Khô-mặn tiếp diễn "khốc liệt:" Hơn 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

05:03, 01/03/2020

Trong đợt khô hạn và xâm nhập mặn này, một số thời điểm được nhận định còn khốc liệt hơn cả đợt khô-mặn lịch sử từng diễn ra vào năm 2015-2016. Đến nay, đã có hơn 80.000 hộ dân ở Nam Bộ thiếu nước.

Trong đợt khô hạn và xâm nhập mặn này, một số thời điểm được nhận định còn khốc liệt hơn cả đợt khô-mặn lịch sử từng diễn ra vào năm 2015-2016. Đến nay, đã có hơn 80.000 hộ dân ở Nam Bộ thiếu nước.

Hạn, mặn đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Hạn, mặn đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Tính đến giữa tháng 2/2020, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến hơn 80.000 hộ dân Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt. Theo nhận định của giới chuyên gia, trong đợt khô hạn và xâm nhập mặn (khô-mặn) này, một số thời điểm thậm chí còn khốc liệt hơn cả đợt khô-mặn lịch sử từng diễn ra vào năm 2015-2016.

Thiếu hụt nước ngọt, gia tăng độ mặn

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết hiện nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-50% so với trung bình nhiều năm.

Riêng hạ lưu sông Lô và sông Thao thiếu hụt từ 60-90%, đặc biệt thiếu hụt tại một số nơi ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang.

Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, nguồn nước trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-60%, một số sông thiếu hụt trên 75% như trên sông Cả (Nghệ An), sông Ba (Phú Yên), sông Dinh (Ninh Thuận).

Đáng chú ý nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Qua theo dõi, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong đổ về trong các tháng đầu năm thấp hơn từ 20-45% và trong nửa cuối tháng 2-3/2020 ở mức thiếu hụt so với năm 2016 từ 5-20%. Tình hình xâm nhập mặn cũng đến sớm và sâu hơn so với cùng kỳ năm 2015-2016.

Chỉ riêng 2 tháng đầu năm (tháng 1 và tháng 2/2020), xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện ở mức cao trong các đợt triều cường. Độ mặn tại hạ lưu sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ ở tương đương và cao hơn cùng kỳ năm 2015-2016, tại sông Cái Lớn ở mức xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ năm 2015-2016.

Nhận định xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo từ tháng 3-8/2020, nguồn nước trên các sông suối ở Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%, nhất là lưu vực các sông Đà, Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng.

Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, từ tháng 3-5/2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuống dần, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25-75%, một số sông thiếu hụt trên 90%.

Bản đồ dự báo xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bản đồ dự báo xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3/2020.

Đặc biệt là thời kỳ từ 11-15/3, xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 2/2020 và cùng kỳ tháng 3 năm 2016, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập, sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Về hiện trạng nguồn nước và việc vận hành các hồ chứa trên các lưu vực sông, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết nhiều hồ chứa, nhất là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn không nhiều, chỉ từ 40-75% tùy từng hồ, có hồ chứa chỉ tích được khoảng 20%.

Các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ cũng chỉ tích được 70-80%, nhiều hồ chỉ đạt 40-50%. Do đó, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, nhất là từ tháng 4,5 tới rất cao.

Hiện nay, lưu vực có mức độ căng thẳng và có nguy cơ thiếu nước là sông Mã và Vu Gia, đặc biệt là Vu Gia mặc dù mực nước các hồ xấp xỉ mực nước yêu cầu tối thiểu.

Lưu lượng về các hồ từ đầu tháng 2 đến nay là rất thấp như: A Vương (từ 8-10m3/s), sông Bung 4 (15-25m3/s), ĐăkMi 4 (từ 10-23m3/s). Tổng lượng nước điều tiết còn lại của nhánh sông Vu Gia còn khoảng 470 triệu m3…

Với các tỉnh Nam Bộ, "trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn," ông Vĩnh nhấn mạnh.

Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo

Trước tỉnh hình hán-mặn nêu trên, tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ về hiện trạng tài nguyên nước trên toàn quốc diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã đề nghị Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam thường xuyên cập nhật số liệu và tiếp tục thông báo những thông tin sát với tình hình thực tế hơn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được nhận định kéo dài hơn và trầm trọng hơn. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được nhận định kéo dài hơn và trầm trọng hơn. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, ông Thành yêu cầu Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục cung cấp thông tin thực tiễn, lưu ý cấp độ rủi ro thiên tai phải cộng với tình hình địa bàn đó.

Cục Quản lý tài nguyên nước thông qua các Sở Tài nguyên và Môi trường nắm bắt khu vực nóng và gay cấn về tình hình nước sinh hoạt của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thảo luận, đề xuất phương án tốt nhất để triển khai.

Ngoài ra, ông Thành cũng đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì các đơn vị phối hợp bản tin cảnh báo tài nguyên nước tại Trung Bộ và Tây Nguyên, để có thông tin khuyến cáo cho các tỉnh; nắm bắt khu vực nóng và gay cấn về tình hình nước sinh hoạt của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 “Các nhà khoa học đã đánh giá hạn mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Vì vậy, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đồi khí hậu lập báo cáo sự thay đổi tần suất xảy ra hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa ra khuyến cáo với Chính phủ về việc trữ nước tại khu vực này,” ông Thành nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục Khí tượng thủy văn tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán. Cùng với đó, chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; dần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương./.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh