Hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đến sớm đã phá vỡ những quy tắc thông thường của các mùa vụ, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm ngàn hộ dân vừa thiệt hại về sản xuất, vừa phải chịu cảnh thiếu trầm trọng nước ngọt sinh hoạt .
Hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đến sớm đã phá vỡ những quy tắc thông thường của các mùa vụ, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm ngàn hộ dân vừa thiệt hại về sản xuất, vừa phải chịu cảnh thiếu trầm trọng nước ngọt sinh hoạt .
Ông Lê Hoàng Dân xót xa nhìn đồng lúa bị cháy vàng, thiệt hại gần như toàn bộ vì hạn, mặn xâm nhập sớm. |
Lúa non cháy vàng, sầu riêng rụng trái
Tại khu hạ nguồn của ba nhánh sông Mekong (gồm sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên), thì tỉnh Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng sớm và nặng nề nhất của tình trạng nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng. Nhiều hộ dân dù có kinh nghiệm "sống chung cùng hạn mặn" để trồng lúa hàng chục năm vẫn phải bất lực trước tình trạng hạn mặn xâm nhập sớm và kéo dài như hiện nay.
Gắn bó với cây lúa hơn 60 năm nay, nắm rõ quy luật của thiên nhiên, nhưng giờ đây mọi kinh nghiệm mà ông Lê Hoàng Dân và nhiều bà con ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri (Bến Tre) có, cũng không thể giúp ích gì.
"Thông thường thì ăn tết xong mới xuất hiện nước mặn xâm nhập vô đồng ruộng, nhưng từ cuối tháng 11 năm ngoái, nước mặn đã tràn về, đúng vào thời điểm 6 công lúa của nhà tôi đang chuẩn bị làm đòng. Cuối cùng, lúa bị cháy vàng, mất năng suất 100%, gia đình tôi thiệt hại khoảng 12 triệu đồng trong vụ Đông Xuân này", ông Lê Hoàng Dân cho biết.
Nhiều bà con nông dân ra đồng tranh thủ vớt vát ít lúa cháy về làm thức ăn cho bò. |
“Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục của các tỉnh miền Tây, 100 năm mới lặp lại một lần, thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục về hạn mặn được xác lập trước đó. Xâm nhập mặn đến sớm hơn và kéo dài 4 tháng chưa chịu rút đi (những năm trước hạn mặn chỉ kéo dài 2-3 tháng rồi bớt dần), mà độ mặn cũng cao gấp 2 lần so với thời điểm năm 2016…”, ông Dân chia sẻ tiếp.
Các kênh rạch dẫn nước vào nội đồng ở miền Tây đều bị nhiễm mặn khiến cây cỏ hai bên dòng kênh cũng chết cháy. |
Ông Lê Văn Đoản, Chủ tịch UBND xã Mỹ Nhân, huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết, những ngày qua, hạn hán nặng nên mặn xâm nhập toàn bộ diện tích trồng lúa của xã, khiến nhiều hộ dân trồng lúa rơi vào cảnh mất trắng. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước ngọt đã đe dọa đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân. Nguồn nước máy tại xã hiện đã bị nhiễm mặn 5-7‰, không thể tắm giặt và người dân bắt buộc phải đi mua nước ngọt từ nơi khác về với giá cao, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3, dù giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3.
Tại Cai Lậy (Tiền Giang), thủ phủ trồng sầu riêng của các tỉnh miền Tây, nông dân cũng điêu đứng vì sầu riêng bị nhiễm mặn nên quả bị rụng sớm. |
Tình trạng hạn mặn không chỉ gây thiệt hại cho cây lúa, mà tại vùng chuyên canh cây sầu riêng lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, nhiều diện tích cây sầu riêng đã bị khô héo, rụng trái… gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho nhà vườn.
Về huyện Cai Lậy, vùng chuyên canh sầu riêng của tỉnh Tiền Giang, không khó để bắt gặp những vườn sầu riêng hàng chục năm tuổi đang rụng lá do thiếu nước tưới và bị xâm nhập mặn. |
Chị Dương Thị Trúc Mai, nhà vườn chuyên canh sầu riêng tại huyện Cai Lậy, cho biết: "Đầu tháng 12/2019, chúng tôi cùng nhiều nhà vườn đang tập trung tưới nước, xử lý cho cây sầu riêng ra bông, phục vụ thị trường tết thì thấy gió chướng thổi rất mạnh, khiến hoa sầu riêng bị rụng. Sau đó, mấy ngày, tôi giật mình khi nước trong các mương vườn độ mặn đã lên đến 4-5‰, không thể tưới tiêu gì cho cây sầu riêng được nữa. Đây là hiện tượng rất lạ, ngay cả những bậc cao niên cũng nói chưa năm nào nước mặn lại lên sớm và nhanh khủng khiếp đến vậy".
Mỗi tháng chị Mai phải bỏ ra 12 triệu đồng mua nước ngọt tưới cho cây sầu riêng nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nước khiến cây bị rụng trái. |
Với kinh nghiệm trồng sầu riêng hàng chục năm, 150 gốc sầu riêng nhà chị đã hơn 10 năm tuổi, trung bình mỗi cây sau 1 năm cho thu hoạch từ 100 -150 triệu đồng. Từ sau Tết đến nay, xâm nhập mặn khiến sầu riêng bị rụng lá, rụng quả, thậm chí phải chặt bỏ cây nên dự báo mùa sầu riêng năm nay nhà chị Mai sẽ bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể mỗi tuần, vườn nhà chị Mai phải mất thêm 3 triệu đồng để mua nước ngọt tưới cho 1,7 công sầu riêng.
"Tính trung bình một tháng nhà tôi phải mất 12 triệu đồng tiền mua nước tưới cho sầu riêng, 4 tháng nay gia đình đã mất trắng gần 50 triệu tiền mua nước. Nếu tình trạng hạn mặn còn kéo dài, cuộc sống của cả gia đình sẽ rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn", chị Mai nói.
Hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn, mặn
Song song với tình trạng hạn mặn xâm nhập, người dân các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… cũng đang rơi vào cảnh khan hiếm nước ngọt dùng cho sinh hoạt. Điều này đã diễn ra từ sau Tết Nguyên đán 2020 và đến nay đã quá sức chịu đựng của người dân.
Người dân ở các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tất cả các lu chứa nước dự trữ của người dân đã khô đáy từ lâu nên phải mua nước ngọt với giá cao từ sau Tết đến nay. |
Tại Bến Tre, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 57.000 hộ với 205.000 người dân sống xa nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, khu vực cù lao, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh do hết nguồn dự trữ. Ngoài ra, trên 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân mất trắng, khoảng 20.000 ha cây ăn trái, hơn 72.000 ha dừa, gần 1.500 ha rau màu, hơn 100.000 cây giống, hoa kiểng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng.
Hiện nay, độ mặn ở các kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức báo động từ 4 - 11‰. Mức cao kỉ lục so với từ trước đến nay và cao hơn cả thời điểm hạn mặn kỷ lục của năm 2016. |
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình hạn mặn hiện nay vô cùng khốc liệt. Hạn mặn xảy ra với thời gian kéo dài, độ mặn cao hơn đợt thiên tai mùa khô năm 2016. Để phòng chống hạn mặn xâm nhập, từ những ngày từ trước Tết 2020, một số người dân cũng có sự chuẩn bị như trữ nước mưa trong các lu hồ, mương vườn nhưng tình trạng thiếu nước ngọt vẫn đang diễn ra khá nghiêm trọng. Hiện nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các đô thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống nhà máy của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre đều đã nhiễm mặn trên 2‰ từ Tết đến nay.
Nhiều nông dân đã đào ao dự trữ nước ngọt từ sớm nên hiện nay vẫn còn nước ngọt để sử dụng. |
Trước tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cung cấp nước ngọt phục vụ đời sống, sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô. Đặc biệt, trong những ngày qua, nhờ có sự chung tay, góp sức từ các ngành, các cấp, các đơn vị hữu quan và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhiều nơi cũng đã được cung cấp nước ngọt để dùng.
Gần 3.500 hộ với gần 18.000 nhân khẩu ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Người dân phải dùng can nhựa, xếp hàng chờ lấy nước từ các xe nước ở TP Hồ Chí Minh mang về cứu trợ. |
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng đã trích Quỹ cứu trợ 1 tỷ đồng để trang bị 1.000 bồn chứa nước tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; đồng thời cũng đã vận động Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn hỗ trợ 280 m3 nước sạch, Công ty nước uống tinh khiết Sài Gòn (Sapuwa) hỗ trợ 2.000 bình nước tinh khiết (loại 5 lít), Hội Doanh nghiệp trẻ Trung ương hỗ trợ 6.100 bình nước tinh khiết (loại 20 lít) và sự hỗ trợ tàu vận chuyển của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân để mang nước sạch đến cho nhân dân huyện Thạnh Phú. Mới đây, Bộ Nông nghiệp cũng đã trao tặng 500 thiết bị trữ nước chất lượng cao cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh để trữ nước sạch, phục vụ ăn uống, sinh hoạt trước đợt hạn mặn nghiêm trọng mùa khô năm 2020.
Theo Mạnh Linh - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin