Với sự chịu khó học hỏi, tiếp cận khoa học - kỹ thuật nên nông dân An Giang đã có bước tiến mới về tư duy sản xuất và trình độ canh tác. Tuy nhiên, để họ có thể nâng cao thu nhập và trở thành hộ khá, giàu thì cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc tiếp cận thị trường một cách đa dạng hơn.
Với sự chịu khó học hỏi, tiếp cận khoa học - kỹ thuật nên nông dân An Giang đã có bước tiến mới về tư duy sản xuất và trình độ canh tác. Tuy nhiên, để họ có thể nâng cao thu nhập và trở thành hộ khá, giàu thì cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc tiếp cận thị trường một cách đa dạng hơn.
Nông dân An Giang đã mạnh dạn áp dụng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Tư duy làm ăn tập thể
Ông Nguyễn Văn Thẳng (nông dân xã Khánh Hòa, Châu Phú) đã tham gia tổ hợp tác (THT) sản xuất nhãn xuồng của địa phương hơn 1 năm nay. Với ông Thẳng, việc tham gia THT là nhu cầu tất yếu khi người nông dân không thể cứ “tự trồng, tự bán” ra thị trường trước nhu cầu ngày càng “khắt khe” của người mua.
Do đó, khi Hội Nông dân xã Khánh Hòa đứng ra vận động, ông Thẳng đã mạnh dạn tham gia THT. Ông Thẳng biết rằng, mảnh đất dưới chân mình hoàn toàn có thể giúp cho cây nhãn xuồng phát triển tốt, cho nhiều trái và phẩm chất thơm ngon.
Ban đầu, THT trồng nhãn xuồng xã Khánh Hòa chưa có nhiều người tham gia, nhưng hiện nay đã thu hút 25 thành viên cùng tham gia trên diện tích canh tác 19ha.
Bằng việc áp dụng tốt kỹ thuật canh tác của ngành chuyên môn và sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, các thành viên trong THT có thể giúp cây nhãn xuồng đạt năng suất 7 tấn/ha, với giá bán đầu vụ đạt mức 45.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được trên 210 triệu đồng/ha.
Với kết quả đó, ông Thẳng và các thành viên trong THT rất phấn khởi. Họ tích cực tham gia học tập các lớp hướng dẫn kỹ thuật làm vườn và chăm sóc cây để tích lũy thêm kinh nghiệm, đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn mà thị trường đang rất cần.
Với ông Thẳng, việc được hướng dẫn, tạo điều kiện để đăng ký logo thương hiệu nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa là niềm vui rất lớn.
Bởi ông Thẳng hiểu rằng, chỉ có tham gia vào mô hình kinh tế hợp tác và bán nhãn xuồng theo kiểu bao tiêu sản phẩm thì mới đảm bảo lợi nhuận ổn định, tránh sự “chèn ép” trên thị trường.
Rõ ràng, tư duy của ông Thẳng và các thành viên trong THT khá phù hợp với xu thế phát triển như hiện nay. Nếu không có sự liên kết, nông dân sẽ phải lệ thuộc thị trường rất nhiều.
Vì vậy, ông Thẳng đề xuất các cấp, ngành, nhất là Hội Nông dân tạo điều kiện, hỗ trợ để nâng THT sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa thành hợp tác xã trong tương lai.
Trên cơ sở đó, ông Thẳng và các thành viên khác sẽ có điều kiện đưa những trái nhãn do chính bàn tay mình trồng vươn ra những thị trường xa hơn và nâng cao được lợi nhuận.
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Không có điều kiện làm ăn tập thể nhưng ông Ngô Văn Đậu (nông dân xã Phú Thành, Phú Tân) đã mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá tra.
Nhờ quá trình tiếp cận với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ông Đậu đã nâng cao được lợi nhuận từ mô hình nuôi cá của mình.
Hiện nay, gia đình ông Đậu thu nhập bình quân 1 - 2 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập, khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Khi điều kiện kinh tế gia đình khá giả hơn, ông Đậu tích cực tham gia vào phong trào an sinh xã hội tại địa phương. Thời gian qua, ông Đậu đã đóng góp tích cực vào việc cất cầu, làm đường và tự mua xe cứu thương để phục vụ nhu cầu chuyển bệnh cho người nghèo tại địa phương.
Ông Đậu cho rằng, người nông dân tuy phải vất vả “một nắng, hai sương”, tần tảo nhưng thu nhập từ cây lúa không thể giúp họ khá hơn.
Do đó, ông và những nông dân khác mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, chịu khó học tập, tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là cách làm ăn mới để áp dụng tốt vào quy trình sản xuất nông nghiệp của mình.
Ngoài ra, còn thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nắm bắt được xu thế thay đổi của thị trường, từ đó tập trung sản xuất đúng định hướng, nhu cầu của thị trường nhằm mang lại giá trị cao cho nông sản của mình.
Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi của ông Đậu đang đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình thời tiết, chi phí thức ăn và giá cá tra trên thị trường chưa ổn định. Do đó, ông Đậu mong mỏi các cơ quan và ngành chức năng có cơ chế giúp ổn định chi phí thức ăn chăn nuôi và kết nối đầu ra để nông dân có thể làm giàu bền vững từ việc chăn nuôi, thoát dần sự lệ thuộc vào cây lúa.
Với những đổi mới về mặt nhận thức, có thể thấy nông dân An Giang thời nay đã có thể bắt kịp với xu hướng của xã hội, để từ đó thực hiện những mô hình hiệu quả, vươn lên làm giàu từ sự cần cù của mình.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành và tổ chức Hội Nông dân cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để người nông dân phát huy tính sáng tạo của mình, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo THANH TIẾN/TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin