Mùa cá linh muộn

04:09, 15/09/2020

Khoảng 10 ngày nay, tuy nước lũ vẫn rất thấp nhưng tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long cá linh non bắt đầu xuất hiện. Năm nay, lũ về trễ làm cho mùa cá linh cũng muộn theo, sản lượng đánh bắt được rất ít. Nhưng với những ngư dân đầu nguồn, mùa cá muộn còn đỡ hơn không có cá…

Khoảng 10 ngày nay, tuy nước lũ vẫn rất thấp nhưng tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long cá linh non bắt đầu xuất hiện. Năm nay, lũ về trễ làm cho mùa cá linh cũng muộn theo, sản lượng đánh bắt được rất ít. Nhưng với những ngư dân đầu nguồn, mùa cá muộn còn đỡ hơn không có cá…

Năm nay lũ muộn nên cá linh non chỉ xuất hiện nhiều tại đầu nguồn khoảng 10 ngày gần đây. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Năm nay lũ muộn nên cá linh non chỉ xuất hiện nhiều tại đầu nguồn khoảng 10 ngày gần đây. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Những ngày qua, tại các huyện, thị xã đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Châu, An Phú… của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, nước trong các tuyến kênh, rạch đã chuyển dần sang màu đỏ phù sa cũng là lúc cá linh non xuất hiện. Không như mọi năm, năm nay mùa cá linh về trễ hơn 1 tháng khiến ngư dân nơi đây thấp thỏm đợi chờ.

Ông Trịnh Văn Đắng, xã Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh An Giang), cho biết năm nay giờ này nước lũ chưa lên đến mặt ruộng nên mùa cá khởi động chậm hơn. Nhiều hộ sắm sẵn ngư lưới cụ nhưng đợi hoài không có nước nên đi nơi khác kiếm việc làm. Một số hộ theo nghề nhưng đánh bắt được rất ít cá.

Không như những năm trước, mỗi khi lũ về, cư dân đầu nguồn mỗi ngày đánh được hàng chục thậm chí hàng trăm ký cá linh non đưa đi tiêu thụ khắp nơi thì năm nay cá linh rất ít.

Thời điểm này, cá linh non chỉ lớn bằng đầu đũa, người dân chủ yếu đánh bắt cá dưới sông, kênh rạch, sản lượng chưa bằng 20% so với đầu mùa lũ năm trước.

Anh Nguyễn Văn Ao, chuyên đánh bắt cá linh mùa lũ ở xã Phú Hội, huyện An Phú, cho biết: “Đến thời điểm này chưa thấy lũ về, gia đình có 3 cái dớn đặt dưới sông mỗi ngày chỉ kiếm khoảng 4-5kg cá linh non. Vì vậy, đánh được ký cá linh nào là thương lái đến tận nhà mua hết".

Cá được làm sạch ruột khi bán cho khách hàng. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Cá được làm sạch ruột khi bán cho khách hàng. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Việc nước lũ từ thượng nguồn đổ về chậm và thấp hơn mọi năm nên sản vật cá linh về các chợ rất ít làm giá bán tăng cao, mỗi người nhiều lắm ngày gom được khoảng chục ký.

Bà Nguyễn Thị Tuyền, xã Phú Hội, huyện An Phú, cho biết: “Mấy năm trước vào mùa lũ, cá về nhiều, gia đình tôi mỗi ngày đánh bắt được hàng trăm ký cá chuyển đi tiêu thụ khắp nơi.

Năm nay, đến giờ này xem như gần hết mùa lũ, nước thấp nên ngày chỉ kiếm được chục ký. Mà đánh được bao nhiêu, bạn hàng ở Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh điện thoại đặt hết nên đâu còn để đưa ra chợ”.

Hiện nay, tại các chợ đầu nguồn của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, các tiểu thương thu gom mỗi người cũng chỉ được vài ký nên giá rất cao. Giá cá linh non còn sống giá 100.000-120.000 đồng/kg, đối với cá linh non làm sạch ruột có giá từ 150.000-160.000 đồng/kg.

Còn tại nhà hàng, quán ăn, cá linh non làm sạch ruột bán từ 200.000-220.000 đồng/kg nhưng phải đặt trước mới có cá bán cho thực khách. Cá linh được chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhiều chất dinh dưỡng nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tại các nhà hàng, quán ăn, cá linh non thường được kho lạt dầm me, bứa hoặc lăn bột chiên ăn với rau sống. Cá linh lớn hơn thì kho lạt, nấu lẩu chua, lẩu mắm, chiên giòn, làm mắm, nước mắm.

Cá linh là đặc sản độc đáo của vùng sông nước Cửu Long, nhưng gần đây cá linh ít dần nên trở thành đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn. Mỗi năm, cá linh chỉ có một mùa khi nước lũ đổ về nên nó đã trở thành văn hóa của miền sông nước Cửu Long.

Tại các nhà hàng, quán ăn, giá cá linh non hiện rất cao nhưng nhiều người muốn ăn phải đặt trước mới có. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Tại các nhà hàng, quán ăn, giá cá linh non hiện rất cao nhưng nhiều người muốn ăn phải đặt trước mới có. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Theo BÌNH NGUYÊN (Báo Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh