Đồng Tháp: Nhộn nhịp mùa đánh bắt thủy sản vùng lũ

01:09, 15/09/2020

Hàng năm, khi con nước lũ tràn về các cánh đồng của huyện biên giới Hồng Ngự, thì nơi đây lại trở nên nhộn nhịp với các hoạt động đánh bắt sản vật mùa nước nổi. Theo con nước lớn, những chiếc xuồng câu, mẻ lưới,... cùng ngư dân ra đồng thu về những mẻ cá tôm đầu tiên, giúp bà con vùng lũ có thêm thu nhập.

Hàng năm, khi con nước lũ tràn về các cánh đồng của huyện biên giới Hồng Ngự, thì nơi đây lại trở nên nhộn nhịp với các hoạt động đánh bắt sản vật mùa nước nổi. Theo con nước lớn, những chiếc xuồng câu, mẻ lưới,... cùng ngư dân ra đồng thu về những mẻ cá tôm đầu tiên, giúp bà con vùng lũ có thêm thu nhập.

Những tay lưới dính đầy cá đồng của ngư dân vùng lũ
Những tay lưới dính đầy cá đồng của ngư dân vùng lũ

Giăng lưới bắt cá đồng

Huyện Hồng Ngự được xem là địa phương đầu nguồn của tỉnh, nơi nước lũ về sớm và nhiều nhất. Năm nay, dù con nước về muộn hơn và lũ cũng thấp hơn vài năm trở lại đây, nhưng người dân nơi đây vẫn phấn khởi, háo hức chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng cho cuộc mưu sinh.

Dù tất bật với nghề phụ hồ, nhưng từ khi nước lũ tràn các cánh đồng, anh Tô Văn Khang ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự tranh thủ lúc nhàn rỗi giăng lưới đánh bắt cá đồng.

Chạng vạng tối, anh Khang mang theo hơn chục tay lưới dày (lưới mắc nhỏ từ 2 - 3,5 phân) cùng chiếc xuồng nhỏ đi tìm nơi nước ngập sâu, nhiều cá để “bủa lưới”. 4 giờ sáng, anh Khang bắt đầu chống xuồng đến địa điểm hôm trước để cuốn lưới.

Những tay lưới dính đầy các loại cá đồng khiến niềm vui rạng rỡ hiện lên khuôn mặt đen nhẽm của người nông dân quanh năm làm quen với mưa nắng, nhọc nhằn vùng biên giới.

Theo anh Khang, đi làm phụ hồ nhiều cực nhọc, nhưng khi thả lưới trên đồng và tự tay thu về những mẻ cá đầy ắp đã giúp anh có những phút giây thư thả sau một ngày lao động mệt nhoài. “Giăng lưới bắt cá vừa có niềm vui vừa có tiền sống qua ngày. Mỗi ngày giăng lưới không chỉ bán cá kiếm được vài chục đến hơn 100 ngàn đồng, mà còn có thức ăn khỏi tốn tiền chợ.

Dù nước mới tràn đồng nhưng những ngày qua giăng được nhiều cá. Mong là năm nay nước lũ về nhiều, kéo theo nhiều cá tôm để người dân xứ mình “sống khỏe” với lũ...” – anh Tô Văn Khang cho biết.

Dù đã gần 60 tuổi, nhưng mùa nước nổi năm nay, ông Trần Văn Khá ở xã biên giới Thường Thới Hậu A cũng đã chuẩn bị trên 40 tay lưới để đánh bắt cá mưu sinh.

Theo nghề “bà cậu” nhiều năm qua, có năm gia đình ông Khá khấm khá khi lượng thủy sản về đồng nhiều, nhưng cũng có năm thu nhập chỉ để sống qua mùa nước nổi. Mùa lũ năm nay nước lên chậm, nhưng qua mấy ngày thả lưới thu về lượng cá ổn định, ông Khá kỳ vọng năm nay sẽ là “mùa lũ đẹp”.

Vừa thu lưới về nhà cũng là lúc trời vừa sáng, ông Khá và vợ tranh thủ gỡ cá để mang đi bán cho kịp phiên chợ sáng.

Ông Trần Văn Khá chia sẻ: “Gần 1 tuần nay, giăng lưới thấy lượng cá nhiều hơn mọi năm. Nước mới tràn đồng mà lượng cá như thế này thì ngư dân chúng tôi phấn khởi lắm.

Có ngày, tôi thu về hơn chục ký cá các loại, ngày ít thì cũng 7-8kg. Bán cho thương lái, mỗi ngày cũng kiếm được từ 200 - 300 ngàn đồng. Mong vài ngày tới nước sẽ lên nhiều và cá cũng về nhiều để những người hành nghề câu lưới được bội thu”.

Để đánh bắt dài lâu, các ngư dân đều chọn những tay lưới có mắc lưới lớn, chấp nhận lượng cá thu về rất ít sau hàng giờ đồng hồ ngâm mình dưới dòng nước lũ. Bởi, họ ý thức được rằng, đánh bắt phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Phương ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự nói: “Chính quyền địa phương, Đài truyền thanh xã cũng thường xuyên tuyên truyền về việc cấm khai thác thủy sản kiểu tận diệt, nên người dân chúng tôi cũng hiểu và tránh dùng lưới mắc nhỏ đánh bắt cá. Dùng lưới mắc lớn thì bắt được cá lớn, dù ít nhưng giá trị kinh tế cao, bán được giá hơn.

Ngoài ra, cá nhỏ không dính lưới thì có cơ hội lớn lên, sinh sản tạo ra nguồn lợi thủy sản phong phú. Như vậy, đến mùa lũ năm sau mình mới còn lượng cá tôm mà đánh bắt...”.

Đa dạng nghề đánh bắt sản vật mùa mước nổi

Bên cạnh việc giăng lưới bắt cá đồng, những ngày con nước đổ về các cánh đồng cũng là lúc ngư dân hành nghề đặt lọp tôm vào mùa. Năm nay đã ở ngưỡng tuổi U60, nhưng chú Bùi Văn Phước ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự vẫn gắn bó với nghề đặt lọp tôm.

Đang chăm chú ngồi đan thêm mấy chiếc lọp mới chuẩn bị cho “mùa vụ mới”, chú cho biết: “Nước về rồi, mấy hôm nay đặt lọp thấy có tôm nên cũng hy vọng năm nay khấm khá hơn mọi năm.

Kinh nghiệm nhiều năm theo nghề, tôi đoán tới tháng 8 âm lịch, khi con nước “quay” (nước đổ về nhiều) thì tôm sẽ về nhiều nên tranh thủ làm thêm vài chục cái lọp mới. Hiện lọp đan sẵn được bày bán rất nhiều ở các chợ, nhưng chỉ có lọp mình tự tay làm ra mới “dính” được nhiều tôm”.

Theo từng năm, lượng tôm cũng ngày càng cạn kiệt trước hoạt động đánh bắt tận diệt của con người nên người theo nghề càng gặp khó. Nhưng cứ hễ nước tràn đồng, những người theo nghề như chú Phước lại cảm thấy nôn nao trong lòng và tràn đầy hy vọng mùa cá tôm đầy ắp.

Khi con nước tràn đê cũng là thời điểm lý tưởng cho những tay “cần thủ” chuyên câu ếch vào mùa hoạt động. Chỉ với 1 chiếc cần câu dài khoảng 3 – 4m kết hợp mồi câu là ốc bưu vàng và một chiếc bồng để chứa “chiến lợi phẩm” là mỗi cần thủ đã có thể ra đồng câu ếch.

Anh Nguyễn Văn Mê, người có “thâm niên” gần chục năm theo nghề câu ếch đồng mùa lũ ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cho biết: “Săn ếch khó thì không khó mà dễ cũng không dễ, hơn nhau là do mình biết chọn điểm ếch trú ẩn và kỹ thuật khi câu.

Làm lâu năm, có kinh nghiệm thì câu được nhiều, mới vô nghề thì câu vẫn được nhưng không nhiều ếch bằng người khác... Chỉ cần đi câu từ 2, 3 tiếng đồng hồ là kiếm được số lượng ếch đủ bữa ăn. Còn với người chuyên câu ếch đồng để bán, mỗi ngày bình quân cũng câu khoảng 3-4kg ếch”.

Theo kinh nghiệm nhiều năm câu ếch đồng của anh Mê, người đi câu thường chọn những lùm cây rậm rạp cạnh sông - nơi có luồng nước chảy nhẹ để thả cần, vì đây là địa điểm có thức ăn nhiều, ếch sẽ tìm về trú ẩn. Câu ếch cũng đơn giản, người câu chỉ cần nhấp mồi lên xuống để dụ ếch.

Vì đặc tính háo ăn, nên thấy mồi động đậy, ếch đồng sẽ nhanh chóng “đớp mồi”. Đầu mùa nước, ếch thường không to, nhưng do là ếch đồng tự nhiên nên thịt chắc, ngon, nhờ vậy giá bán cũng khá cao so với ếch nuôi.

Anh Nguyễn Văn An ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết, hàng ngày, anh làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, gần chục ngày nay thấy con nước đã tràn bờ, ếch đồng phát triển nhiều, nên anh tranh thủ những lúc rảnh vót cần cần câu đi câu ếch.

“Tôi thường đi dọc các tuyến đê bao để câu ếch. Mỗi ngày, vừa có thức ăn ngon, câu được nhiều thì đem bán có thêm thu nhập. Giá mỗi ký ếch đồng từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng, tùy ếch lớn hay nhỏ.

Nếu chịu khó thì mỗi ngày cũng kiếm được 200 ngàn đồng để trang trải cuộc sống và lo cho mấy đứa con có tiền đi học” – anh Nguyễn Văn An tâm sự.

Mùa lũ đã về, người dân vùng đầu nguồn đang kỳ vọng “mùa lũ đẹp” mang lại nhiều tôm, cá...

Theo LÊ THANH (Báo Đồng Tháp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh