Cùng với Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng ven biển phía Đông là 1 trong 4 tiểu vùng tạo động lực liên kết phát triển ĐBSCL, trong đó, Bến Tre nổi lên không chỉ có vai trò quan trọng trong tiểu vùng mà còn có thể trở thành "nút kép" kết nối liên ĐBSCL và TP HCM
Bến Tre có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp Ảnh: NGỌC TRINH |
Cùng với Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng ven biển phía Đông là 1 trong 4 tiểu vùng tạo động lực liên kết phát triển ĐBSCL, trong đó, Bến Tre nổi lên không chỉ có vai trò quan trọng trong tiểu vùng mà còn có thể trở thành "nút kép" kết nối liên ĐBSCL và TP HCM
Vùng đất Bến Tre được hình thành từ khu vực tam giác châu thổ hệ thống sông Tiền, trên 4 nhánh sông lớn là sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai và Cổ Chiên, hợp thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời ở Nam Bộ.
Với truyền thống của quê hương Đồng Khởi, đội quân tóc dài, xứ dừa… đi vào lịch sử với những chiến tích hào hùng.
Định vị vai trò
Là tỉnh phát triển khá trong vùng, đặc biệt từ sau khi các tuyến giao thông liên vùng được kết nối và cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên được thông xe. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 10 năm qua đạt khá, bình quân 9,5%/năm. Tỉnh có nhiều mô hình hay trong xây dựng giao thông, văn hóa cơ sở, khởi nghiệp sáng tạo tạo ra nhiều điểm sáng.
Song, trong bối cảnh mới, yêu cầu mới với những định hướng chiến lược mới cùng các yếu tố tác động nội vùng và bên ngoài, để đáp ứng linh hoạt với những biến đổi của thị trường và những thay đổi vi khí hậu mang tính toàn cầu, cần định vị Bến Tre từ tiềm năng, lợi thế, phát huy tốt vai trò của tỉnh trong mối liên kết tiểu vùng ven biển phía Đông ĐBSCL và liên vùng với TP HCM.
Theo đó, Bến Tre đang nổi lên, cần được quan tâm đầu tư để trở thành một điểm nhấn trong tiểu vùng và "nút kép" liên vùng.
Tỉnh Bến Tre có vị trí thuận lợi nằm trên Quốc lộ 60 và Quốc lộ 57, nằm tại vị trí giao thoa giữa 2 vùng kinh tế lớn là ĐBSCL và TP HCM.
Tương lai, khi tuyến đường hành lang ven biển phía Đông thông suốt từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đi qua Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre để về TP HCM hoặc hòa tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sẽ xóa thế "ốc đảo" của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Bến Tre vừa giáp biển vừa có hệ thống sông, rạch chằng chịt thông ra biển và địa thế sông - biển liên hợp nên có điều kiện thuận lợi phát triển giao thông thủy, tạo ra hệ sinh thái ven biển đa dạng và phong phú, hệ thống giao thông thuận lợi nối liền các tuyến, cụm dân cư và hệ thống đô thị.
Tuy nhiên, thời gian qua, lợi thế mối quan hệ gắn bó và vị trí khá gần TP HCM của Bến Tre chưa được phát huy tốt, tầm nhìn phát triển và nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế.
Kinh tế phát triển nhưng nhìn chung tốc độ còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác hợp lý và hiệu quả.
Do giáp biển, vào mùa khô, thủy triều kết hợp với gió chướng trong điều kiện nước từ thượng nguồn đổ về ít hơn, mặn xâm nhập sâu vào đất liền nên ảnh hưởng đến 3/4 diện tích đất đai của tỉnh, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.
Nguồn lực phát triển của tỉnh còn nặng nông nghiệp. Hệ thống đô thị phát triển chưa tương xứng, hạ tầng kỹ thuật, tỉ lệ đô thị hóa còn thấp, việc quản lý và kiểm soát quá trình đô thị hóa chưa hiệu quả, chưa tạo ra động lực phát triển từ sáng tạo để thúc đẩy phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo nhân lực để góp phần xây dựng các chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại còn nhiều hạn chế.
"Nút kép" liên vùng trong hành lang phía Đông
Cùng với Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng ven biển phía Đông gồm các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long được xác định là 1 trong 4 tiểu vùng tạo động lực liên kết phát triển vùng ĐBSCL và gắn kết chặt chẽ với vùng TP HCM.
Tiểu vùng ven biển phía Đông đang có sự phát triển khá tốt, tổng GRDP của 4 tỉnh trong tiểu vùng chiếm 26,8% tổng GRDP toàn vùng ĐBSCL. Điểm nổi bật là diện tích cây ăn quả của tiểu vùng là 157.000 ha, chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL.
Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre là khu vực sản xuất - kinh doanh trái cây lớn nhất toàn vùng. Hiện đã có nhiều chỉ dẫn địa lý trái cây gắn với tiểu vùng này được công nhận như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ-ri Gò Công, bưởi Năm Roi Bình Minh, dứa Tân Lập, bưởi da xanh Bến Tre… Những yếu tố này tạo thành lợi thế lớn giúp tiểu vùng trở thành thủ phủ trái cây của ĐBSCL.
Điểm đến Bến Tre thu hút du khách Ảnh: NGỌC TRINH |
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của các địa phương không đồng đều. Tiền Giang có tổng GRDP lớn nhất, tiếp theo là Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương có sự khác biệt lớn, cơ cấu kinh tế cũng thể hiện khác biệt giữa các địa phương mà 3 trong 4 tỉnh là Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh vẫn còn nặng nông nghiệp.
Trong mối quan hệ đó, Bến Tre cần tận dụng các nguồn lực để tăng cường phát triển hài hòa, hợp lý các kịch bản kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, nhất là đầu tư phát triển cho sáng tạo.
TP HCM với lợi thế trung tâm lớn nhất nước về nhiều mặt: kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, là cửa ngõ giao lưu, hạ tầng hiện đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh TP HCM đang định hướng đầu tư xây dựng TP sáng tạo phía Đông, hứa hẹn tạo ra sức hút và lan tỏa lớn mà các tỉnh miền Tây lân cận cần tận dụng để kết nối và hưởng lợi.
Bến Tre và tiểu vùng ven biển phía Đông kết nối tốt với TP HCM ngay từ định hướng phát triển ban đầu cho thời kỳ mới đến năm 2030, 2050 sẽ tạo ra một không gian phát triển vùng rộng lớn hơn. Sự liên kết chặt chẽ 2 không gian này mở ra nhiều dư địa phát triển mới.
Với các tỉnh trong tiểu vùng và TP HCM, các nhà khoa học đã nghiên cứu đề xuất những lĩnh vực cần tăng cường liên kết tiểu vùng gồm: Liên kết quy hoạch, xúc tiến đầu tư, phối hợp trao đổi thông tin đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững tiểu vùng, xây dựng các chương trình, dự án chung của tiểu vùng, liên vùng.
Trong đó, ưu tiên phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, logistics, các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương, bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, trong đó có tài nguyên cát, nước và phát triển nguồn nhân lực.
Thiếu kết nối
Điểm yếu lâu nay giữa các địa phương vẫn là thiếu kết nối để phát huy hỗ tương và tiềm năng chung, trong khi các đơn vị hành chính của tiểu vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội tương đồng.
Việc định vị và hoạch định vai trò, chức năng, năng lực kết nối của địa phương trong bối cảnh hiện nay rất quan trọng. Quy hoạch vùng ĐBSCL, Bến Tre và các tỉnh trong vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đang triển khai nghiên cứu theo yêu cầu và định hướng mới.
Vai trò điểm nhấn của Bến Tre trong tiểu vùng ven biển phía Đông và "nút kép" trong kết nối liên vùng ĐBSCL và TP HCM cần được nghiên cứu làm rõ để phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong giai đoạn mới.
Theo TRẦN HỮU HIỆP (Người lao động)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin