Sau khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, các ngành chuyên môn tập trung khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ nên công tác phòng dịch gặp khó khăn.
Sau khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, các ngành chuyên môn tập trung khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ nên công tác phòng dịch gặp khó khăn.
Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Cà Mau có thông báo đàn gia cầm của hộ ông Phạm Văn Tòng (ở xã Khánh Bình Đông) dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. Ngay sau đó, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ hơn 60 con gia cầm của hộ dân này.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương ở cạnh nhà ông Tòng có rất nhiều hộ dân khác có nuôi gà và vịt nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Cơ quan chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy số gia cầm của gia đình ông Phạm Văn Bảy. |
Ông Phạm Văn Bảy chia sẻ: "Đàn vịt nhỏ bắt về mấy ngày sau thì chết vài con, sau đó mua thuốc ngừa. Còn vịt lớn sau mấy ngày tiêm ngừa thì chết. Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành tiêu hủy hết."
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 có nguy cơ bùng phát trở lại, UBND xã Khánh Bình Đông và các ngành chuyên môn khẩn trương triển khai công tác tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch.
Mặt khác, cho rà soát toàn bộ số hộ chăn nuôi và điều tra tổng đàn gia cầm trên địa bàn xã Khánh Bình Đông để tiêm phòng trên diện rộng.
Ông Cao Văn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, cho biết: "Lực lượng tại xã cùng với lực lượng của huyện đã tiến hành tiêm ngừa bao vây. Hiện trên địa bàn 16 ấp đều đã tiêm phòng. Tổng số đàn là hơn 71.000 con, đã tiêm hơn 33.000 con. Số còn lại đang tiếp tục thực hiện tiêm phòng."
Huyện Trần Văn Thời có số lượng đàn gia cầm lớn nhất của tỉnh Cà Mau, khoảng 1 triệu con/năm. Điều đáng lo ngại là thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm.
Đa số bà con chăn nuôi nhỏ lẻ theo tập quán thả lan và tự nhân giống tại nhà nên gây nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần khắc phục những hạn chế này để đảm bảo chăn nuôi an toàn, hiệu quả./.
Theo Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin