Xây dựng chuỗi giá trị cây lúa kiểu "Ba Nhựt"

06:04, 25/04/2020

Một ngày đầu tháng 4/2020, chúng tôi ghé thăm nhà Ba Nhựt khi ông đang tất bật lo xay lúa giao cho khách. Căn nhà ngổn ngang với máy cày, máy bơm còn phía sau là chuồng bò, khu sấy lúa, nhà máy xay gạo... Ba Nhựt đang xây dựng chuỗi giá trị cây lúa theo cách riêng của mình giúp tăng giá trị gần 5 lần so với nông dân bán lúa tươi tại ruộng.

Một ngày đầu tháng 4/2020, chúng tôi ghé thăm nhà Ba Nhựt khi ông đang tất bật lo xay lúa giao cho khách. Căn nhà ngổn ngang với máy cày, máy bơm còn phía sau là chuồng bò, khu sấy lúa, nhà máy xay gạo... Ba Nhựt đang xây dựng chuỗi giá trị cây lúa theo cách riêng của mình giúp tăng giá trị gần 5 lần so với nông dân bán lúa tươi tại ruộng.

Nông dân Ba Nhựt bên cánh đồng lúa thảo dược. Ảnh: H.Phúc
Nông dân Ba Nhựt bên cánh đồng lúa thảo dược. Ảnh: H.Phúc

Xuất ngoại dạy trồng lúa

Ba Nhựt (tên thật Phạm Văn Nhựt, sinh năm 1963, ngụ ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) từ nhỏ đã quen với việc trồng lúa, nuôi trâu kéo cày.

Ông kể cuộc đời mấy chục năm làm ruộng, thành tỷ phú như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Năm 1984, cũng như nhiều thanh niên khác ở địa phương, Ba Nhựt hăng hái lên đường giúp nước bạn Campuchia. Hơn 3 năm sau, Ba Nhựt xuất ngũ về địa phương và bắt đầu cuộc mưu sinh của mình với nghề trồng lúa truyền thống của gia đình.

Ba Nhựt kể: “Khi xuất ngũ về, tôi cùng gia đình lo cất căn nhà khang trang ngoài đường lớn rồi tình nguyện ra đồng trồng trọt, chăn nuôi.

Là con trai duy nhất nhưng tôi không ở nhà mà xin cha cho ra đồng ở để quyết chí tự lập. Ban đầu vợ chồng phải ngủ chuồng trâu, trồng 3 công lúa để mưu sinh với bao vất vả của một nông dân”.

Được rèn luyện trong môi trường quân đội giúp cựu chiến binh Ba Nhựt tính nhẫn nại, cần cù, chịu khó trong việc đồng áng.

Ông quyết thay đổi tập quán sản xuất cũ bằng cách bán đàn trâu để mua chiếc máy cày đi cày thuê. Hiệu quả được nâng lên gấp nhiều lần so với dùng sức kéo của trâu đã giúp ông tích góp, mua thêm ruộng đất.

Năm 2010, Ba Nhựt tham gia lớp tập huấn về phục tráng, lai tạo giống lúa do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Khi có tay nghề, ông tiến hành phục tráng giống OC10 (giống lúa của địa phương đã thoái hóa), lai tạo một số giống lúa mới PM1, PM2 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương...

Đồng thời, tham gia câu lạc bộ những nông dân lai tạo giống lúa của các tỉnh trong khu vực để sưu tầm, nghiên cứu nhiều giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Một ngày giữa năm 2017, Ba Nhựt nhận được điện thoại của một công ty mời sang nước bạn Lào làm “chuyên gia” để dạy nông dân kỹ thuật trồng lúa với mức lương hơn 1.000 USD/tháng. Mãi đến sau này, ông cũng không ngờ rằng cuộc đời mình lại được đi xuất ngoại để dạy trồng lúa.

Sang nước bạn, Ba Nhựt mới khám phá ra hàng ngày người dân ăn bữa chính là gạo nếp thay gạo tẻ nấu cơm như bên xứ mình. Một lần được nông dân bên Lào dẫn đi ăn sáng với món bún làm từ bột gạo bị bở nên không ngon. Ba Nhựt phát hiện gạo tẻ bên đây rất hiếm nên “tài lanh” tiếp thị gạo ở quê mình khi xay ra làm bún, hủ tiếu rất ngon.

Nghe “chuyên gia” nói vậy nên người dân nhờ gửi một ít gạo để làm bún ăn thử. Thấy ngon nên họ đặt giống để trồng. Nhờ vậy, Ba Nhựt bán 3,5 tấn lúa giống OC10 cho nông dân. Đến nay, nông dân Lào vẫn sử dụng giống này để chuyên làm bún, hủ tiếu.

Khi về nước, Ba Nhựt vẫn là “chuyên gia” cho nông dân nước bạn qua điện thoại. Lâu lâu, có người phiên dịch điện thoại sang nhờ tư vấn kỹ thuật ông đều giúp với cả tấm lòng của mình.

Xây dựng chuỗi giá trị cây lúa

Ba Nhựt cho biết: “Khi Nhà nước phát động phong trào “Đồng khởi khởi nghiệp”, tôi muốn khởi nghiệp lắm nhưng không biết làm cách nào. Bởi vì mình trồng lúa cả đời cũng chỉ khá chứ chưa làm giàu được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận ra nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá quá thấp.

Vậy là tôi đầu tư máy sấy lúa, máy xay lúa để làm gạo bán ra thị trường nhằm được giá cao hơn. Sau đó, tôi quyết làm lúa sạch theo quy trình hữu cơ rồi đăng ký nhãn hiệu...”.

Cánh đồng lúa với giống chịu mặn của ông Ba Nhựt vẫn tươi tốt. Ảnh: Huỳnh Phúc
Cánh đồng lúa với giống chịu mặn của ông Ba Nhựt vẫn tươi tốt. Ảnh: Huỳnh Phúc

Quy trình làm chuỗi giá trị của Ba Nhựt theo kiểu nông dân đã khép kín gần như toàn bộ, không bỏ thứ gì từ cây lúa.

Khi thu hoạch lúa, phần rơm đem về nuôi 20 con bò lấy phân để trồng cỏ, trồng lúa; một phần gạo được nấu rượu lấy hèm cho bò ăn; trấu cung ứng cho cơ sở nuôi gà để đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân hữu cơ, phần cám thu được khi xay lúa sẽ bán để làm mỹ phẩm...

Ba Nhựt khoe: “Ngày xưa cám để cho heo ăn nhưng giờ đối với lúa thảo dược của tôi không có để bán. Mỗi ký cám tôi bán với giá 200 ngàn đồng để các công ty chế thành mỹ phẩm làm đẹp. Mọi thứ từ cây lúa tôi đều biến thành tiền”.

Mấy năm trước, Ba Nhựt có đứa cháu lao động bên Nhật Bản mang về tặng một bông lúa thảo dược màu tím. Thấy giống lúa lạ, ông tỉ mỉ nhân giống rồi đưa ra trồng đại trà.

Khi lúa làm ra, xay gạo nấu cơm ăn rất ngon nhưng bán chẳng ai mua vì lạ, màu tím. Đau đầu với đầu ra, ông liền nghĩ cách đem gạo gửi xét nghiệm các thành phần rồi đăng ký nhãn hiệu.

Đăng ký nhãn hiệu xong, Ba Nhựt liên kết với các nông dân khác để sản xuất với số lượng lớn rồi xay ra thành gạo, đóng gói để tiêu thụ khắp cả nước. Hiện tại, ông có hai nhãn hiệu mang tên mình là gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt được làm theo quy trình hữu cơ.

Đầu năm 2020, hầu hết những cánh đồng lúa ở địa phương mất trắng vì nước mặn. Vậy mà cánh đồng khảo nghiệm giống LH14 của Ba Nhựt vẫn trụ vững với năng suất 3 tấn/héc-ta khi nước mặn trên ruộng đã 6%o.

“Tôi chỉ trồng khảo nghiệm xem kết quả như thế nào. Nếu thất bại mình tôi chịu, còn thành công thì năm sau sẽ cùng bà con làm giống chịu mặn này” - Ba Nhựt khẳng định chắc nịch.

Những sản phẩm lúa sạch được ông bao tiêu với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Đến nay, đã có 4 cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội... ký hợp đồng tiêu thụ gạo thảo dược của ông với số lượng ổn định 8 tấn/tháng. Số còn lại ông hợp đồng với các thương lái, kênh bán hàng online... để giải quyết đầu ra cho nông dân.

Giá trị từ cây lúa được ông tận thu đã tăng gần 5 lần với bán lúa tươi ngay tại ruộng. Gạo thảo dược đem lên thành phố bán với giá khá cao nhưng nhiều người chọn mua vì sản xuất theo quy trình hữu cơ, tốt cho sức khỏe.

Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm Hồ Văn Trí cho biết: “Ông Nhựt là một trong những cựu chiến binh tiên phong khởi nghiệp của địa phương.

Mô hình sản xuất lúa thảo dược và các giống lúa khác theo tiêu chuẩn hữu cơ của ông đã được UBND xã Phong Nẫm đưa vào Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp”. Hiện nay, ông đã liên kết với những nông dân tại địa phương để bao tiêu sản phẩm rồi xay thành gạo, đóng gói bán ra thị trường”.

Nhãn hiệu gạo Ba Nhựt đã được xếp hạng đạt chuẩn 3 sao trong chương trình OCOP. Sắp tới, Ba Nhựt dự định sẽ liên kết với những nông dân là cựu chiến binh, nông dân có chí hướng làm lúa sạch để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ một nông dân chân đất, ông Ba Nhựt mơ ước sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị từ cây lúa và cùng nông dân làm giàu với thương hiệu mang tên Ba Nhựt.

Theo Thành Châu - Huỳnh Phúc/Báo Đồng Khởi

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh