Du lịch miền Tây thay áo mới, khách trở lại ai cũng mừng

08:07, 03/07/2020

Sau dịch COVID-19, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai nhiều hoạt động mới hoàn toàn để thu hút khách.

Sau dịch COVID-19, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai nhiều hoạt động mới hoàn toàn để thu hút khách.

Khách tham quan nghề làm bánh tráng ở Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Khách tham quan nghề làm bánh tráng ở Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Khách nội địa cũng đang là ưu tiên hàng đầu ở miền Tây, đúng theo tinh thần "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".

Khách du lịch trở lại, ai cũng mừng

Những ngày này, khu du lịch quốc gia Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang) đã có dấu hiệu của việc "hồi sinh" sau dịch COVID-19, khi hàng trăm người nườm nượp đi viếng Bà Chúa xứ, khác hẳn không khí 2 tháng trước.

Ghi nhận tại các khu du lịch ở Kiên Giang cho thấy tình hình kinh doanh, dịch vụ cũng dần khởi sắc trở lại. Tại khu du lịch Mũi Nai (TP Hà Tiên), dịp cuối tuần du khách khá đông. Việc nhà đầu tư rót hàng chục tỉ đồng để đổ cát trắng lấp lên bãi cát đen vốn có đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Tại "đảo ngọc" Phú Quốc, các điểm tham quan bắt đầu nhộn nhịp du khách. Khu chợ đêm Phú Quốc ở trung tâm đảo, khu vui chơi, nghỉ dưỡng phức hợp Vinpearl, công viên chủ đề VinWonders, Safari đều kinh doanh khá tốt. 

Theo đại diện các khu vui chơi cao cấp ở Phú Quốc, dù vắng bóng khách nước ngoài do các đường bay quốc tế tạm đóng cửa,  du khách nội địa cũng đem lại nguồn thu khả dĩ đủ để duy trì hoạt động, trả lương nhân viên qua lúc khó khăn.

Còn tại Cần Thơ, các khu - điểm du lịch cũng đã có khách trở lại. Tại chợ nổi Cái Răng, cảnh mỗi buổi sáng tàu chở khách du lịch dập dìu trên sông Cần Thơ đã xuất hiện trở lại. Một hướng dẫn viên chở đoàn khách khoảng 10 người từ Hà Nội cho biết, lúc chưa có dịch, anh không có thời gian để nghỉ ngơi vì phải dẫn khách liên tục, còn hiện tại  lượng khách đã  trở lại nhưng chưa nhiều, nên công việc cũng đỡ áp lực hơn. 

Ngoài ra, những ngày này tham quan chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ được thưởng thức thêm "đặc sản" đờn ca tài tử Nam Bộ do ngành du lịch thành phố tổ chức trên một chiếc thuyền dạo quanh khu vực chợ nổi để phục vụ khách.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết để phục vụ du khách tốt hơn, chợ nổi Cái Răng vừa đưa vào khu vực bán quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng miền Tây do tư nhân đầu tư. Việc vớt rác, vệ sinh môi trường cũng được quan tâm đặc biệt.

Tour mới mong níu chân du khách

Một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang cho biết sau dịch COVID-19, sở đã phối hợp với các khu - điểm du lịch tổ chức khảo sát, xây dựng tour mới "check in" và thám hiểm hang động tại Núi Cấm. Các khu - điểm du lịch tổ chức chỉnh trang cảnh quan, môi trường, bổ sung tiểu cảnh trang trí làm mới điểm đến như khu du lịch Núi Cấm, điểm du lịch rừng tràm Trà Sư...

Ông Đinh Văn Chắc - giám đốc ban quản lý khu du lịch Núi Cấm - còn cho biết đơn vị đang từng bước "thay áo mới" cho Núi Cấm để thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn nơi này. Cụ thể là chỉnh trang khu vực cổng trước khu du lịch tạo thành cổng tham quan, lót lại vỉa hè mới dài 450m; làm tiểu cảnh với 2 panô lớn gồm tượng Phật Di Lặc và hồ Thủy Liêm với logan "Núi Cấm gửi gắm niềm tin"; làm hệ thống đèn chiếu sáng và trồng thêm cây xanh... với tổng trị giá công trình 4,5 tỉ đồng (dự kiến hoàn thành trong tháng 8).

Không chỉ An Giang, "hàng xóm" của tỉnh này là Kiên Giang cũng thực hiện hàng loạt thay đổi. Ông Trần Chí Dũng - giám đốc Sở Du lịch tỉnh này - cho biết tỉnh sẽ thực hiện 6 hoạt động để phục hồi du lịch, gồm chương trình kích cầu du lịch; truyền thông, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch; liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong vùng và trong cả nước; xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ; đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ; quy hoạch, đầu tư hạ tầng đường bộ kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Tại "xứ sở công tử Bạc Liêu", các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch cùng khảo sát 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Phước Long và huyện Hồng Dân) để hình thành tuyến du lịch đồng quê. Đây là những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, diện tích ruộng lúa và sông nước nhiều, lại có rất nhiều làng nghề truyền thống như đan lát, dệt chiếu, rèn..., vì vậy phù hợp để du khách trải nghiệm...

Ngoài ra, ngay trong tháng 6 đã tăng thêm một suất diễn sân khấu cải lương vào tối thứ năm tại Nhà hát Cao Văn Lầu thay vì chỉ một suất vào tối thứ bảy như trước đây. Đặc biệt, tỉnh cũng đang mời tư vấn để mở rộng, nâng cấp khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đạt tiêu chuẩn sản phẩm du lịch 4 sao (hiện chỉ là điểm du lịch bình thường, chưa xếp sao). Khi đó sẽ có không gian tái hiện toàn bộ cảnh ra đời bản Dạ cổ hoài lang...

Hội thảo kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Nằm trong chuỗi sự kiện kích cầu du lịch hậu COVID-19 mang tên Diễn đàn Ấn tượng Việt Nam, chiều nay 3/7, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức Hội thảo kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự hội thảo có đại diện 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cùng Sở Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Mục tiêu của hội thảo là đưa ra sáng kiến, giải pháp để góp phần đưa du lịch miền Tây phát triển mạnh mẽ theo đúng tiềm năng sẵn có.

Theo TTO

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh