Đến ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi nhà anh "Thành Thân Thiện" (Huỳnh Công Thành, 30 tuổi), hầu như ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường.
Đến ấp Đông Hòa, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi nhà anh "Thành Thân Thiện" (Huỳnh Công Thành, 30 tuổi), hầu như ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường.
Khi chúng tôi đến, anh Thành cùng nhóm thợ đã đến huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre để ráp máy lọc nước cho người dân.
Chế tạo máy lọc cho cha mẹ đỡ vất vả
Phải đến tối, anh Thành cùng nhóm thợ mới trở về nhà. Dù khá mệt mỏi sau một ngày đi Bến Tre ráp máy lọc, anh Thành vẫn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Nở nụ cười hiền lành anh kể lúc nhỏ, mỗi khi mùa nắng là hạn mặn, vườn sầu riêng của gia đình anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thấy cha mẹ vất vả xoay trở để có nước ngọt sử dụng và tưới tiêu, anh ao ước có được cái máy để có thể biến nước mặn thành nước ngọt.
Nghệ sĩ Đại Nghĩa tìm đến anh Thành (giữa) đặt mua máy lọc nước mặn thành nước ngọt để giúp dân vùng hạn, mặn. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ vào Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, chuyên ngành xử lý nước thải. Ra trường, anh Thành đi làm nhưng vẫn luôn đau đáu nghĩ đến việc phải sáng chế máy lọc nước mặn thành nước ngọt để sử dụng tưới vườn sầu riêng cho cha mẹ đỡ vất vả nhưng công việc ở công ty cứ cuốn lấy anh.
Năm nay về nhà, nhận thấy hạn, mặn nghiêm trọng, anh quyết tâm bỏ ra nhiều ngày mày mò nghiên cứu từ sách vở, mạng internet. Cuối cùng anh cũng chế tạo thành công chiếc máy lọc nước mặn thành nước ngọt với công suất 1 giờ lọc được 500 lít, đủ tưới cho vườn sầu riêng của gia đình.
Hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt do anh Thành sáng chế. Ảnh: MINH SƠN |
Biết tin, người dân trong xóm đến tìm hiểu và đặt hàng, không nỡ để bà con "bó tay" ngồi nhìn nước mặn ngày ngày làm chết cây sầu riêng, anh Thành quyết định tìm thêm công nhân chế tạo máy giúp bà con. Từ đó, cứ vài ngày, một chiếc máy lọc ra đời giúp người dân trong vùng lọc nước mặn thành nước ngọt cứu vườn sầu riêng…
Vui khi bà con có nước ngọt dùng
Tiếng lành đồn xa, rất nhiều người tìm đến tham quan. Có người ở Bến Tre, Cà Mau… cũng đến hỏi cách thức chế tạo máy lọc nước. "Từ ngày chế tạo thành công máy lọc nước đến nay, tôi và nhóm thợ đã lắp hơn 60 chiếc cho bà con vùng hạn, mặn.
Nhiều nhất là giới nghệ sĩ đến đặt máy để làm từ thiện cho bà con. Có khi đi lắp máy cả ngày lẫn đêm, mệt lắm nhưng khi máy phát lên lọc nước mặn thành nước ngọt cho bà con sử dụng, tự nhiên thấy vui và khỏe hẳn" - anh Thành chia sẻ.
Nói thêm về máy lọc nước mặn thành nước ngọt, anh Thành cho biết hệ thống lọc gồm 2 bồn chứa nước đầu vào khoảng 3.000 - 4.000 lít, 1 bồn chứa nước đầu ra 1.000 lít, màng thẩm thấu và một số linh kiện khác… Tùy vào độ mặn của nước đầu vào mà mỗi giờ máy cho ra từ 300-500 lít nước ngọt.
"Cơ chế của nó là hút nước từ sông, giếng và tùy thuộc độ mặn của nước mà xử lý. Ví dụ lấy nước từ sông, bơm qua bồn lọc thô, 2 màng lọc tinh, bơm nén qua màng RO.
Độ mặn khoảng 5 phần ngàn, nước ngọt lọc ra được 500 lít/giờ. Nếu độ mặn cao hơn, mỗi giờ cho ra 300-400 lít nước ngọt. Hiện một chiếc máy lọc sau khi chế tạo, lắp đặt, tùy theo công suất mà chi phí từ 40-70 triệu đồng" - anh Thành cho biết.
Ông Huỳnh Hữu Văn Tốt (ngụ xã Long Trung, huyện Cai Lậy) cho biết cả vườn sầu riêng của ông héo từng ngày vì nước nhiễm mặn. Nghe tin anh Thành sáng chế thành công máy lọc nước, ông Tốt tìm đến đặt hàng 1 cái, tưới được 6 ngày thì cây mướt lại.
"Thành gắn máy này quá tốt, tôi lấy từ nước nhiễm mặn lọc xong tưới luôn, không phải qua công đoạn nào. Lọc trung bình một ngày đêm đủ tưới cho 3,5 công sầu riêng. Không có máy lọc là chết cả vườn sầu riêng của tôi rồi" - ông Tốt vui mừng nói.
Còn anh Trần Minh Hùng (ngụ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) kể gần như cả xóm không có nước tắm rửa vì hạn, mặn.
Tội nhất là trẻ nhỏ không chịu nổi khi phải tắm bằng nước mặn. Sau khi lắp máy của anh Thành sáng chế ra, anh Hùng lấy nước mặn ngoài sông rồi lọc trực tiếp ra nước ngọt cho cả xóm cùng dùng.
Theo MINH SƠN (Người Lao Động)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin