Nông dân Chợ Mới làm giàu

06:07, 22/07/2020

Chợ Mới là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Chợ Mới tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đạt nhiều kết quả khả quan.

 

Cây sầu riêng trên đất Cù lao Chợ Mới
Cây sầu riêng trên đất Cù lao Chợ Mới

Chợ Mới là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Chợ Mới tiên phong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đạt nhiều kết quả khả quan.

Thành công lớn nhất là góp phần thay đổi nhận thức của nông dân về phương thức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học - công nghệ và nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả.

Trong đó, hơn 24.000 nông dân là chủ thể quan trọng nhất, lực lượng nông dân năng động, sáng tạo, thi đua trong sản xuất - kinh doanh trên chính mảnh đất của mình.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới Nguyễn Văn Trí cho biết, đó là những nông dân tiêu biểu, cần cù chịu khó, năng động, sáng tạo, từ bỏ tập quán, thói quen sản xuất không còn phù hợp, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tiếp cận với phương thức tổ chức sản xuất mới, phù hợp với yêu cầu thị trường.

Điển hình như ông Võ Văn Em (xã Long Kiến) chuyển đổi 1ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng sầu riêng năng suất bình quân mỗi năm 1,1 tấn/công, với giá bán dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả, ông đã chuyển diện tích trồng sầu riêng lên gần 8ha.

Ông Em chia sẻ: “Ban đầu, tôi trồng thử vài cây sầu riêng, thấy hiệu quả nên nhân rộng. Sầu riêng cho giá trị kinh tế rất cao, cây cao trên 8 tấc bán trái thu nhập từ 8-10 triệu đồng/cây”.

Cũng ở xã Long Kiến, ông Huỳnh Văn Dũng mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh.

Vườn bưởi được 5 năm, giá bán 35.000-40.000 đồng/kg, cho lợi nhuận, giá trị kinh tế cao. Ở xã Mỹ An, ông Nguyễn Minh Quang Trung chuyển diện tích 1,3ha đất vườn tạp thành khu vực trồng vườn công nghệ cao, mỗi năm trừ chi phí thu nhập gần 300 triệu đồng.

Ông Trần Minh Phúc (xã Nhơn Mỹ) với 1ha đất ban đầu nuôi cá nay có 3ha đất ao và đất trồng trọt, lợi nhuận hàng năm hơn 250 triệu đồng.

Chợ Mới vốn nổi tiếng với nghề làm khô cá lóc. Chị Nguyễn Thị Kim Thủy (thị trấn Chợ Mới) mua bán và chế biến khô cá lóc với thương hiệu Bá Việt.

Từ ban đầu làm 10-20kg khô cá lóc, kinh doanh có lợi nhuận cao và ổn định, nên mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm nhiều nhân công, đăng ký thương hiệu.

Từ năm 2007, thành lập cơ sở sản xuất và chế biến khô cá lóc Bá Việt, đến nay sản lượng bình quân 1 tấn khô/tháng, doanh thu 200-300 triệu đồng/tháng. Hàng năm thu nhập từ 2-3 tỷ đồng.

Chợ Mới còn hình thành nhiều “làng tỷ phú xoài”, với hàng ngàn nông dân thu lợi nhuận cao qua các vụ thu hoạch xoài 3 màu.

Nông dân Đặng Văn Phước (ngụ xã Bình Phước Xuân) chia sẻ: “Hàng năm, gia đình tôi thu nhập chính từ ngành nghề trồng vườn cây ăn trái chủ yếu là xoài 3 màu, với diện tích 1,2ha cho thu nhập 620 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm, được xét chọn là nông dân giỏi cấp tỉnh”.

Nông dân Phạm Hoàng Khang (ngụ xã Tấn Mỹ) chia sẻ: “Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, hưởng ứng phong trào sản xuất-kinh doanh giỏi, khuyến khích và tập hợp nông dân đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đồng thời tiếp thu chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất về chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2012, tôi chuyển đổi 2ha đất ruộng sang làm vườn và trồng xoài 3 màu.

Lúc cây xoài còn nhỏ tôi trồng xen canh cây cóc Thái, lấy ngắn nuôi dài. Sau 6 tháng trồng cây đã có trái và cho trái quanh năm, giải quyết chi phí đầu tư và chăm sóc vườn. Tổng chi phí đầu tư 2ha vườn 200 triệu đồng, năm đầu tiên thu hoạch xoài xen canh cây cóc đã cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, mà các nông dân giỏi còn tích cực hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ hàng ngàn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt lên thoát nghèo; tích cực đóng góp tiền, vật chất, ngày công cho công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới... góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hiện, toàn huyện Chợ Mới có hơn 19.000 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi có thu nhập từ hàng trăm triệu đến trên cả tỷ đồng mỗi năm. Ý nghĩa lớn hơn từ phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi là tạo sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của một bộ phận nông dân.

Chính những tấm gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, những câu chuyện làm giàu “người thật, việc thật” được lan tỏa trong cộng đồng sẽ kích thích mạnh mẽ tinh thần hăng say lao động, sáng tạo của toàn thể nông dân huyện Chợ Mới và tỉnh An Giang.

Theo HẠNH CHÂU/TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh