Tiền Giang: Đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

01:05, 25/05/2020

Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), một số sản phẩm ở tỉnh đã được công nhận đạt OCOP, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), một số sản phẩm ở tỉnh đã được công nhận đạt OCOP, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

OCOP là một trong những chương trình được tỉnh triển khai thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn.

Sản phẩm trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát được công nhận đạt OCOP 4 sao.
Sản phẩm trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát được công nhận đạt OCOP 4 sao.

Kết quả bước đầu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2019 có 4/11 huyện, thị (Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Gò Công Đông, TX. Gò Công) đã tổ chức đánh giá 11 sản phẩm OCOP. Riêng cấp tỉnh, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh tổ chức đánh giá 4/11 sản phẩm.

Kết quả, có 2 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát của Công ty TNHH Travipha (huyện Tân Phú Đông), thịt gà tươi gà ta Gò Công của Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (TX. Gò Công). 2 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Mắm tôm chà Bà Hai Diễm của Cơ sở sản xuất Bà Hai Diễm (TX. Gò Công), nước đông trùng hạ thảo NICE của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây).

Theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, Chương trình OCOP là một trong những điều kiện để định hướng sản xuất, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, chương trình chưa đạt được yêu cầu kế hoạch đề ra. “Chúng ta đã thấy khó, hồ sơ phức tạp, do đó các địa phương cần quyết liệt bắt tay vào hỗ trợ chủ thể sản xuất” - đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu.

Là một trong những sản phẩm đạt OCOP, trà trái mãng cầu Xiêm Vĩnh Phát đang dần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Bảy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Travipha, việc được công nhận đạt OCOP giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm; đồng thời, giúp công ty mở rộng được thị trường tiêu thụ. Hiện mỗi ngày công ty sản xuất được khoảng vài chục kg trà thành phẩm. Sản phẩm hiện đang được xuất khẩu đi các nước như Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ…

Sản phẩm nước đông trùng hạ thảo NICE vừa được công nhận đạt OCOP trong năm 2019, bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân cho biết, công ty hiện có trên 10 sản phẩm từ đông trùng hạ thảo.

Theo bà Luôn, khi có được sản phẩm đạt OCOP, lợi ích đầu tiên của công ty là nâng cấp được giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm của công ty sẽ tạo được tiếng vang và cơ hội mở rộng thị trường lớn hơn.

Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tham gia để các sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP. Hiện công ty đang đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho các sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo sấy khô, đông trùng hạ thảo chưng tổ yến. Đồng thời, phấn đấu từng bước nâng mức độ đạt OCOP cao hơn cho các sản phẩm.

Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân có sản phẩm nước đông trùng hạ thảo NICE được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ảnh: M. THÀNH
Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân có sản phẩm nước đông trùng hạ thảo NICE được công nhận đạt OCOP 3 sao. Ảnh: M. THÀNH

Chọn đúng đối tượng

Theo Sở NN&PTNT, năm 2020, tỉnh phấn đấu nâng cấp 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao lên 5 sao, 1 sản phẩm đạt 3 sao lên 4 sao, phát triển ít nhất 20 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên (bình quân 2 - 3 sản phẩm/huyện, thị, thành).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, quá trình thực hiện Chương trình OCOP cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng của chủ thể sản xuất. Khi chủ thể sản xuất xác định lợi ích khi tham gia họ sẽ làm theo.

Huyện đề nghị có chính sách hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP về hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Cũng trong năm 2020 này, huyện Chợ Gạo phấn đấu có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là trà mãng cầu Xiêm của Hợp tác xã Sản xuất Thương mại - Nông nghiệp Bình Phan (xã Bình Phan) và thanh long sấy của Công ty TNHH Phước Hưng (xã Đăng Hưng Phước). Hiện địa phương đang lập các thủ tục để cố gắng hoàn thành, được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Còn theo UBND TX. Gò Công, địa phương đã tiến hành đánh giá 4 sản phẩm gồm: Mắm tôm chà Kim Sa; mắm ruốc, mắm tôm, mắm cá cơm của cơ sở Bà Hai Diễm.

Dự kiến, thời gian tới, TX. Gò Công sẽ tiếp tục hỗ trợ Cơ sở sản xuất mắm tôm chà Bà Hai Diễm hoàn chỉnh thủ tục để nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Đồng thời, đăng ký thêm 2 sản phẩm là cải muối Gò Công và mứt sơ ri phấn đấu đạt OCOP trong năm 2020.

Theo Sở NN&PTNT, để Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng và phát huy hiệu quả như mục tiêu đặt ra, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Đồng thời, rà soát các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế phát triển bền vững, hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký tham gia.

Phó Chủ tịch UBND Phạm Anh Tuấn cho rằng, với 4 sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP, rõ ràng những sản phẩm sau khi được công bố đã tiêu thụ rất tốt, vào được những thị trường cao cấp. Thời gian tới, để triển khai Chương trình OCOP đạt mục tiêu đề ra, công tác tuyên truyền rất quan trọng.

Do đó, các sở, ngành phải tổng hợp các mô hình hiệu quả thực tế điển hình của các sản phẩm OCOP để cung cấp cho cơ quan báo, đài, các hệ thống thông tin để tập trung tuyên truyền. Các địa phương phải phát huy những sản phẩm được công nhận, đây là những gương tuyên truyền rất tốt.

Cũng theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, trong năm 2020, mỗi huyện phải có ít nhất 2 sản phẩm OCOP được công nhận. Việc chọn các sản phẩm để tham gia OCOP phải đúng đối tượng, mục tiêu là các hộ sản xuất, tiểu thủ công nghiệp.

Ngành Nông nghiệp cùng các ngành nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP. Trong quý II-2020, Sở Công thương phải trình UBND tỉnh kế hoạch tổ chức các điểm bán hàng, giới thiệu các sản phẩm OCOP, có kế hoạch giới thiệu các sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối lớn.

Theo M.THÀNH (Báo Ấp Bắc)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh