Triển vọng mô hình trồng tía tô xuất khẩu

10:07, 21/07/2020

Hai năm qua, ông Ngô Minh Đạt (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nổi tiếng gần xa khi trồng thành công giống tía tô Hàn Quốc. Hiện ông cũng là người duy nhất ở miền Tây xuất khẩu tía tô sang thị trường này. Sắp tới đây, ông tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang Úc và Nhật Bản.

 

Mô hình trồng tía tô xuất khẩu mở ra triển vọng mới trong đa dạng cây trồng và giải quyết việc làm tại An Giang.
Mô hình trồng tía tô xuất khẩu mở ra triển vọng mới trong đa dạng cây trồng và giải quyết việc làm tại An Giang.

Hai năm qua, ông Ngô Minh Đạt (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nổi tiếng gần xa khi trồng thành công giống tía tô Hàn Quốc. Hiện ông cũng là người duy nhất ở miền Tây xuất khẩu tía tô sang thị trường này. Sắp tới đây, ông tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang Úc và Nhật Bản.

Bén duyên với tía tô ngoại

Ông Ðạt kể, trước đây phần đất của gia đình ông chủ yếu làm ruộng, rẫy và thu nhập chỉ đủ sống. Rồi khi con ông đi học ở Hàn Quốc biết được giống tía tô ở xứ sở này nhiều tiềm năng phát triển tại miền Tây nên nghiên cứu mang giống về nước.

“Khi con trai gợi ý hợp tác với đối tác Hàn Quốc trồng tía tô đưa sang bên đó, tôi cũng khá lo lắng. Việc đầu tư cho một giống mới đòi hỏi vốn khá lớn, thêm vào đó đây là giống của Hàn Quốc nên phải canh tác đúng quy trình kỹ thuật của họ, đồng thời chưa biết giống này có thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương hay không.

Tuy nhiên, phân tích kỹ cho thấy không phải không có triển vọng, vì nếu trồng thành công, không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương” - ông Ðạt chia sẻ.

Tuy lúc đầu còn nhiều e ngại, nhưng ông Ðạt vẫn nghiên cứu quy trình kỹ thuật và trồng thử nghiệm khoảng 2,5 công tía tô. Sau 4 tháng trồng, do chưa nắm rõ kỹ thuật, đặc tính của tía tô Hàn Quốc nên năng suất rất thấp.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình trồng, chăm sóc là cơ sở để ông Ðạt quyết định nâng dần diện tích trồng tía tô lên 2ha rồi sau đó là 4ha.

Theo ông Ðạt, giống tía tô Hàn Quốc là một loại rau thơm có mùi vị cay đặc trưng của xứ Kim chi. Lá có thể ăn sống hoặc nấu chín, có giá trị dinh dưỡng cao.

Là loại cây không chịu được nước nên tía tô được trồng trên liếp, theo hàng, có phủ bạt, thân cao, cho nhiều lá. Ưu điểm nổi bật của cây tía tô là dễ trồng, thu hoạch liên tục, ít sâu bệnh.

Ngoài ra, sau thời gian trồng cho thấy, cây phát triển tốt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.

Ông Ðạt cho biết: “Tía tô dễ trồng nhưng nặng vốn đầu tư, bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha. Hạt giống nhập trực tiếp từ Hàn Quốc. Sau khi gieo khoảng 1,5-2 tháng thu hoạch lứa đầu tiên, thời gian thu hoạch kéo dài 8-9 tháng. Năng suất tăng dần từ 4 tấn/tháng/ha nay đạt đến 12 tấn/ha”.

Qua thực tế thử nghiệm, theo ông Ðạt, để tía tô thu hoạch lâu, ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm. Cách làm này nhằm ngăn tía tô trổ bông, kéo dài thời gian thu hoạch, đồng thời tránh dịch hại, giúp cây cho lá to, đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Do yêu cầu khắt khe của đối tác nên quá trình trồng, chăm sóc tía tô phải được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật từ Hàn Quốc, nhất là vấn đề sản xuất sạch, an toàn. Ðặc biệt, các loại phân, thuốc được sử dụng phải theo đúng danh mục quy định của đối tác này.

Còn riêng việc chiếu sáng phải kéo dài khoảng 4 giờ mỗi đêm, đây là cách bắt cây thức, không cho ngủ. Sử dụng đèn chiếu sáng để ức chế tía tô không ra hoa, cho lá to đẹp, đạt chuẩn xuất khẩu”- ông Ðạt nói.

Mở rộng xuất khẩu

Việc ông Ðạt trồng và xuất khẩu thành công lá tía tô sang Hàn Quốc đã mở ra một triển vọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, bà con nông dân ở An Thạnh Trung chủ yếu trồng lúa và một số loại hoa màu nhưng giá trị kinh tế thấp hơn rất nhiều so với trồng tía tô.

Cây tía tô xuất khẩu đang được ngành chức năng ở An Giang đánh giá là mô hình tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao (ở hiệu quả kinh tế lẫn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương) và có triển vọng nhân rộng trên địa bàn.

Theo ông Ðạt, mỗi cây tía tô tùy độ lớn có thể lấy từ 2-6 lá/ngày, kích cỡ lá ngang 8-13cm. Bình quân mỗi tháng, ông Ðạt xuất khoảng 20 tấn lá tía tô sang Hàn Quốc, giá bán khoảng 22.000-30.000 đồng/kg (tùy kích cỡ lá).

Ðể đảm bảo quá trình trồng, chăm sóc, ông thường xuyên thuê 30 lao động nhàn rỗi ở địa phương vệ sinh cây, hái chèo, làm cỏ và thu hoạch lá, với mức thu nhập gần 200.000 đồng/người/ngày.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, ở xã An Thạnh Trung, cho biết: “Nhờ anh Ðạt tổ chức trồng tía tô mà tôi cùng nhiều chị em trong ấp có thêm việc làm với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng”.

Có thể nói, tía tô Hàn Quốc đang được coi là mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Tại Hàn Quốc, lá tía tô là loại lá gia vị, ăn sống trong bữa ăn kèm với các món nướng hay trộn salad với nhu cầu lên hàng chục tấn mỗi ngày.

Sau khi thành công trên diện tích 4ha, ông Ðạt đang mở rộng trồng thêm 4 ha; đồng thời thăm dò để mở rộng xuất khẩu sang thị trường Úc và Nhật Bản.

Con của ông Ðạt cũng thành lập Công ty Fresh Mekong (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) để thuận lợi trong hợp tác với đối tác đưa lá tía tô xuất khẩu.

“Tuy nhiên, để trồng tía tô thành công, sau vụ thu hoạch nên chuyển sang trồng 1 loại cây khác như ớt, đậu nành... rồi mới tiếp tục trồng lại tía tô thì cây sẽ phát triển tốt, đạt hiệu quả cao hơn”- ông Ðạt nói.

Ông Trần Hồng Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh Trung, cho rằng tía tô Hàn Quốc là loại cây trồng mới, sau thời gian trồng thử nghiệm cho thấy cây phát triển tốt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thay thế cây trồng khác. “Đây là mô hình khá hiệu quả góp phần nâng cao giá trị đất, giải quyết việc làm, tăng giá trị kinh tế, xuất khẩu nông sản nên khuyến khích nhân rộng”- ông Thanh nói.

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh