Phấn khởi sản xuất lúa

03:06, 25/06/2020

Điều kiện sản xuất thuận lợi, cộng với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và giá bán ở mức hấp dẫn nên nông dân huyện Châu Thành A đã và đang thu hoạch lúa Hè thu trong niềm vui kép.

 

Nông dân huyện Châu Thành A thu hoạch lúa Hè thu trong niềm vui được mùa, được giá.
Nông dân huyện Châu Thành A thu hoạch lúa Hè thu trong niềm vui được mùa, được giá.

Điều kiện sản xuất thuận lợi, cộng với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và giá bán ở mức hấp dẫn nên nông dân huyện Châu Thành A đã và đang thu hoạch lúa Hè thu trong niềm vui kép.

Niềm vui lúa Hè thu

Vụ lúa Hè thu năm nay, nông dân huyện Châu Thành A xuống giống được 8.035ha, tập trung chủ yếu ở 4 địa phương là xã Trường Long A (2.071ha), Trường Long Tây (1.760ha), Tân Hòa (1.310ha) và thị trấn Bảy Ngàn (900ha).

Do điều kiện sản xuất thuận lợi nên nông dân huyện Châu Thành A thường xuống giống lúa Hè thu sớm hơn các địa phương khác trong tỉnh.

Vì vậy, hiện bà con nơi đây đã thu hoạch lúa Hè thu được hơn 7.000ha, tổng sản lượng hơn 44.554 tấn. Đặc biệt, năng suất lúa Hè thu năm nay được nông dân trên địa bàn huyện xác nhận là cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Mới thu hoạch xong 1,8ha lúa Hè thu (giống OM 5451) của gia đình cách nay 5 ngày, ông Lê Văn Đông, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, phấn khởi thông tin: “Thật bất ngờ khi ruộng lúa của tôi đạt năng suất đến 950kg/công (công 1.300m2), trong khi cùng vụ sản xuất của mọi năm thì trúng lắm là 850kg/công. Không riêng gì lúa của tôi mà cả cánh đồng nơi đây đều trúng mùa.

Nguyên nhân lúa trúng được nhà nông chúng tôi nhận định là do sạ sớm hơn mọi năm gần một tháng, vì vậy thời tiết của mùa xuân vẫn còn nên thuận lợi cho cây lúa phát triển.

Mặt khác, vụ lúa Đông xuân trước đó bà con bán lúa được giá, có nguồn thu nhập hấp dẫn nên tạo động lực trong việc chăm sóc lúa ở vụ Hè thu này được kỹ càng hơn, cộng với dịch hại trên lúa không nhiều nên lúa đạt năng suất cao”.

Cùng niềm vui, ông Huỳnh Văn Chắc, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, chia sẻ: “Tôi làm ruộng đã hơn 30 năm, nhưng có năm nay lúa Hè thu đạt năng suất đến hơn 900kg/công, có hộ ở cánh đồng này đạt đến 1 tấn/công.

Ngoài năng suất, giá lúa vụ này cũng ở mức từ 5.100-5.500 đồng/kg (tùy giống), tăng bình quân khoảng 400-600 đồng/kg so với cùng kỳ. Từ năng suất và giá bán như trên, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng lúa như tôi kiếm được nguồn lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, để góp phần giúp nông dân đạt thắng lợi về năng suất lúa như trên, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã chủ động xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống phù hợp cho từng vùng sản xuất, đồng thời khuyến cáo người dân đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất.

Về cơ cấu giống, vận động người dân sử dụng các giống theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh và theo đề xuất của doanh nghiệp, thương lái nhằm đảm bảo đầu ra và giá bán ổn định ở mức cao.

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên nên qua đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, năng suất lúa bình quân của huyện Châu Thành A đang đứng thứ 2 của tỉnh, với 6,48 tấn/ha (sau huyện Phụng Hiệp, với 6,5 tấn/ha).

Ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành A, cho biết: Tuy chưa thu hoạch dứt điểm lúa Hè thu, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định nông dân Châu Thành A đã đạt thắng lợi trên các mặt, từ đó góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.

Đặc biệt, từng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt việc liên kết trong canh tác và với doanh nghiệp nên đã tạo ra sản lượng lúa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tích cực xuống giống lúa Thu đông

Từ niềm phấn khởi của vụ lúa Hè thu đã tiếp tục tạo động lực lớn cho nông dân huyện Châu Thành A tích cực xuống giống vụ lúa Thu đông (lúa vụ 3) đạt kế hoạch; qua đây góp phần vào thành công chung của tỉnh về diện tích gieo trồng và sản lượng đối với lúa vụ 3.

Đang rảo quanh thăm 1ha lúa của gia đình vừa xuống giống được 8 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Thêm, ở ấp Trường Thọ, xã Trường Long A, thông tin: “Sau khi cắt lúa Hè thu xong, tôi và bà con ở đây tiến hành vệ sinh đồng ruộng rất kỹ mới xuống giống lúa Thu đông.

Nhờ vậy, lúa lên rất đều nên tới đây sẽ nhẹ công cấy giặm. Tính ra năm nay, bà con xuống giống sớm hơn cùng kỳ gần một tháng nhờ hai vụ lúa trước đó xuống giống sớm, đồng thời cộng thêm năm nay nhuần hai tháng 4 (âm lịch), vì vậy vào khoảng cuối tháng 7 âm lịch là có thu hoạch lúa”.

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, vụ lúa Thu đông năm nay toàn huyện xuống giống 7.335ha, đến thời điểm này, những cánh đồng thu hoạch lúa Hè thu sớm đã gieo sạ lúa Thu đông được hơn 4.100ha, tập trung nhiều ở xã Trường Long Tây, Trường Long A, thị trấn Bảy Ngàn. Giống lúa bà con đang ưu tiên gieo sạ là OM 5451, OM 18 và một số diện tích sạ giống ST 25.

Tranh thủ nghỉ tay khi đang đánh đường nước chuẩn bị xuống giống 1,5ha lúa Thu đông của gia đình, ông Nguyễn Tấn Sĩ, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, cho hay: “Do lúa có giá nên mỗi vụ lúa năm nay hộ nào cũng làm đất thật kỹ trước khi xuống giống.

Ngoài ra, bà con còn chủ động phòng trừ ốc bươu vàng trong giai đoạn đầu để lúa được lên đều, nhẹ công giặm và đạt năng suất tốt về sau.

Giống như nhiều bà con, tôi chọn giống lúa OM 5451 để canh tác trong vụ này. Bởi, vụ lúa Hè thu thường có mưa, nắng xen kẽ nên rất dễ bị bệnh cháy lá làm giảm năng suất vào giai đoạn trổ bông, trong khi giống lúa OM 5451 thì rất ít xuất hiện bệnh cháy lá”.

Ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành A, cho biết thêm: Qua thời gian đầu tư, đến thời điểm này, 100% diện tích đất sản xuất lúa trên địa bàn huyện đều có hệ thống đê bao khép kín nên chủ động được nguồn nước, qua đây giúp bà con an tâm sản xuất trong điều kiện có lũ về.

Bên cạnh đó, đơn vị đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn của ngành từ cấp huyện đến xã cần thường xuyên phối hợp cùng nông dân trong việc theo dõi và phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại trong giai đoạn đầu của lúa.

Mặt khác, tập trung khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ thật kỹ trước khi xuống giống và tuân thủ thời gian cách ly ít nhất 20 ngày để hạn chế ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở giai đoạn đầu, đồng thời tuân thủ lịch thời vụ gieo sạ cho từng vùng nhằm để đảm bảo đạt hiệu quả sản xuất cao nhất…

Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh