Nông thôn Hòa Ninh đổi mới

06:09, 20/09/2020

Xã Hòa Ninh là một trong 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông cách trở với thành thị, giao thương buôn bán gặp nhiều khó khăn.

 

Tuyến đường nhựa ấp Bình Thuận 2 được trồng nhiều loại hoa 2 bên đường và gắn các trụ đèn vừa đảm bảo sáng- xanh- sạch- đẹp, vừa đảm bảo an ninh trật tự cho địa phương.
Tuyến đường nhựa ấp Bình Thuận 2 được trồng nhiều loại hoa 2 bên đường và gắn các trụ đèn vừa đảm bảo sáng- xanh- sạch- đẹp, vừa đảm bảo an ninh trật tự cho địa phương.

Xã Hòa Ninh là một trong 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông cách trở với thành thị, giao thương buôn bán gặp nhiều khó khăn.

Song, với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền cùng với sự đồng lòng, chung sức của người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua hơn 8 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng của xã Hòa Ninh được đầu tư xây dựng đồng bộ, diện mạo địa phương ngày càng đổi mới, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao, tình hình chính trị, xã hội ổn định, an ninh trật tự được giữ vững.

Chúng tôi đến ấp Bình Thuận 2 sau ngày xã Hòa Ninh vinh dự đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, cũng là lúc chú Nguyễn Hữu Quí- Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp- vừa bán cho thương lái 60- 70kg nhãn xuồng cơm vàng. Đón tiếp chúng tôi vài tách trà nóng, chú Nguyễn Hữu Quí tươi cười, kể cho chúng tôi nghe về thành quả hiến đất làm đường NTM ở địa phương.

Ấp Bình Thuận 2 có 21 tổ nhân dân tự quản, với 365 hộ dân, gồm 1.388 nhân khẩu. Kinh tế của nhân dân nơi đây chủ yếu làm vườn, trồng cây ăn trái phần lớn là chôm chôm, nhãn Ido và nhãn xuồng cơm vàng.

Chỉ tay ra con đường nhựa láng vo trước cửa nhà có bề mặt rộng 3,5m dài hơn 3km nối liền ấp Bình Thuận 2 với ấp Bình Thuận 1, chú Nguyễn Hữu Quí vui vẻ nói: “Con đường nhựa này là thành quả của phương châm “Nhà nước và nhân cùng làm” đó chú.

Khi nghe Nhà nước nói làm đường nhựa để xây dựng xã NTM, chúng tôi nhiệt tình hưởng ứng và hiến đất để làm đường. Đặc biệt, có hộ sẵn lòng hiến khoảng 500m2 đất trong tổng số 1,5ha đất của gia đình để tạo nên con đường rộng, thông thoáng, thẳng tắp như hôm nay”.

Câu chuyện hiến đất làm đường giao thông không chỉ gói gọn ở ấp Bình Thuận 2 mà còn lan tỏa ra nhiều ấp khác trong xã Hòa Ninh.

Đưa cho chúng tôi xem giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Long Hồ vừa tặng cho gia đình đã có thành tích trong xây dựng NTM, bà Nguyễn Thị Thảnh (ấp Hòa Thuận) cho chúng tôi hay gia đình bà cũng vừa hiến đất cho Nhà nước để làm đường giao thông nông thôn.

Do điều chỉnh quy hoạch, nên tuyến đường nhựa liên ấp Hòa Thuận (xã Hòa Ninh)- Phú Thuận (xã Đồng Phú) chạy thẳng vào nhà của bà Nguyễn Thị Thảnh. Hay tin, bà Thảnh không đắn đo, suy nghĩ mà cùng với gia đình sẵn sàng hiến căn nhà lợp ngói vảy cá đang ở cho Nhà nước làm đường, với diện tích gần nửa công đất.

Nhẩm tính, số đất trên có giá khoảng 150- 200 triệu đồng. Chúng tôi hỏi có nhiều người không đồng thuận, nhưng sao bà sẵn sàng hiến đất cho Nhà nước xây NTM, bà Thảnh trả lời chúng tôi rất hồn nhiên rằng: “Tôi thấy mở rộng đường ra cho con cháu đi học hành được thuận tiện vậy thôi à! Cho làng xóm được vui vẻ, nhộn nhịp hơn”.

Ông Nguyễn Văn Út- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hòa Thuận- cho biết: Gia đình cũng hưởng ứng hiến diện tích đất trước nhà để Nhà nước làm đường giao thông đạt chuẩn.

“Trước đây, chưa có lộ nhựa, ít người tham gia tập thể dục, giờ đường nhựa thông thoáng có nhiều người dân trong xóm rủ nhau tập thể dục buổi sáng tạo không khí nông thôn nhộn nhịp hẳn ra”.

Toàn xã Hòa Ninh có 2 tuyến đường liên xã dài 5,5km, 2 tuyến đường liên ấp dài 6,26km và 24,75km đường liên xóm đều đạt chuẩn theo quy định. Đường giao thông hoàn chỉnh, Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục vận động người dân làm đèn đường thắp sáng.

“Chúng tôi đã vận động bà con nhân dân làm đèn đường trước Tết Nguyên đán được 41 trụ đèn khi vận động trên 22 triệu đồng. Từ đó đường sá trở nên sáng sủa, tình hình an ninh trật tự ở địa phương cũng được đảm bảo hơn”- chú Nguyễn Hữu Quí thông tin.

Còn ông Nguyễn Văn Út- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Hòa Thuận- cho hay cũng đang đi vận động nhân dân đóng góp để làm đèn đường thắp sáng toàn tuyến trên 3km với khoảng 145 triệu đồng.

Đường sá được mở rộng, thông thoáng, đạt chuẩn, việc mua bán trái cây của bà con cũng thuận lợi hơn, thương lái đến tận vườn thu hoạch rồi đưa lên xe chở đi bỏ mối, không còn cảnh từng dòng người khuân vác nặng nhọc từ trong vườn ra đường cái như trước đây.

Không những vậy, nhân dân địa phương còn tích cực rủ nhau trồng nhiều giống hoa ở 2 bên đường như: hoa mười giờ, hoa dừa cạn… thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi ra đường, xuống sông, rạch nhằm tạo cảnh quan môi trường xã Hòa Ninh luôn sáng- xanh- sạch- đẹp.

Về xã Hòa Ninh hôm nay, chúng tôi nhận thấy nhiều ngôi nhà tường khang trang mọc lên, phía trước nhà là hàng rào được làm bằng bê tông cốt thép thẳng tắp với nhiều kiểu dáng phong phú, đa dạng trông thật bắt mắt.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách được xây dựng nhà ở hoàn chỉnh, từ đó tạo nên bộ mặt nông thôn xã Hòa Ninh thêm đổi mới.

Xã Hòa Ninh có một hợp tác xã thương mại dịch vụ và một hợp tác xã kinh tế vườn với mô hình liên kết sản phẩm chủ lực là nhãn Ido và chôm chôm. Các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp được áp dụng đạt hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

“Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45,09 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ hơn 4% trước khi xây dựng NTM đến nay đã giảm xuống chỉ còn 1,88%.

Đặc biệt, ấp Bình Thuận 2 là 1 trong 6 ấp của xã không còn hộ nghèo”- ông Châu Minh Lộc- Chủ tịch UBMTTQ xã Hòa Ninh vui mừng chia sẻ.

Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi của xã cũng đảm bảo cho sản xuất và đời sống dân sinh, có 95,82% tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia, 86,4% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 99,85% hộ dân trong xã được sử dụng điện an toàn.

Đến nay, xã có 2 trường học đạt chuẩn quốc gia, Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã, Nhà Văn hóa- Khu Thể thao cụm liên ấp được đầu tư xây mới khang trang, đảm bảo điều kiện cho nhân dân đến tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao.

Đảng bộ, chính quyền xã được công nhận trong sạch vững mạnh hàng năm. Các tổ chức đoàn thể chính trị của địa phương hàng năm đều được công nhận tiên tiến trở lên, quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định và giữ vững.

Theo kế hoạch, xã Hòa Ninh sẽ thực hiện đạt 19/19 tiêu chí xây dựng xã NTM vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ áp dụng hiệu quả, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, cuối năm 2019 xã Hòa Ninh đã thực hiện đạt và được tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu trước một năm so kế hoạch.

“Hay tin xã Hòa Ninh đón nhận danh hiệu xã NTM, cô bác ở đây phấn khởi lắm. Bà con nói, như vậy nông thôn mình đã được đổi mới, điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất, kinh tế, văn hóa cũng tốt lên hén chú!”- chú Nguyễn Hữu Quí nói về những cảm nhận của bà con nhân dân khi xã đạt NTM.

Ông Châu Minh Lộc- Chủ tịch UBMTTQ xã Hòa Ninh nói: “Đạt chuẩn NTM đã khó, giữ vững danh hiệu lại càng khó hơn, nhưng thời gian tới toàn hệ thống chính trị, xã hội của xã Hòa Ninh sẽ quyết tâm giữ vững danh hiệu xã NTM và tiếp tục nâng chất các tiêu chí để đạt chuẩn NTM nâng cao và sau đó là xã NTM kiểu mẫu theo quy định”.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh