Bến Tre: Người dân ứng phó hạn mặn

02:04, 18/04/2020

Theo UBND tỉnh Bến Tre đánh giá: "Một dấu hiệu rất đáng mừng là người dân đã tích cực, chủ động trong việc ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô". 

Theo UBND tỉnh Bến Tre đánh giá: “Một dấu hiệu rất đáng mừng là người dân đã tích cực, chủ động trong việc ứng phó hạn mặn ngay từ đầu mùa khô”. 

Theo đó, người dân chủ động chuẩn bị, túi ny lông, bạt lót trong mương vườn để trữ nước ngọt. Thiết lập các nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook để chia sẻ thông tin, tình hình nguồn nước, độ mặn…

Đắp đập tạm, bờ bao ngăn mặn cục bộ để bảo vệ sản xuất của hộ gia đình. Nâng cao cảnh giác trong việc đo kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng. Sử dụng phương tiện sẵn có như xà lan, ghe, xe… để vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã tích cực hỗ trợ người dân ứng phó hạn mặn, như triển khai đo độ mặn trong nội đồng, hỗ trợ máy đo độ mặn tại xã để kiểm tra mẫu nước tưới của người dân.

Chẳng hạn, tại khu vực sản xuất cây giống, hoa kiểng tập trung huyện Chợ Lách, lãnh đạo địa phương xác định đây là đối tượng chịu mặn kém và cần nhiều nước tưới nên đã tính phương án tổ chức vận chuyển nước từ nơi không bị xâm nhập mặn như khu vực đầu nguồn giáp tỉnh Vĩnh Long để lấy nước; huy động mọi phương tiện để vận chuyển nước tưới…

UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, cùng với ý thức chủ động của người dân, các giải pháp công trình đã phát huy hiệu quả góp phần hạn chế thiệt hại cho người dân.

Cũng như nhiều tỉnh ở ĐBSCL, tình hình xâm nhập mặn năm 2019- 2020 ở Bến Tre được nhận định xuất hiện sớm, diễn biến bất thường và xâm nhập sâu hơn so với trung bình nhiều năm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn trong phục vụ nước sinh hoạt cho người dân do nguồn nước nhiễm mặn, từ tháng 2/2020, trên các sông chính Hàm Luông, Cửa Đại đã không còn nước ngọt để lấy.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh