Thay đổi diện mạo du lịch vùng ÐBSCL

10:07, 07/07/2020

Du lịch ĐBSCL có tiềm năng, nhưng phát triển vẫn chậm so với nhiều vùng khác, thường bị đánh giá là vùng trũng, bởi nhiều điểm nghẽn. Liên kết hợp tác du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL được xem là hướng đi mới và kịp thời, mở ra nhiều cơ hội giúp du lịch ĐBSCL và phía Nam dần "thay máu", từng bước trở thành trung tâm du lịch mới của Việt Nam.

Du lịch ĐBSCL có tiềm năng, nhưng phát triển vẫn chậm so với nhiều vùng khác, thường bị đánh giá là vùng trũng, bởi nhiều điểm nghẽn. Liên kết hợp tác du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL được xem là hướng đi mới và kịp thời, mở ra nhiều cơ hội giúp du lịch ĐBSCL và phía Nam dần “thay máu”, từng bước trở thành trung tâm du lịch mới của Việt Nam.

 Đặc trưng văn hóa sông nước là điểm hấp dẫn để ĐBSCL thu hút du khách. Trong ảnh: Một góc Làng Du lịch sinh thái Mỹ Khánh. Ảnh: DUY KHÔI
Đặc trưng văn hóa sông nước là điểm hấp dẫn để ĐBSCL thu hút du khách. Trong ảnh: Một góc Làng Du lịch sinh thái Mỹ Khánh. Ảnh: DUY KHÔI

Còn nhiều thách thức

Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL đã được định ra bằng biên bản ký kết giữa các địa phương vào tháng 12-2019. Ngay sau khi ký kết, các địa phương đã ngồi lại cùng nhau xây dựng kế hoạch liên kết, xác định các phần việc chính và đề ra phương hướng cụ thể để thực hiện. Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025 tập trung 5 nội dung: trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Các đơn vị hoạch định và xây dựng 3 tuyến du lịch mới: Những nẻo đường phù sa, Non nước hữu tình, Sắc màu vùng biên. Sự liên kết bước đầu mang lại những thay đổi tích cực.

Cụ thể kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020: đưa khoảng 50.000 khách từ TP Hồ Chí Minh đến ÐBSCL (trong 2 tháng đầu năm, khi chưa có dịch), ÐBSCL thu hút khoảng 12,9 triệu lượt khách, tăng khoảng 14% (so với 2 tháng cùng kỳ); tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá, liên kết quảng bá trên các kênh thông tin của 14 tỉnh, thành; tổ chức nhiều lớp tập huấn về nhân lực. Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hầu như các kế hoạch nằm trong chương trình thảo thuận liên kết chưa được thực hiện đúng tiến độ; vai trò then chốt của doanh nghiệp du lịch vẫn chưa được phát huy; công tác quảng bá, xúc tiến còn hạn chế.

Du lịch ÐBSCL được xác định giàu tiềm năng nhưng bởi cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, còn mang tính tự phát; không gian du lịch của vùng bị ngắt khúc, các liên kết thiếu chặt chẽ; môi trường du lịch, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập; hạ tầng giao thông cho du lịch còn hạn chế... nên các tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. 3 vấn đề đặt ra cho các địa phương và vùng liên kết là: sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng, phát triển hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng- Du ngoạn Việt (TP Hồ Chí Minh), phân tích: “Ðể phát triển du lịch ÐBSCL, các địa phương phải quan tâm đến 3 vấn đề: gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hóa sông nước, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao”. Ðồng quan điểm, ông Trần Song Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty tàu cao tốc Greenlines DP, chia sẻ: “Khi đi xúc tiến về các sản phẩm của đơn vị ở thị trường phía Bắc, chúng tôi vấp phải sự bối rối khi khách hàng hỏi thông tin về các sản phẩm ở vùng ÐBSCL. ÐBSCL có tiềm năng lớn về du lịch đường thủy và chúng tôi đang xây dựng hạm đội tàu du lịch 4 sao, phần lớn tập trung phục vụ thị trường phía Nam”.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết: “TP Hồ Chí Minh và vùng ÐBSCL có sự tương đồng về văn hóa, địa lý nhưng mỗi địa phương lại có nét đặc trưng riêng. Liên kết hợp tác của 14 tỉnh, thành chính là chung tay xây dựng và sáng tạo ra các sản phẩm du lịch mới, kịp thời tháo gỡ những khó khăn để cùng vực dậy du lịch phía Nam. Trong lần liên kết này, chúng tôi xác định doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Do đó có 3 tuyến du lịch mới mang tính gợi mở và tùy sự sáng tạo, mỗi đơn vị có thể xây dựng sản phẩm phù hợp theo thị trường”.

Nỗ lực giải quyết điểm nghẽn

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, địa phương đã không ngừng nỗ lực giải quyết điểm nghẽn về sản phẩm du lịch đặc trưng và hạ tầng giao thông. Cụ thể là tạo điều kiện mở hàng loạt các đường bay mới trực tiếp từ Cần Thơ đến các vùng trọng điểm về giao thương, du lịch. Thành phố cũng đang tập trung quy hoạch cho những sản phẩm đặc trưng về đường sông.

ÐBSCL hiện có 4 sân bay: Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá và Cà Mau. Trong đó, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ và Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc được khai thác hiệu quả, kết nối nhiều tỉnh thành trọng điểm về du lịch trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho giao thương và du lịch phát triển. Ông Chu Việt Cường, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Hàng không Vietjet, cho biết: “TP Hồ Chí Minh và vùng ÐBSCL là những vùng đất giàu bản sắc văn hóa, ẩm thực đa dạng, nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, cần sự chung tay, hành động thiết thực để bứt phá hơn. Kể từ chuyến bay đầu tiên khai thác vào năm 2014, Vietjet đã góp phần đáng kể vào sự chuyển mình mạnh mẽ của Cần Thơ và ÐBSCL, tạo ra tốc độ tăng trưởng bình quân 30% lượng khách nội địa mỗi năm vào Cần Thơ. Vietjet là hãng hàng không tiên phong đẩy mạnh khai thác các tuyến bay thẳng từ Cần Thơ. Tính đến nay đã có 7 đường bay nội địa được khai thác từ Cần Thơ, còn Phú Quốc là 5 đường bay nội địa. Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ là hai cứ điểm quan trọng trong các tuyến bay nội địa mà hãng chú trọng khai thác”.

Liên kết hàng không với du lịch là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, giúp giải bài toán về hạ tầng giao thông trong du lịch. Với những nỗ lực của Cần Thơ, nhiều đường bay mới đã được mở từ thành phố này. Cụ thể, Vietnam Airlines chính thức đưa vào hoạt động 4 đường bay mới từ Cần Thơ đến: Hải Phòng, Vinh, Buôn Ma Thuột, Ðà Lạt. Với sự bổ sung các đường bay mới, bình quân mỗi tuần Vietnam Airlines khai thác 52 chuyến bay khứ hồi và vận chuyển 12.000 lượt khách qua Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Theo đó, bình quân mỗi tuần Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ phục vụ khoảng 120 chuyến bay quốc nội khứ hồi, kết nối Cần Thơ đến: Hà Nội, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Phú Quốc, Côn Ðảo, Vinh, Nghệ An…

Ông Trần Song Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty tàu cao tốc Greenlines DP, chia sẻ: “Du lịch đường thủy là thế mạnh của ÐBSCL, khó nơi nào có được. Những sản phẩm, dịch vụ từ du thuyền hứa hẹn sẽ có sức hút trong tương lai, nhất là thời điểm được dự đoán bùng nổ về du lịch vào năm 2021-2022. Các tỉnh, thành ÐBSCL nên quan tâm xây dựng và hình thành mạng lưới về du lịch đường thủy đến với ÐBSCL. Ðể phát triển du lịch đường thủy, các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách, xây dựng luồng tuyến phù hợp”. Greenlines DP đã khai thác hàng chục chuyến tàu 4 sao từ các thương hiệu: GreenlinesDP (TP Hồ Chí Minh), Phú Quốc Express, Phú Quý Express. Trong đó có hành trình Cần Thơ đi Côn Ðảo, sắp tới là Cà Mau đi Nam Du. Với các tuyến đường sông, Cần Thơ cũng đã có sản phẩm cao cấp từ du thuyền Victoria Mekong với tuyến nội địa Cần Thơ - An Giang.

Về sản phẩm du lịch, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng - Du ngoạn Việt (TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Mỗi địa phương chỉ cần xây dựng được cá tính riêng trong sản phẩm thì sẽ làm nên điều độc đáo thu hút du khách. Và cá tính đó chính là bản sắc văn hóa địa phương. Vùng ÐBSCL có bản sắc văn hóa sông nước rất độc đáo, nhất là chợ nổi. Chúng ta cần phải biết nâng giá trị của sản phẩm lên, giá trị đó là sự chất lượng về an toàn, bền vững và sự trải nghiệm”.

Du lịch đường thủy là thế mạnh của ĐBSCL. Cần Thơ cũng đã có sản phẩm cao cấp từ du thuyền Victoria Mekong với tuyến nội địa Cần Thơ - An Giang. Trong ảnh: Du thuyền 4 sao Victoria Mekong. 

Trong vấn đề liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ÐBSCL để giải quyết các điểm nghẽn, phát triển du lịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Vai trò của chính quyền và cơ quan quản lý là nền tảng để kết nối; doanh nghiệp mới đóng vai trò then chốt, vì doanh nghiệp là những người hành động và mang lại hiệu quả cho các hoạt động liên kết. Các địa phương chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn, trợ sức cho doanh nghiệp để các đơn vị có thể sáng tạo, xây dựng các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn. Nói về liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh: “Kết nối các điểm đến, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ để tạo ra nhiều sản phẩm mới. Việc liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL từng bước khắc phục được những khó khăn, chung tay xây dựng được nhiều sản phẩm, dịch vụ và chuỗi cung ứng liên tục thích hợp, phát huy được tài nguyên của ÐBSCL, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch vùng”.

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh