Lên núi "săn cua"!

01:09, 11/09/2020

Khi nghe đến việc lên núi "săn cua", nhiều người sẽ không thể tin rằng ở chốn rừng cao dốc đá lại tồn tại loài thủy sản này. Tuy nhiên, bạn có thể trải nghiệm hoạt động này nếu đến núi Cấm (An Giang) vào mùa mưa, khi những dòng nước trời mang theo mùa cua núi về với "nóc nhà miền Tây".

Khi nghe đến việc lên núi “săn cua”, nhiều người sẽ không thể tin rằng ở chốn rừng cao dốc đá lại tồn tại loài thủy sản này. Tuy nhiên, bạn có thể trải nghiệm hoạt động này nếu đến núi Cấm (An Giang) vào mùa mưa, khi những dòng nước trời mang theo mùa cua núi về với “nóc nhà miền Tây”.

“Hò ơi, gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. Bất cứ ai lớn lên trên mảnh đất quê nghèo đều nằm lòng câu hát ru từ thuở nằm nôi.

Và khi đi vào bài hát “hình bóng quê nhà”, câu hát ấy cứ như đóng đinh vào nỗi nhớ của mỗi người về tình yêu sâu nặng với xứ rẫy, xứ đồng qua hình ảnh con cá, con cua. Nhưng ở đây, tôi đang làm ngược lại khi quyết định làm một chuyến lên núi săn cua!

Như đã hẹn, tôi đến núi Cấm vào một ngày giữa mùa mưa để trải nghiệm hoạt động săn cua trên núi. Anh Lê Gia Giang (người dân sinh sống trên núi Cấm) tình nguyện làm “hướng dẫn viên” giúp tôi có chuyến đi đặc biệt này.

Gọi là “săn cua” cho oai, chứ người dân trên núi chỉ nói đơn giản là “câu cua”. Thoáng nghe, tôi có chút nghi ngờ. Bởi, miệt đồng bằng thường nói là “câu cá” và “bắt cua”, chứ “câu cua” thì chưa  nghe thấy bao giờ. Nhưng anh Giang và những người bạn trên núi Cấm đi câu cua thật!

Câu cua trong hốc đá
Câu cua trong hốc đá

Họ tìm những nhánh tre ngay ngắn, dài hơn 1m rồi buộc vào đầu cây vài sợi dây thun. Đó là chiếc cần câu cua độc đáo ở miền sơn địa này. Nếu đem xuống đồng bằng, tôi chẳng biết nó dùng để câu con gì! Anh Giang và những người bạn tìm những hốc đá sâu, nằm cạnh đường ô nước hoặc dọc theo mấy nhánh suối.

Khi phát hiện những hốc đá có cua trú ngụ, họ cho đầu cần câu có buộc mấy sợi dây thun vào rồi nhấp nhấp.

Anh Giang cho biết, với bản tính hung dữ sẵn có, cua núi sẽ kẹp lấy mấy sợi dây thun. Khi đó, người ta nhanh tay giật đầu cần câu ra khỏi hốc đá thì con cua văng ra theo.

Việc cuối cùng là nhanh tay chộp lấy những con vật “8 cẳng 2 càng” này cho vào xô đựng. Cứ như thế, chúng tôi lang thang dưới màu xanh của lá độ vài giờ đồng hồ để tìm thêm những con cua chuyên sống ở vùng cao này.

Anh Giang kể rằng, loài cua núi trước đây không được ưa chuộng như bây giờ. Chúng chỉ là món ăn chơi của người dân trên núi và cũng ít người tìm bắt. Khi du khách đến đây, họ có dịp được ăn loài động vật này đều khen thịt ngon, ngọt hơn hẳn so với cua đồng.

Bởi thế, cua núi dần trở thành đặc sản. Mức giá của chúng cũng tăng theo thời gian, từ 150.000 đồng/kg vào năm 2018, đến nay đã đạt mốc 250.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ nguồn cung.

Dù cua núi có quanh năm nhưng chúng chỉ xuất hiện nhiều vào những tháng mùa mưa. Muốn bắt được nhiều, người ta phải tranh thủ đi vào ban đêm vì khi đó là lúc cua ra kiếm ăn.

Cua kẹp chặt đầu cần câu có dây thun
Cua kẹp chặt đầu cần câu có dây thun

Anh Giang chia sẻ, bản thân thường hay khuyên anh em làm nghề câu cua trên núi Cấm nếu gặp những con cua nhỏ hoặc cua cái sắp đẻ thì nên thả lại rừng để giữ gìn nguồn “lộc trời” này.

Bởi, nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn thì ngày nào đó loài cua núi chỉ còn là một phần ký ức về núi Cấm mà thôi. Bản thân anh Giang cũng không là dân câu cua chuyên nghiệp, chỉ khi bạn bè đến thăm thì mới đặt mua hoặc đi câu vài con làm món ngon đãi bằng hữu ở xa.

Về cách chế biến cua, người dân trên núi cho biết đem rang me là ngon nhất, bởi cái vị chua ngọt hòa lẫn với chất thịt cua thơm ngon khiến thực khách không thể nào quên.

Đơn giản hơn, người ta cho cua vào nồi luộc rồi chấm muối ớt cũng “bá cháy”! Thịt cua ngọt thơm hòa lẫn vị mặn mòi, cay nồng của chén muối ớt sẽ khiến người thưởng thức vừa hít hà, vừa khen ngon đáo để.

Chén muối ớt được đâm từ muối hột miền biển với ớt chim mọc hoang dã trên núi Cấm cũng là một góc ẩm thực riêng, đủ để những người dưới xuôi nhớ mãi.

Cua núi trở thành đặc sản của núi Cấm
Cua núi trở thành đặc sản của núi Cấm

Anh Giang kể rằng, có nhiều đoàn du khách quyết tâm lên núi tìm cua. Tất cả họ khi được trải nghiệm cảm giác này đều khẳng định rất thích thú cái hương vị dân dã, đậm chất núi rừng. Và càng thú vị hơn khi bạn phải leo dốc, lội suối, lần dò từng hốc đá để câu cua.

Anh Giang còn thông tin, trên núi Cấm ngoài cua núi còn có ốc núi, cá suối (cá chành vục) cũng là món độc chiêu. Tuy nhiên, không nhiều du khách được thưởng thức loại cá suối hay ốc núi bởi chúng khá hiếm.

Chia tay người bạn núi Cấm vào lúc xế chiều, tôi kết thúc chuyến đi với vài con cua núi mang về nhà làm quà. Có thể, cua núi không phải là cao lương mĩ vị nhưng vẫn là một phần của ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.

Và sự thú vị của việc lên núi câu cua, bắt ốc cũng đủ khiến du khách thích thú với trải nghiệm độc đáo này. Tuy nhiên, cần có biện pháp bảo tồn, gìn giữ sản lượng cua núi để sản vật này tiếp tục là một phần không thể thiếu của đỉnh núi cao nhất miền Tây này!

Theo THANH TIẾN/TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh