Khi những cơn mưa bắt đầu tắm mát vùng Bảy Núi (An Giang) thì miệt bán sơn địa này dần khoác lên mình tấm áo mộng mơ. Thời điểm ấy, những mùa hoa bắt đầu bung nở, những món ăn đặc sản lại bước vào mùa để càng làm say lòng những ai "trót" đặt chân đến miền đất này.
Khi những cơn mưa bắt đầu tắm mát vùng Bảy Núi (An Giang) thì miệt bán sơn địa này dần khoác lên mình tấm áo mộng mơ. Thời điểm ấy, những mùa hoa bắt đầu bung nở, những món ăn đặc sản lại bước vào mùa để càng làm say lòng những ai “trót” đặt chân đến miền đất này.
Bảy Núi vào mùa hoa
Tháng nắng, Bảy Núi oằn mình trong cái nóng râm ran. Mấy đỉnh núi chơ vơ những thân cây khô khốc. Khi những giọt mưa đầu tiên lất phất rơi trên vùng đất này cũng mang theo những mùa hoa trở về.
Tháng 4, mấy “con bướm đỏ” ở đâu đã bay về đậu trên những cành phượng rung rinh trong gió. Hoa phượng nơi nào cũng thế, là biểu tượng của mùa hè, mùa của những cảm xúc vấn vương thời áo trắng. Tuy nhiên, mùa hoa phượng Bảy Núi lại mang cái chất riêng, khi nó hòa vào cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.
Dọc theo những con đường ngập nắng, có thể nghe đâu đó những tiếng ve ngân báo hiệu hè về. Mùa hè năm nay, hoa phượng cũng lặng lẽ theo những buồn vui của tuổi học trò bởi ảnh hưởng của cơn đại dịch toàn cầu.
Dọc theo những con đường Bảy Núi, cái sắc đỏ thân thương ấy vẫn cứ âm thầm tô điểm cho đất trời như gieo vào lòng khách phương xa một chút bâng khuâng, hoài niệm.
Ngước nhìn lên những triền núi xa xa, đã thấy những tán bằng lăng rừng lác đác trổ bông. Bằng lăng vốn mạnh mẽ, kiên cường nên thời tiết càng nóng chúng càng tập trung sức sống.
Và khi cơn mưa đầu mùa buông xuống thì những chùm hoa tím hồng bung nở, tạo nét chấm phá cho đất trời trong thời khắc giao mùa. Bao giờ cũng thế, thời khắc vùng đất của nắng, của gió này “chuyển trạng thái” luôn mang vẻ đẹp rất riêng, gây ấn tượng với những ai yêu thích thiên nhiên, cảnh vật.
Những ngày này, mấy cánh rừng khô khốc đã bắt đầu lún phún màu xanh của lá. Bức tranh thiên nhiên Bảy Núi vì thế mà dịu hơn để những người bảo vệ rừng cảm thấy nhẹ nhàng sau mấy tháng căng mình giữ từng ngọn cây, góc núi.
Đến thời điểm mưa “già”, vùng đất này sẽ còn có những cánh hoa rừng lung linh khoe sắc hay mấy đám mây là đà phiêu lãng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn hùng vĩ. Với những ai từng “check-in” Bảy Núi, đây là dịp lý tưởng để sống trong khung cảnh mơ màng, lãng mạn khác hẳn những tháng mùa khô khi cái nắng hanh hao thiêu đốt đất trời.
Đặc sản lên ngôi
Mưa xuống, sản vật của vùng Bảy Núi cũng bắt đầu phong phú hơn. Riêng núi Cấm, mùa mưa là lúc những nông sản vào vụ rộ bởi điều kiện nước tưới đầy đủ. Những chiếc xe gắn máy len lỏi khắp các cánh rừng mang theo những giỏ măng xuống miền xuôi tiêu thụ.
Những vườn bơ trĩu quả nằm ven các tuyến đường lên núi khiến du khách nếu có dịp đến đây sẽ vô cùng thích mắt. Đặc biệt nhất là rau rừng.
Nếu nói về ẩm thực núi Cấm, người ta không thể bỏ qua bánh xèo rau rừng. Chính những loại rau sinh ra từ rừng núi hiền lành, kết hợp với vị giòn tan của bánh xèo, hòa lẫn vị mặn, ngọt, cay, nồng đặc trưng của nước chấm đã kích thích vị giác của du khách phương xa.
Từ đó, chiếc bánh xèo trở thành một phần không thể thiếu trong chuyến hành hương của du khách thập phương khi đến với vùng Thất Sơn này.
Ngoài rau, quả đặc sản, Bảy Núi còn nổi tiếng bởi phong cách ẩm thực… côn trùng. Thực tế, món ăn này không “dễ nuốt” với nhiều người nhưng một khi đã nếm thử thì sẽ rất khó quên. Với người sành ăn, bọ rầy hay ve sầu thực sự là món “độc chiêu” của vùng Bảy Núi.
Sa mưa xuống, bọ rầy cũng bước vào mùa. Muốn bắt chúng, người ta chỉ cần len lỏi theo các vườn xoài, vườn điều khi trời sập tối và xách theo một cây đèn. Bọ rầy mê sáng nên sẽ bay lòng vòng ánh đèn, lát sau chúng mệt quá tự rớt xuống nằm chỏng chơ. Người dân chỉ việc lượm bỏ vào giỏ.
Với ve sầu, người bắt cũng chỉ cần mang theo chiếc đèn pin và chai nước muối. Ánh sáng đèn rọi tới đâu, người ta sẽ nhanh tay chụp lấy những con ve sữa chưa mọc đủ cánh để bay lên.
Để chế biến bọ rầy, người ta móc bỏ phần đít, moi ruột, đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng rồi để ráo. Cách ăn đơn giản nhất là đem chiên hoặc xào. Người cầu kỳ hơn sẽ dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn rồi ăn kèm với rau sống, đảm bảo ngon bá cháy!
Với ve sầu, các bà nội trợ chỉ cần đem chiên cũng đã là món ăn ngon khó cưỡng. Thời điểm này, những loại côn trùng đặc sản đã bắt đầu xuất hiện trong các bữa ăn của người dân. Khi mưa rộ, chúng sẽ được mang ra chợ và trở thành món hàng được các bà, các chị tìm mua để đãi gia đình.
Với những sắc thái độc đáo, Bảy Núi 2 mùa mưa - nắng luôn có sức hút riêng và tạo được dấu ấn sâu đậm cho những ai từng đặt chân đến vùng đất này. Và trong thời khắc giao mùa, vùng bán sơn địa vẫn biết cách làm cho người ta “say” bởi một chút nắng, một chút mưa và những mùa hoa tô điểm đất trời!
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin