Dưới cơn mưa bất chợt của những ngày giữa tháng 6, chúng tôi tìm đến nhà ông Quách Văn Sử (69 tuổi; ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), thương binh hạng 4/4, một trong những người tiên phong trồng cây ăn trái trên vùng đất nhiễm mặn, phèn ở U Minh Hạ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Dưới cơn mưa bất chợt của những ngày giữa tháng 6, chúng tôi tìm đến nhà ông Quách Văn Sử (69 tuổi; ngụ ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), thương binh hạng 4/4, một trong những người tiên phong trồng cây ăn trái trên vùng đất nhiễm mặn, phèn ở U Minh Hạ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Sử tham gia lực lượng du kích tại xã Nguyễn Phích khi mới 16 tuổi. Trong một lần giặc càn quét, ông bị thương nặng ở lưng.
Năm 1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, ông Sử tham gia mặt trận bảo vệ biên giới. Sau đó, trở về công tác tại tỉnh đội đến năm 1981 thì phục viên, về quê hương tiếp tục công tác tại xã Nguyễn Phích.
Sau ngày rời quân ngũ, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn do canh tác lúa trên vùng đất nhiễm phèn, mặn không đem lại hiệu quả.
Tuy nhiên, với ý chí cần cù, chịu khó và không chịu khuất phục trước thử thách, ông Sử đã cải tạo đất, lên liếp, làm bờ bao ngăn mặn trên diện tích 2,6 ha đất của gia đình để trồng cây ăn trái, nuôi cá, trồng màu theo hướng đa cây, đa con.
Ông Quách Văn Sử chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình |
Khi hay tin ông Quách Văn Sử có ý tưởng "lạ đời" là trồng cây ăn quả trên vùng đất bao đời trồng lúa, cây tràm, nhiều bạn bè và hàng xóm đã khuyên ông từ bỏ ý định.
Song, bởi luôn tâm niệm "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền", ông đã mạnh dạn thuê cơ giới làm bờ bao ngăn mặn, lên liếp trồng hơn 600 gốc nhãn, vú sữa, bông thiên lý và nuôi các loại cá nước ngọt.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông còn kết hợp trồng thêm rau màu để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học.
Đất không phụ người, sau thời gian miệt mài chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình ông đã đến ngày thu hoạch và thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Lúc này, nhận thấy nhu cầu thị trường về bông thiên lý cao, ông cùng người thân đã mở rộng thêm diện tích.
Hiện hằng năm, ông xuất ra thị trường hàng tấn sản phẩm các loại như: nhãn, vú sữa, bông thiên lý, các loại cá đồng… "Trung bình mỗi năm tôi thu lãi khoảng 700 triệu đồng từ mô hình đa cây, đa con. Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ trồng thêm sầu riêng" - ông Sử nói.
Theo lý giải của ông Sử, ông chọn cách phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con là do đầu ra nông sản của gia đình chủ yếu cung ứng thị trường trong tỉnh.
Vậy nên, nếu tập trung vào một loại thì nông sản sẽ tồn đọng vì đầu ra gặp khó. Trái cây của gia đình ông Sử được thị trường ưa chuộng do ít sử dụng phân hóa học, thời gian vận chuyển ngắn nên chất lượng bảo đảm.
Nhằm khai thác triệt để lợi thế, trong từng vụ cây trái nhất định, ông tận dụng làm du lịch sinh thái. Với sự đa dạng của các loại cây trái, khu vườn của ông Sử thu hút đông khách tham quan.
Bên cạnh đó, khu vườn của ông còn có hơn 700 gốc mai vàng hàng chục năm tuổi mà ông hay gọi vui là "sổ tiết kiệm tuổi già".
Năm 2019, ông Sử được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc và được vinh danh ở Hà Nội do có thành tích nổi bật trong sản xuất.
Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, đánh giá cách canh tác đa cây, đa con của ông Sử là một trong những mô hình tiêu biểu và đem lại hiệu quả cao ở địa phương.
Thời gian qua, xã cũng khuyến khích người dân tham gia học tập kinh nghiệm từ mô hình này để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
Theo Vân Du (NLĐO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin