Trồng mận bao lưới góp phần phát triển kinh tế

01:06, 26/06/2020

Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều nhà vườn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung tìm tòi, nghiên cứu chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng mận bao lưới. 

 

Trồng mận bao lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trồng mận bao lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao

Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều nhà vườn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung tìm tòi, nghiên cứu chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng mận bao lưới.

Mô hình này được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo sức khỏe của người nông dân, người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Với định hướng bắt tay cùng nhau xây dựng mô hình trồng mận bền vững, nhiều nhà vườn thuộc xã Phong Hòa tiến tới thành lập Tổ hợp tác (THT) mận bao lưới Phong Hòa với 12 thành viên; diện tích sản xuất mận hơn 8ha, được canh tác theo quy trình VietGAP.

Là một trong những người khởi xướng mô hình canh tác mận bao lưới, ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ trưởng THT mận bao lưới Phong Hòa mạnh dạn chuyển sang trồng mận hồng đào đá bao lưới với diện tích 5.000m2.

Theo ông Nguyên, mô hình mận bao lưới mang lại nhiều hữu ích cho nông dân, nhất là trong việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Thay vì trước đây, vào đầu mùa mưa, nông dân trồng mận thường có tâm trạng lo lắng khi trái bị ruồi vàng tấn công, ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Tuy nhiên, từ khi áp dụng mô hình trồng mận bao lưới, nhà vườn hạn chế được tối đa các loại dịch hại tấn công và thu hoạch với năng suất tăng gấp đôi so với trước đây.

“Mỗi năm, mô hình trồng mận trong nhà lưới giúp tôi tiết kiệm được vài chục triệu đồng từ việc giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, điểm nhấn của mô hình này là vào mùa mưa, nhà vườn vẫn có thể áp dụng quy trình để cây cho trái” - ông Nguyên nói thêm.

Là nông dân đang theo đuổi mô hình trồng mận bao lưới, ông Bùi Văn Dũng ngụ xã Phong Hòa phấn khởi khi vườn mận 15 năm tuổi của gia đình mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Theo ông Dũng, xây dựng nhà lưới không tốn nhiều chi phí trong khi thời gian sử dụng khá dài từ 3 - 4 năm. Mô hình này còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nhân công phun thuốc, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Tổ Trưởng THT mận bao lưới xã Phong Hòa chia sẻ: “Thực hiện theo mô hình trồng mận bao lưới, tôi và các thành viên thường xuyên có những buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm nhằm đảm bảo canh tác đúng theo quy trình VietGAP.

Cụ thể, nhà vườn phải chú trọng ghi chép nhật ký, cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cùng nhiều biện pháp an toàn khác. Một trong những mong muốn lớn nhất của THT là mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, mở rộng thị trường, tiếp cận với nhiều kênh phân phối hiện đại”.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung đánh giá: “Thời gian qua, các nhà vườn của THT mận bao lưới Phong Hòa rất sáng tạo dùng lưới để ngăn ruồi vàng tấn công.

Chính vì vậy, sản phẩm làm ra gần như là an toàn tuyệt đối, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ có những hỗ trợ cho nông dân cải tiến mô hình để đạt được yêu cầu cao của thị trường”.

Hiện nay, mô hình trồng mận trong nhà lưới đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Lai Vung. Đây được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn cho sức khỏe và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn khi mà nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo KHÁNH PHAN (Báo Đồng Tháp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh