Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, trên tuyến sông Trà Nóc qua địa bàn quận Bình Thủy, vừa xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 13 căn nhà của người dân.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, trên tuyến sông Trà Nóc qua địa bàn quận Bình Thủy, vừa xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 13 căn nhà của người dân.
Phần nhà phía sau của các hộ dân ở khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy bị sạt lở nhấn chìm xuống sông Trà Nóc.
Vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng 20/6, làm sạt hoàn toàn phần nhà phía sau của 13 hộ dân nằm trên đường Lê Thị Hồng Gấm, khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy với chiều dài khoảng 70m. Rất may không có thương vong về người.
Quan sát của phóng viên tại hiện trường, có khoảng 7 căn nhà dọc theo sông Trà Nóc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những căn còn lại cũng đang có dấu hiệu rạn nứt, có thể bị sụp bất cứ lúc nào.
Ông Phan Anh, chủ căn nhà số 118 đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Trà An, quận Bình Thủy chỉ về phía phần nhà của sông đã bị sạt hoàn toàn xuống sông. |
Ông Phan Anh, chủ căn nhà số 118 ở khu vực trên kể vụ sạt lở diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 10 - 15 phút là cả căn nhà sau của ông và các hộ lân cận bị sụp chìm xuống sông. Sáng nay, ông Phan Anh thuê thợ lặn đến lặn mò tìm đồ đạc nhưng khu vực bị xói lở rất sâu, chỉ vớt được vài tấm tôn và một số thanh kèo của ngôi nhà.
Người dân sinh sống ở đây cho biết, việc sụt lún ven sông Trà Nóc đã xảy ra nhiều năm nay, hiện tượng nứt đất, xé tường thường xuyên xảy ra nhưng chưa có lần nào thiệt hại nặng như lần này.
Đoạn sạt lở dài khoảng 70m, “nuốt chửng” phần nhà sau của 13 hộ dân sống ven sông Trà Nóc. |
Bà Đinh Thị Luyện, sinh sống tại khu vực này từ năm 2000, qua nhiều lần bị sạt lở rồi gia cố nhưng vẫn không cải thiện được nên gia đình bà vừa dọn đi chỗ khác để sinh sống vì sợ sạt lở làm sập nhà.
“Bốn lần làm bờ kè kiên cố, tốn rất nhiều tiền nhưng tình trạng nứt tường, hở nền cứ diễn ra nên gia đình không an tâm sinh sống đành bỏ nhà dời đi nơi khác”, bà Luyện cho biết.
Khi vụ việc xảy ra, chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng đã đến kiểm tra, khảo sát. “Tôi cũng như bà con ở đây mong muốn có chỗ ở đàng hoàng hơn, chứ sống ở bờ sông sạt lở như thế này thì rất lo", ông Phan Anh cho hay.
Một trong số 13 ngôi nhà bị sụp hoàn nửa nhà sau với diện tích khoảng 50 m2 xuống sông Trà Nóc. |
Trao đổi với phóng viên vào chiều 21/6, ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, sau khi nhận thông tin, ông cùng cán bộ của Ban đã xuống hiện trường kiểm tra, khảo sát thực tế để có phương án hỗ trợ cho người dân.
Theo ông Ninh, hiện quận Bình Thủy vẫn đang thống kê, rà soát thiệt hại của từng trường hợp cụ thể để đề xuất mức hỗ trợ. Ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND quận, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ sẽ xuất Quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ cho người dân. Tùy theo mức độ ảnh hưởng, số tiền tối đa là 20 triệu đồng cho mỗi hộ dân bị sạt lở.
Ông Ninh cho biết đã đề nghị chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân trong khu vực sạt lở tiến hành tháo dỡ, di dời đồ đạc lên phía trước để giảm tải cho bờ sông. “Trước mắt, bà con chỉ nên sinh hoạt ở nhà trước, không nên ra nhà sau để đảm bảo an toàn”, ông Ninh khuyến cáo.
Đoạn sạt lở dài khoảng 70m, “nuốt chửng” phần nhà sau của 13 hộ dân sống ven sông Trà Nóc. |
Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các phương án xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, mời Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tiến hành khảo sát, đo đạc, xác định nguyên nhân gây xói lở trên tuyến sông Trà Nóc để đưa ra giải pháp khắc phục ổn định lâu dài.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin