Nằm trong mục tiêu đa dạng hóa các loại hình du lịch (DL), ngành chuyên môn và các địa phương đang hướng đến khai thác thế mạnh DL sinh thái vườn.
Nằm trong mục tiêu đa dạng hóa các loại hình du lịch (DL), ngành chuyên môn và các địa phương đang hướng đến khai thác thế mạnh DL sinh thái vườn. Dù không quá nhộn nhịp nhưng loại hình DL này vẫn có sức hút riêng với những ai muốn trải nghiệm cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng sau những ngày hối hả, ồn ào nơi phố thị.
Với mục tiêu đa dạng hóa hoạt động DL tại địa phương, UBND huyện Tịnh Biên đang hướng tới hình thành các trục DL sinh thái ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động nhằm mở rộng nguồn thu cho các hộ trồng vườn trên cơ sở tận dụng thế mạnh thổ nhưỡng đặc thù của vùng quê xứ núi.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện phát triển 3 trục DL sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, bao gồm: trục Hương lộ 6 (xã An Phú), Hương lộ 13 (xã An Cư) và Nhà Bàng - Thới Sơn với đoạn từ miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp về chùa Phật Thới Sơn.
Với 3 trục DL này, huyện đã vận động các hộ dân tham gia canh tác vườn cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát triển các dịch vụ ẩm thực để phục vụ du khách”.
Theo ông Phong, trục Nhà Bàng - Thới Sơn sẽ phát triển vườn dâu tằm và vườn nhãn với diện tích 3ha. Du khách có thể đến đây tham quan, chụp ảnh với những vườn cây trĩu quả và tận hưởng không khí trong lành.
Ngoài ra, du khách còn có thể tự hái những quả dâu chín, những chùm nhãn thơm lừng để thưởng thức ngay tại chỗ. Các chủ vườn còn phát triển sản phẩm từ dâu như: mật dâu, rượu dâu, dâu tươi và các món ăn dân dã để du khách thưởng thức
. Trục đường Hương lộ 6 sẽ có những vườn ổi, vườn hồng quân phục vụ nhu cầu tham quan của du khách kết hợp ẩm thực sân vườn.
Riêng trục Hương lộ 13 trên địa bàn xã An Cư với vườn xoài (25ha), vườn quýt (3ha) xanh mát quanh năm sẽ phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách gần xa với hoạt động câu cá kết hợp khu vui chơi, giải trí dành cho người lớn và trẻ em.
Đây là trục DL được định hướng để phát triển loại hình DL homestay với sự đầu tư bài bản, đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách.
Không chỉ ở đồng bằng, ngành chuyên môn còn định hướng sẽ đẩy mạnh phát triển hoạt động DL sinh thái vườn trên núi Cấm. Đây là hướng đi mới, góp phần vào việc đa dạng hóa nguồn thu cho nhà vườn trên núi, thay vì chỉ trồng cây rồi hái trái bán như trước đây.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu nhận định: “Núi Cấm với khí hậu đặc thù mát mẻ quanh năm và những vườn dâu, vườn sầu riêng, vườn bơ, vườn quýt trĩu quả là một sản phẩm DL rất riêng. Nếu các nhà vườn có thể phục vụ du khách vào mùa trái thì sẽ tăng nguồn thu đáng kể.
Du khách có thể đến tham quan những vườn cây đầy trái, tự tay hái và thưởng thức trong cái khí hậu mát mẻ của vùng cao sẽ rất tuyệt vời. Do đó, chúng tôi đang định hướng để các hộ dân trên núi tham gia phát triển loại hình DL này”.
Thực tế, núi Cấm chỉ đông khách trong những tháng hành hương và thời gian còn lại người dân trên núi chỉ sống lệ thuộc vào những nông sản đặc trưng. Nếu khai thác được loại hình DL sinh thái vườn sẽ thu hút du khách đến với “nóc nhà miền Tây” quanh năm, bởi hết mùa hành hương sẽ đến mùa trái cây trên núi thay phiên nhau chín rộ, từ tháng 4 đến tháng 10 (âm lịch).
Vì khi ấy, du khách có thể tham quan, chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc đẹp cùng những vườn cây sai trái trên núi Cấm. Từ đó, hoạt động DL trên núi sẽ sôi động quanh năm với những đối tượng du khách khác nhau.
“Chúng tôi đã mở lớp hướng dẫn người dân trên núi kỹ năng làm DL nhằm phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, cần phát triển hoạt động DL sinh thái vườn trên núi tại những khu vực nhất định, với sự đầu tư về hạ tầng cơ sở để đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình tham quan.
Ngoài ra, các chủ vườn có thể phát triển loại hình homestay để du khách lưu trú và tận hưởng không khí núi Cấm về đêm.
Như vậy, chúng ta sẽ có loại hình DL sinh thái kết hợp homestay đặc thù núi Cấm, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận du khách thích trải nghiệm “một chút Đà Lạt” ở miền Tây” - ông Lê Trung Hiếu phân tích.
Để DL sinh thái vườn phát triển như kỳ vọng, rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành về hạ tầng cơ sở và cả nguồn nhân lực đủ trình độ làm DL.
Có như vậy, loại hình DL này mới thực sự mang đến nguồn thu như kỳ vọng cho các hộ làm vườn, cũng như tạo được điểm nhấn mới trong lòng du khách về những vườn cây đặc sản ở vùng đất An Giang.
Theo Báo An Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin