Cần những "cú hích" mới cho làng nghề truyền thống

10:04, 26/04/2020

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều chính sách đầu tư đồng bộ trong việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Từ đó giúp làng nghề truyền thống của địa phương có nhiều đột phá mới trong sản xuất kinh doanh, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn...

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều chính sách đầu tư đồng bộ trong việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Từ đó giúp làng nghề truyền thống của địa phương có nhiều đột phá mới trong sản xuất kinh doanh, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn...

Trồng hoa kiểng kết hợp với du lịch giúp nông dân Sa Đéc tăng thu nhập
Trồng hoa kiểng kết hợp với du lịch giúp nông dân Sa Đéc tăng thu nhập

Làng nghề truyền thống “chuyển mình” nhờ du lịch

Năm 2015, khi tỉnh bắt tay triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020, ngành “công nghiệp không khói” này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho kinh tế tỉnh nhà. Bên cạnh đó, du lịch còn là “đòn bẩy” giúp làng nghề truyền thống của địa phương đang đứng trước bờ vực mai một có cơ hội “thay da đổi thịt”.

Với những chính sách đầu tư đồng bộ về hạ tầng, giao thông, đào tạo nguồn nhân lực từ Đề án phát triển du lịch và nhiều chương trình đầu tư trọng điểm khác của tỉnh đã tạo điều kiện đưa Làng hoa Sa Đéc trở thành vựa hoa kiểng lớn nhất, nhì miền Tây. Đây còn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề trồng hoa kiểng, năm 2018, ông Trần Hữu Tài ngụ phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây đài ngắm hoa tại trung tâm Làng hoa Sa Đéc.

Đây được xem là trường hợp điển hình của nông dân ở Làng hoa Sa Đéc dám mạnh dạn thay đổi tư duy, tạo đột phá mới cho làng nghề truyền thống.

Ông Trần Hữu Tài trải lòng: “Ban đầu, khi địa phương vận động làm du lịch, tôi cũng rất e dè, bởi chi phí đầu tư phát triển du lịch khá lớn. Tuy nhiên, sau thời gian quan sát, tôi nhận thấy tiềm năng kinh tế từ du lịch tại Làng hoa Sa Đéc rất lớn.

Vì vậy, năm 2018, tôi đầu tư xây dựng đài ngắm hoa và thiết kế lại vườn hoa kiểng đưa vào khai thác du lịch. Qua 2 năm thực hiện, tôi nhận thấy mô hình kinh tế này là hướng đi triển vọng, giúp nông dân tăng thu nhập gấp nhiều lần so với việc chỉ trồng hoa kiểng đơn thuần như trước đây”.

Nhận thấy được tiềm năng và cơ hội từ hoạt động du lịch, nhiều nông dân Làng hoa Sa Đéc còn đầu tư xây dựng homestay, nhà hàng, khu vui chơi... để phục vụ du khách.

Làng dệt choàng Long Khánh A, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cũng là một trong những trường hợp “phất lên” nhờ phát triển sản phẩm phục vụ cho ngành du lịch. Khoảng thời gian từ năm 2000 -2012, khi nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, những chiếc khăn choàng của làng nghề dệt choàng Long Khánh A không còn được thị trường ưa chuộng. Từ đó, kinh tế của các hộ dân làm nghề dệt choàng gặp nhiều khó khăn.

Trước bối cảnh đó, với sự gợi mở ý tưởng của lãnh đạo tỉnh về việc phát triển khăn choàng thành sản phẩm quà tặng, phục vụ du lịch đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ dân ở làng nghề hướng đi mới, vực dậy làng nghề truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Kim Chiều ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự - một trong những hộ sản xuất có nhiều năm gắn bó với nghề dệt choàng tâm sự: “Được lãnh đạo tỉnh gợi mở ý tưởng phát triển khăn choàng thành sản phẩm quà tặng phục vụ cho du lịch, gia đình tôi và bà con ở đây mừng lắm.

Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ máy móc, tư vấn thiết kế bao bì, ngành công thương còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm khăn choàng tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đây thật sự là cơ hội quý giá giúp làng nghề dệt choàng truyền thống “thay da đổi thịt”.

Hiện tại, ngoài duy trì sản xuất sản phẩm khăn choàng truyền thống, khăn choàng làm quà tặng, bà con làng nghề còn sáng tạo, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới từ chất liệu khăn choàng của Long Khánh A như: túi xách, nón, cà vạt...

Trung bình mỗi năm, làng nghề dệt choàng Long Khánh A cung cấp cho thị trường gần 1,5 triệu chiếc khăn các loại. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và Vương quốc Campuchia.

 Sản phẩm khăn choàng quà tặng được khách du lịch trong và ngoài nước rất ưa chuộng
Sản phẩm khăn choàng quà tặng được khách du lịch trong và ngoài nước rất ưa chuộng

Cần những “cú hích” mới để giữ lửa cho làng nghề truyền thống

Du lịch được xem là “đòn bẩy” giúp các làng nghề truyền thống phát triển nhưng để tồn tại và phát triển bền vững thì làng nghề truyền thống phải tạo thêm nhiều đột phá mới.

Theo đánh giá UBND tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân khiến cho nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế là do hoạt động tại các làng nghề chủ yếu dựa trên “kinh nghiệm cha truyền con nối”.

Điều này gây không ít khó khăn trong công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động tại đây.

Mặt khác, các cơ sở thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của làng nghề.

Hiện nay, các chủ cơ sở ngành nghề nông thôn phần lớn là kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu liên kết chặt chẽ với nhau, sản phẩm tiêu thụ theo thời vụ.

Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã, khả năng xúc tiến thương mại, sản phẩm không mang lợi nhuận cao...

Tuy đối diện với không ít khó khăn nhưng cũng có không ít cách làm hay, sáng tạo giúp làng nghề tiếp tục phát triển. Đáng chú ý là cuối năm 2018, sau thời gian dài nghiên cứu, nhóm tác giả của Trung tâm Y tế TP.Sa Đéc tìm ra một chất trợ lắng mới trong sản xuất bột gạo có tên là Carrageenan.

Chất trợ lắng này bước đầu giúp người sản xuất giải quyết bài toán khó về kiểm soát kim loại nặng trong sản xuất bột.

Giải pháp mấu chốt này giúp cho sản phẩm bột gạo truyền thống của làng bột Sa Đéc thuận lợi vượt qua những hàng rào kỹ thuật khắt khe của các nước nhập khẩu khó tính như: Nhật Bản; các nước thuộc Liên minh Châu Âu...

Ông Nguyễn Văn Nương - chủ Cơ sở sản xuất bột Tư Nương, TP.Sa Đéc tâm sự: “Chất trợ lắng Carrageenan mang đến hi vọng mới cho người dân làng bột về triển vọng xuất khẩu. Ngay cả tại thị trường nội địa, người tiêu dùng đánh giá cao về bước tiến mới của chất lượng bột Sa Đéc”.

Khách du lịch tham quan Homestay Ngôi Nhà Tre
Khách du lịch tham quan Homestay Ngôi Nhà Tre

Với ý tưởng ứng dụng thương mại điện tử trong phát triển du lịch, một người dân ở Làng hoa Sa Đéc thu hút được số lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng tại khu du lịch của riêng mình.

Bí quyết thành công của nông dân này chính là tận dụng tối đa vốn ngoại ngữ sẵn có và chia sẻ các thông tin và hình ảnh thật nhất về Homestay Ngôi Nhà Tre của mình lên trang web đặt phòng trực tuyến Agoda, đang được sử dụng tại nhiều quốc gia.

Ông Huỳnh Trịnh Quốc Phong – chủ Homestay Ngôi Nhà Tre (phường Tân Qui Đông, TP.Sa Đéc) cho biết: “Ngoài việc đi du lịch theo đoàn lớn thì phần nhiều khách du lịch phương Tây có thói quen đi riêng lẻ từng nhóm nhỏ để thuận lợi cho việc khám phá.

Những nhóm này, họ thường lựa chọn đặt phòng và ăn uống tại các trang web đặt phòng trực tuyến lớn và uy tín. Đây là điểm mấu chốt mà tôi lựa chọn tiếp cận khách hàng của mình thông qua kênh thương mại điện tử thay vì các kênh truyền thống khác”.

Có thể thấy, để vực dậy các làng nghề truyền thống không chỉ có sự hỗ trợ của Nhà nước mà còn có trách nhiệm của mỗi cá thể trong làng nghề. Thông qua sáng kiến của từng cá nhân có thể mang đến những đột phá mới cho các làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, ngoài tăng cường ứng dụng các giải pháp về khoa học công nghệ để nâng chất lượng cho sản phẩm thì việc đoàn kết, cùng phát huy sức mạnh nội tại của từng làng nghề là điều quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay...

Theo MỸ LÝ/Báo Đồng Tháp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh