Lại... mùa đăng cá giống

08:07, 03/07/2020

Hiện toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 150 con sông lớn nhỏ chảy ra biển, đây là một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho huyện.

 

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tam Giang Tây khai thác cá kèo giống trên các tuyến sông ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tam Giang Tây khai thác cá kèo giống trên các tuyến sông ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Hiện toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 150 con sông lớn nhỏ chảy ra biển, đây là một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho huyện.

Chính vì thế hàng năm cứ bước vào mùa này, tại các cửa sông, cửa biển trên địa bàn huyện lại nhộn nhịp hẳn lên bởi hoạt động đăng lưới bắt cá giống. Hoạt động này không chỉ vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản mà còn gây chướng ngại, mất an toàn giao thông thuỷ.

Nghề đăng giống thuỷ sản tại các cửa sông, cửa biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã xuất hiện từ khá lâu. Mùa vụ chính thường bắt đầu cuối tháng 4 âm lịch và kéo dài đến tháng 7 âm lịch. Đây là nghề không cần phải bỏ ra nhiều chi phí, mỗi hộ chỉ cần trang bị một chiếc xuồng máy với 4-5 miệng đáy bằng lưới mành có mắt lưới cực nhỏ để bắt các loại cá giống là có thể thu nhập vài triệu đồng sau mỗi con nước.

Các loại cá giống được người dân khai thác chủ yếu là cá kèo, cua, nghêu... Mặc dù năm nay ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thu nhập từ nuôi thuỷ sản giảm so với cùng kỳ, nhưng giá các loại giống thuỷ sản ở mức ổn định.

Anh Phạm Trung Thực, ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, cho biết: “Nghề đăng giống thuỷ sản này không khó nhưng lại mang về cho gia đình thu nhập cao. Có những ngày trúng sẽ thu hoạch được khoảng 1-1,5 kg con giống, với giá dao động từ 10-15 triệu đồng/kg. Còn nếu thất thì cũng thu nhập mỗi ngày vài trăm ngàn đồng”.

Thu nhập khá cao nên mọi người nạnh ai nấy khai thác vô tội vạ, nhất là giai đoạn cá mới vừa sinh sản đã dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, người khai thác các loại cá giống là dân địa phương, thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi này.

Ông Võ Văn Minh, ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ. “Hiện nay, đa phần người dân ở đây sống bằng nghề đăng giống thuỷ sản hoặc cào ruốc, vài năm trở lại đây vuông không có tôm để lo cho gia đình. Các hộ sinh sống gần ở đây nếu không làm nghề này thì bỏ đi Bình Dương, Đồng Nai hoặc các tỉnh trên để kiếm việc làm. Còn những hộ ở lại thì sinh sống bằng nghề này, tuy biết đây là nghề trái phép nhưng không làm thì lấy đâu ra tiền lo cho gia đình”.

Việc khai thác giống thuỷ sản không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản mà còn gây chướng ngại vật nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông đường thuỷ. Tuy Luật Giao thông đường thuỷ nội địa nghiêm cấm đặt vật cố định khai thác thuỷ sản trên sông, nhưng hiện nay nghề đăng các loại cá giống lại được nhiều người dân chọn làm kế mưu sinh. Đã qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã có nhiều giải pháp trong việc giải toả các chướng ngại vật trên sông, tuy nhiên, do điều kiện mưu sinh của người dân, vẫn còn một bộ phận người dân lén lút hoạt động... Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã ra quân được 30 đợt thanh thải chướng ngại vật trên sông, qua đó xử lý giải toả được 471 cột đăng trên sông, 257 phao nổi và 50 miệng đăng, hàng đáy trong kênh, rạch làm ảnh hưởng đến giao thông và lấn chiếm luồng đường thuỷ nội địa, đồng thời cho 230 hộ ký cam kết tự tháo dỡ các chướng ngại vật trên sông.  

Hàng trăm phao nổi được người dân làm để khai thác thuỷ sản.
Hàng trăm phao nổi được người dân làm để khai thác thuỷ sản.

Ông Nguyễn Trung Trực, ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, cho rằng: “Làm nghề này chúng tôi cũng biết vi phạm, nhưng không làm nghề này biết làm nghề gì để sống. Đã qua, lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hay các chướng ngại vật trên sông. Nếu mình đăng thì bố trí ngư lưới cụ gọn gàng, nếu không đăng thì mình cuốn dây, lưới vô để cho các phương tiện dễ lưu thông”.

Thiếu tá Diệp Ngọc Tú, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông trật tự cơ động Công an huyện Ngọc Hiển cho biết: “Thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống cạnh ven sông, biển tự ý làm những hàng đáy tạm, cột đăng, phao nổi để bắt các loài thuỷ sản ven bờ nhằm tạo thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc xây dựng các vật trên sông làm cản trở luồng tuyến giao thông đường thuỷ và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ đáng tiếc xảy ra. Theo thống kê, trong 2 năm trở lại đây đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ, nguyên nhân là va vào các hàng đáy, cột đăng của người dân, những vụ tai nạn này đa phần người điều khiển phương tiện vào ban đêm”.

Thiết nghĩ, muốn chấm dứt tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ và để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, ngoài tuyên truyền, vận động, các ngành chức năng cần có biện pháp lâu dài để người dân có công ăn việc làm ổn định, an tâm lao động sản xuất, không trở lại nghề khai thác giống thuỷ sản trên sông./.

Theo Huỳnh Tứ (CMO)

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh