ĐBSCL chăm lo lễ Sene Đôn-ta cho đồng bào Khmer

12:09, 16/09/2020

Mấy ngày qua lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà đồng bào sư sãi Khmer, chúc mừng lễ Sene Đôn-ta truyền thống.

Mấy ngày qua lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tổ chức các đoàn đến thăm và tặng quà đồng bào sư sãi Khmer, chúc mừng lễ Sene Đôn-ta truyền thống.

Toàn tỉnh Sóc Trăng có 92 chùa Khmer. Mấy ngày qua các cấp lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thành lập nhiều đoàn đến thăm, chúc mừng lễ Sene Đôn-ta đến sư sãi, phật tử, gia đình chính sách là người dân tộc Khmer trên toàn tỉnh. Trước sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương, sư sãi, cán bộ hưu trí, cùng đồng bào dân tộc tỏ niềm phấn khởi.

Ông Thạch Sen, Trưởng Ban quản trị chùa Mahatup, thành phố Sóc Trăng cho biết, bà con phật tử Khmer sẽ tiếp tục đoàn kết, cố gắng phát triển kinh tế để góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

“Lễ Sene Đôn-ta năm nay được lãnh đạo tỉnh, thành phố, phường, Ban Dân tộc đến chúc mừng, sự quan tâm đến sư sãi, phật tử, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc và phong tục tập quán của đồng bào Khmer khiến tôi rất vui mừng”, ông Thạch Sen nói.

Ban dân tộc tỉnh Vĩnh Long đến thăm chúc mừng lễ Sene Đôn Ta tại chùa Gò Xoài, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Ban dân tộc tỉnh Vĩnh Long đến thăm chúc mừng lễ Sene Đôn Ta tại chùa Gò Xoài, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Các cấp lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cũng tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà nhân dịp lễ Sene Đôn-ta của đồng bào Khmer. Tại các địa điểm đến thăm, các đoàn ân cần thăm hỏi sức khoẻ và chúc các vị sư sãi, bà con phật tử dân tộc Khmer đón lễ Sene Đôn-ta cổ truyền vui tươi, an toàn, đoàn kết và tiết kiệm.

Đồng thời, thông tin đến sư sãi và bà con phật tử về tình hình kinh tế trong tỉnh gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, cả nước nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng đã vượt qua khó khăn, giữ được sự ổn định và tiếp tục phát triển. 

Có 26 phần quà tặng các chùa Khmer tiêu biểu và 203 gia đình chính sách, cán bộ hưu trí chủ chốt của tỉnh, tổng trị giá phần quà trên 250 triệu đồng. 

Nhân dịp các đoàn đến thăm, các hòa thượng, thượng tọa đại diện các chùa, các hộ chính sách, hưu trí dân tộc Khmer bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với Đảng và Nhà nước về sự chăm lo, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí trong vùng đồng bào trong thời qua. 

Thượng tọa Thạch Rây, chủ tịch Hội đoàn kết các sư sãi yêu nước huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh phấn khởi cho biết: “Tỉnh đã có sự quan tâm đến tôn giáo, cũng như Phật giáo Nam tông Khmer trong những dịp lễ Sene Đôn-ta; tổ chức các đoàn đến thăm hỏi các vị sư trong chùa, sư xin chân thành cám ơn đoàn. Nhân đây sư cũng xin thông tin tin vui là phật tử của chùa năm nay làm lúa được giá, không khí đón Đôn-ta rất vui vẻ”.

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thăm chúc Sene Đôn-ta sư sãi, phật tử chùa Mahatup, thành phố Sóc Trăng
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thăm chúc Sene Đôn-ta sư sãi, phật tử chùa Mahatup, thành phố Sóc Trăng

Tại tỉnh Vĩnh Long có khoảng 22.000 người dân tộc Khmer sinh sống cùng với 13 chùa Khmer. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của đồng bào Khmer địa phương.

Tại nơi đến thăm, đồng bào sư sãi Khmer trong tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long thông báo kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của  Đảng đã làm cho đời sống kinh tế đồng bào Khmer ngày càng được khấm khá.

Ông Thạch Dương - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết, những năm gần đây, thực hiện các chương trình của Trung ương và một số chính sách đặc thù của địa phương, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer đã thay đổi rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm, nhà ở ngày càng khang trang.

Tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhiều công trình phúc lợi được quan tâm xây dựng.

Trong sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến bộ mới. Đồng bào Khmer quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng (áo xanh) thăm hỏi nhà sư Khmer nhân dịp lễ Sene Đôn-ta 2020
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng (áo xanh) thăm hỏi nhà sư Khmer nhân dịp lễ Sene Đôn-ta 2020

Hàng năm, tổng số học sinh Khmer các cấp được huy động đến trường đạt 98%. Hoạt động y tế vùng dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh được quan tâm, củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân. Hiện nay, các xã, phường có đông đồng bào Khmer đều đã có cơ sở y tế, 100% cơ sở y tế vùng dân tộc thiểu số đều có y, bác sĩ khám, chữa bệnh. 

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: “Thực hiện chủ trương chính sách của Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện để đồng bào dân tộc phát triển kinh tế được khá hơn. Trong thực hiện chính sách dân tộc có rất nhiều chuyển biến tích  cực tạo diện mạo mới trong vùng đồng bào dân tộc”.

Đồng bào Khmer Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người, sống tập trung tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang…

Mỗi khi có lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, chính quyền địa phương đều tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà Ban quản trị các chùa và các gia đình chính sách là người dân tộc. Những năm trước đây, các địa phương còn tổ chức họp mặt, Liên hoan tiếng hát dân ca Khmer Nam bộ, thi đấu các trò chơi dân gian.

Ở An Giang còn tổ chức lễ hội đua bò vùng Bảy Núi. Nhưng năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên những hoạt động này đã được dừng lại. Việc dừng lại các hoạt động này được đồng bào sư sãi Khmer đồng tình ủng hộ./.

Theo Nhóm PV/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh