Cơ hội mới cho xuất khẩu gạo

07:09, 16/09/2020

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, hiện giá lúa trong vùng đang ở mức giá cao, tạo cơ hội tốt cho nông dân cũng như đơn vị chế biến xuất khẩu gạo. 

 

Nhiều thương lái đến thu mua lúa thu đông sớm trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Nhiều thương lái đến thu mua lúa thu đông sớm trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, hiện giá lúa trong vùng đang ở mức giá cao, tạo cơ hội tốt cho nông dân cũng như đơn vị chế biến xuất khẩu gạo. Việc tăng giá trên có sự tác động của yếu tố mùa vụ, do lúa hè thu đã thu hoạch sắp hết mùa, lúa thu đông sớm chỉ mới bắt đầu thu hoạch ở một số địa phương nên nguồn cung trong nước giảm, trong khi các nước nhập khẩu gia tăng dự trữ do ảnh hưởng của dịch COVID-19… Từ đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên và dự báo tiếp tục tăng cao thời gian tới.

Tăng sản lượng xuất khẩu

Hiện nay, ở một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã bắt đầu thu hoạch lúa thu đông sớm. Ðiển hình như ở huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), đến ngày 7/9/2020 đã thu hoạch lúa thu đông sớm gần 800ha tại các xã: Vĩnh Trinh, Vĩnh Bình, Thạnh Lộc.

Năng suất lúa tươi 6,03 tấn/ha (tăng 0,61 tấn so với cùng kỳ năm 2019). Giá lúa hiện nay tăng cao, OM 5451 bán với giá 5.600-5.700 đồng/kg; Ðài thơm 8 có giá 5.900 đồng/kg; nếp 6.000 đồng/kg…

Ông Võ Văn Khánh, ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, vừa thu hoạch xong 20 công lúa thu đông, cho biết: "Với mức giá hiện nay, gia đình tôi cũng như bà con làm lúa tăng thêm lợi nhuận so với vụ mùa năm trước.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2020, lúa thu đông sẽ thu hoạch rộ, cung cấp sản lượng lớn cho tiểu thương, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu".

Lúa thu đông sớm trên địa bàn TP Cần Thơ bắt đầu cho thu hoạch, góp phần tăng sản lượng cho thị trường xuất khẩu. Gần đây, ngày 29/8/2020, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (gọi tắt Công ty Trung An) vừa xuất lô hàng gạo thơm đầu tiên vào Liên minh châu Âu (EU) theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), với thuế suất 0%.

Lô hàng 6 container với khoảng 150 tấn gạo được xuất khẩu sang EU đợt này là sản phẩm nằm trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU của công ty. Sản phẩm xuất khẩu là gạo thơm ST20 và Jasmine 85 giao cho 3 khách hàng, trong đó có 2 khách hàng ở nước Ðức và 1 khách hàng ở nước Pháp.

Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine 85 có giá trên 600 USD/tấn. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An, nhấn mạnh: "Trước khi EVFTA có hiệu lực (1-8-2020), gạo Jasmine 85 xuất sang thị trường EU chỉ có giá chừng 520 USD/tấn, gạo ST20 giá 800 USD/tấn.

Khi EVFTA có hiệu lực cùng với sự tác động tích cực của việc giảm thuế, trong bối cảnh nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thị trường gạo năm nay cạnh tranh sôi động hơn, giá xuất khẩu vì thế cũng cao hơn".

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố trong tháng 8-2020, với sản lượng xuất khẩu ước 67.800 tấn, tăng 2,3% so với tháng trước, kim ngạch đạt 30,6 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng 7/2020.

Trong 8 tháng năm 2020, tổng mức xuất khẩu gạo của toàn thành phố đạt 521.000 tấn và được đánh giá tình hình xuất khẩu gạo bắt đầu tăng trở lại từ tháng 8-2020.

Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn bắt đầu tăng nhịp độ làm việc và ký kết hợp đồng, tiến độ giao hàng nhanh hơn đối với các đối tác đã ký kết; đồng thời các doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh thu mua lúa, gạo để xuất khẩu, trữ hàng và chờ giá tốt… ​

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết  khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8/2020 của Việt Nam đạt khoảng 500.000 tấn, với trị giá đạt 251 triệu USD, nâng tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 là 4,5 triệu tấn, với kim ngạch đạt 2,2 tỉ USD.

Tuy khối lượng xuất khẩu giảm 1,7%, nhưng giá trị xuất khẩu tăng đến 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đảm bảo chất lượng gạo  xuất khẩu

Sau khi EVFTA có hiệu lực từ 1-8, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được hưởng lợi. Trong đó, với mặt hàng gạo xuất sang EU có mức hạn ngạch là 80.000 tấn/năm với thuế suất 0%.

Thị trường này cũng cho tự do hóa hoàn toàn với mặt hàng gạo tấm. Riêng các sản phẩm từ gạo được hưởng thuế suất 0% sau 3 đến 5 năm.

Về mặt chủng loại gạo xuất khẩu vào thị trường EU được sản xuất từ nhiều giống lúa, như: ST20, Jasmine 85, RVT, Ðài Thơm 8, VD20, OM 5451, Nàng Hoa 9… và các giống lúa chất lượng cao cho sản phẩm gạo trắng thường.

Tuy nhiên, sản phẩm gạo phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất nguồn gốc đúng gạo Việt Nam với chất lượng thơm ngon; đạt tiêu chuẩn chứng nhận Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), VietGAP hoặc tương đương và đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khoảng 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL đã xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với các hợp tác xã sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều cánh đồng lớn đáp ứng theo yêu cầu khách hàng từ các thị trường nhập khẩu.

Riêng Công ty Trung An hằng năm đã tổ chức liên kết sản xuất bao tiêu, thu mua lúa của nông dân, thực hiện các cánh đồng lớn: tại tỉnh Kiên Giang 6.000ha, TP Cần Thơ 2.000ha, Sóc Trăng 1.000ha, An Giang và Hậu Giang 400ha, Cà Mau 400ha.

Với nội lực vùng nguyên liệu đáp ứng 40% sản lượng cung cấp về các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của công ty. Bên cạnh đó, Công ty Trung An còn có năng lực tự sản xuất, xuất khẩu gạo 150-200 tấn gạo/năm.

Riêng hệ thống kho trữ lúa 90.000 tấn, trong đó, công ty đã đầu tư 3 triệu USD xây dựng hệ thống kho trữ lúa gồm 10 silo (30.000 tấn) vận hành theo công nghệ châu Âu, tự động hóa trong bảo quản, tồn trữ để chủ động trong sản xuất kinh doanh…

Ông Phạm Thái Bình khẳng định: "Khi gạo Việt Nam chính thức bước vào thị trường EU theo EVFTA sẽ tạo thêm động lực kích hoạt thị trường các nước nhập khẩu gạo Việt sắp tới phát triển tốt hơn. Khách hàng sẽ đánh giá, nhìn nhận chất lượng gạo Việt Nam tốt hơn, có khả năng cạnh tranh vào thị trường gạo cao cấp...".

Ðể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gạo thời gian tới, nhất là vụ lúa thu đông bắt đầu thu hoạch rộ, Sở Công Thương TP Cần Thơ đề nghị các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố điều chỉnh lãi vay ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước công bố trong 5 lĩnh vực ưu tiên là 6%/năm; đồng thời cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện giải ngân thuận lợi, tăng thêm 10% hạn mức được duyệt và cân nhắc giảm lãi suất cho các doanh nghiệp; giãn thời gian trả nợ (tiền nợ gốc) đến hạn thêm 2 tháng.

Sở sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp báo cáo, thực hiện lưu trữ tồn kho gạo theo quy định; hậu kiểm kho, cơ sở xay xát đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo duy trì lưu thông hàng hóa tốt nhất…

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngoài các hoạt động trên, ngành Công Thương thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường để phổ biến kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp về nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu, các chính sách xuất nhập khẩu, các rào cản thương mại và thông tin cảnh báo sớm về thuế quan...

Ðây là việc làm nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục hải quan, thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và thủ tục về thuế khi xuất khẩu hàng hóa…".

Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh