng/con (trọng lượng khoảng 7,5 kg) và nguồn cung cũng đang rất khan hiếm. Người dân có nhu cầu tái đàn phải nhờ đại lý thức ăn đặt mua heo giống từ các công ty. “Người dân đang rất ngại tái đàn. Đối với các hộ ít vốn mua khoảng 2 con heo giống về nuôi nếu xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó khăn” - ông Phước chia sẻ.

Xuân Đông là xã nuôi heo nhiều nhất của huyện Chợ Gạo. Tuy nhiên, đàn heo của xã cũng đã giảm nhiều so với năm 2019. Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, người dân đang tiến hành tái đàn heo, nhưng chủ yếu ở các trang trại lớn và những hộ chưa xảy ra dịch bệnh. 

Những trang trại lớn cũng chỉ tái đàn từ từ, chưa dám ồ ạt, vì còn ngại dịch bệnh. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ít vốn đã treo chuồng, một số khác chuyển sang nuôi gà, vịt. Hiện đàn heo trên địa bàn xã còn khoảng 15.000 con.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang, do ảnh hưởng của DTHCP, đàn heo trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. 6 tháng đầu năm 2020, đàn heo đang dần khôi phục, tổng đàn gần 294 ngàn con, đạt 61,4% kế hoạch, bằng 61,6% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,94% so với thời điểm cuối năm 2019.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh

Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, huyện đang triển khai tiêu độc, khử trùng đợt 2, riêng các trang trại tự phun thuốc tiêu độc, khử trùng định kỳ. Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở giết mổ, điểm bán thịt heo.

Về công tác tái đàn, thực hiện theo công văn của Sở NN&PTN, huyện vận động, khuyến khích các hộ dân tái đàn heo để đảm bảo nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, khuyến khích các trang trại chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, hướng tới thu gọn lại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Khi các trang trại có đơn xin tái đàn heo, Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch trước khi nhập heo giống mới cho tài đàn.

Trước tình hình DTHCP tái diễn và diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong cả nước, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một số trường hợp heo mắc bệnh DTHCP.

Để ngăn ngừa, kịp thời khống chế dịch lây lan trong diện rộng, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống DTHCP giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tăng cường giám sát dịch bệnh động vật để kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch khi mới xảy ra.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại các huyện, thành, thị; xây dựng kế hoạch và triển khai hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường trong hoạt động chăn nuôi, thú y…

Để đảm bảo an toàn cho đàn heo của tỉnh, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn các cấp quản lý chặt chẽ việc tái đàn heo.

Theo đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi heo áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học trước khi tái đàn.

Qua khảo sát thực tế, các hộ chăn nuôi heo bắt đầu tái đàn từ tháng 1-2020, song với giá con giống cao, khan hiếm nguồn cung, tâm lý ngại dịch bệnh nên số lượng tái đàn không nhiều ở các hộ từng bị dịch.

Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang nhập và tái đàn với số lượng ít nên chưa quan tâm việc khai báo với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong việc cập nhật tình hình tái đàn và có biện pháp xử lý khi dịch xảy ra. Hiện có 14 trang trại chăn nuôi gia công đã đăng ký với địa phương và được kiểm tra đánh giá đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, tái đàn với số lượng 12.470 con.

Trong những tháng cuối năm 2020, Sở NN&PTNT phấn đấu tăng đàn heo lên 478 ngàn con. Để thực hiện mục tiêu này, về chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân khôi phục đàn heo, thực hiện Nghị quyết 07/2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tham mưu Sở NN&PTNT triển khai thủ tục hỗ trợ cho 2 hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến, mỗi HTX được hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng trong 3 năm. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 02/2020 của HĐND tỉnh Tiền Giang về quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đề xuất mỗi huyện xây dựng 1 mô hình hoặc 1 dự án chăn nuôi heo với mức hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/mô hình hoặc 500 triệu đồng/dự án.

Hiện Sở NN&PTNT đang xây dựng đề án tái đàn heo trên địa bàn tỉnh theo hướng vận dụng các chính sách hiện có hỗ trợ để phát triển đàn heo hướng đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo chủ trương của UBND tỉnh.

Theo T. ĐẠT - C. THẮNG (Báo Ấp Bắc)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh