Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn (An Giang) là hướng đi đúng, góp phần thay đổi tập quán canh tác, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn (An Giang) là hướng đi đúng, góp phần thay đổi tập quán canh tác, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thăm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và trồng xoài VietGAP Bến Bà Chi |
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Trần Văn Cường cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 13 hợp tác xã (HTX) kiểu mới, với 320 thành viên đang hoạt động, tổng vốn điều lệ 11,368 tỷ đồng và 45 tổ hợp tác (THT) với 735 thành viên. Điển hình, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi, HTX nông trang hữu cơ Thành Công, HTX nông nghiệp Vinacam Tri Tôn, HTX nông nghiệp dịch vụ và du lịch Tân Thanh. HTX nông nghiệp Vĩnh Gia, HTX nông nghiệp công nghệ cao 0207, THT sản xuất lúa chất lượng cao, THT trồng cây ăn trái...
Dự kiến, đến cuối năm 2020 sẽ có thêm 6 HTX được thành lập mới, đồng thời định hướng mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất 1 HTX hoạt động tốt theo chuỗi giá trị, có hiệu quả gắn với doanh nghiệp (DN) liên kết. Diện tích sản xuất lúa giống, liên kết tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn” là 10.629ha (tăng 4.164ha so năm 2015), áp dụng các mô hình “3 giảm, 3 tăng” chiếm 85% diện tích sản xuất (tăng 9,1% so năm 2015), mô hình “1 phải, 5 giảm” chiếm 30,3% (tăng 7,8% so năm 2015).
Diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn trái từ 671,2ha (năm 2015) đến nay đã tăng lên 1.400ha và từng bước hình thành vùng chuyên canh, như: chuối cấy mô, xoài, nhãn và cây có múi. Riêng đối với cây chuối cấy mô đã có 4 DN đầu tư trồng xuất khẩu 364ha và có tiềm năng mở rộng diện tích lớn như: Công ty Vĩnh Phát, Công ty SD, Công ty TNHH Nông sản Xanh Việt, Công ty Lư Gia.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifaba của Công ty Vĩnh Phát và hình thành vùng trồng xoài cát Hòa Lộc VietGap với diện tích 20ha ở HTX Bến Bà Chi được cấp mã code để xuất đi các nước. Chăn nuôi đang được chuyển dần sang hình thức nuôi tập trung quy mô lớn theo mô hình trang trại và ứng dụng các thành tựu khoa học vào chăn nuôi.
Đã có 3 DN lớn đầu tư gồm: Tập đoàn TH True Milk (đang triển khai 20.000 con bò), Công ty SD (420 con bò), Công ty Việt Thắng (cuối năm 2020 đạt 14.800 con heo). Phát triển đàn bò lai chuyên thịt bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo đến nay thực hiện 1.323 con, sinh được 784 bê lai. Thời gian qua, huyện đã tổ chức thực hiện kêu gọi được nhiều DN đến địa bàn huyện với 16 dự án, tổng mức vốn đăng ký đầu tư trên 5.645 tỷ đồng, có trên 20 DN đầu tư trong nông nghiệp và từng bước gắn kết với nông dân trong sản xuất.
Ông Cường cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tổ chức lại sản xuất. Xây dựng THT, thành lập các HTX kiểu mới trong liên kết DN tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch “Cánh đồng lớn”, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, vùng sản xuất đặc sản, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: hệ thống thủy lợi vùng cao, hồ chứa, kênh mương... Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đến các công ty, DN và người dân. Giúp các DN tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới: nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm vi sinh, nano trong chăn nuôi, trồng trọt. Tập trung thực hiện dự án Vnsat trong nâng cao sản xuất lúa chất lượng cao, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Xây dựng mã code có thể truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, gắn với thị trường tiêu thụ, nghiên cứu tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, lấy thị trường làm yếu tố quyết định để tìm kiếm công nghệ và tổ chức lại sản xuất đáp ứng yêu cầu mới như hiện nay.
Theo TRỌNG TÍN/AGO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin