Nghề gác kèo ong

11:02, 06/02/2020

Cùng với nghề muối ba khía của vùng nước mặn, nghề gác kèo ong của người dân U Minh vừa được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là văn hoá phi vật thể. Hoà với niềm vui chung ấy, người dân càng thêm gắn bó với nghề hơn, bởi đây không chỉ là nghề truyền thống mà còn là nguồn sống đã và đang nuôi sống nhiều thế hệ người dân gắn bó với đồng đất U Minh này.

Cùng với nghề muối ba khía của vùng nước mặn, nghề gác kèo ong của người dân U Minh vừa được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là văn hoá phi vật thể. Hoà với niềm vui chung ấy, người dân càng thêm gắn bó với nghề hơn, bởi đây không chỉ là nghề truyền thống mà còn là nguồn sống đã và đang nuôi sống nhiều thế hệ người dân gắn bó với đồng đất U Minh này.

Anh Trương Hữu Nghĩa chuẩn bị công đoạn tô sáp lên kèo.
Anh Trương Hữu Nghĩa chuẩn bị công đoạn tô sáp lên kèo.

Anh Trương Hữu Nghĩa, ngụ ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, hơn 40 tuổi đời nhưng anh có thâm niên gần 30 năm làm nghề gác kèo ong tại vùng giáp ranh lâm phần rừng U Minh Hạ này.

Có hơn 5 ha đất rừng, gia đình 3 thế hệ của anh Nghĩa chủ yếu sống bằng nghề gác kèo ong. Anh được xem là người có thâm niên, cũng như số lượng kèo gác nhiều nhất khu vực vùng đệm này, với hơn 100 kèo.

Anh Nghĩa có nhiều bí quyết riêng để thu hút ong mật về với kèo gác của mình và việc lựa chọn vật liệu làm kèo cũng không ngoại lệ, không phải loại cây nào làm kèo cũng thu hút ong về nhiều được. Qua nhiều năm làm nghề đúc kết được, người thợ có thâm niên này cho rằng chỉ có thân cây bình bát làm kèo là “tịch" nhất.

Thân bình bát được chọn phải là loại thân thẳng, to hơn bắp tay để có thể chịu được sức nặng của tổ ong mật. Sau khi đốn bình bát về phải được phơi ráo, cũng như phải trải qua công đoạn tô sáp, khi đó kèo mới được đem đi gác. 

Nghề gác kèo ong không khó, nhưng người gác phải thực sự am hiểu về hướng đi của ong, mùa ong về, nhất là chuyện chọn vị trí gác kèo phải hợp lý, thu hút được bầy ong. 

Theo anh Nghĩa: “Chọn vị trí rất quan trọng, quyết định khả năng thành bại của tổ ong mình gác. Thường người gác phải chọn vị trí là những trảng sậy, để có ánh sáng mặt trời sáng và chiếu xuống thân kèo, trảng phải được dọn sơ qua, đừng nên dọn trống quá, thân sậy không được chặt mà chỉ bẻ để thu hút bầy ong.

Hướng kèo chênh lên theo hình mái nhà, 1 đầu vừa huốt tầm với tay, đầu kia thấp ngang ngực là vừa. Sau khi gác xong, người thợ phải canh ong về và phải dọn kèo, chăm sóc kèo thường xuyên. Vào đầu mùa hạn ong về nhiều, lượng mật cũng chất lượng hơn mùa mưa”.

Thông thường gác kèo ong tự nhiên thu hoạch mật quanh năm, có thể từ 3-4 lần trong mùa hạn, 2-3 lần trong mùa mưa. Tuỳ theo kèo gác mà số lượng mật sẽ thu được nhiều hay ít, trung bình mỗi tổ có thể thu về từ 3-5 lít mật, có tổ đạt đến hơn 10 lít.

Theo Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Trần Hiếu Hùng: “Nghề gác kèo ong được công nhận là văn hoá phi vật thể, nó khẳng định giá trị đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau.

Qua đó, trao truyền những kinh nghiệm quý báu trong thực hành, trình diễn, khai thác và bảo tồn nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống của người dân vùng sông nước. Nó đã tạo nên thương hiệu, sản phẩm du lịch độc đáo mỗi khi đến với vùng ngập ngọt Cà Mau”.

Tuy nhiên, cùng với niềm vui của người dân Cà Mau nói chung, nhất là đối với người dân đang trực tiếp thụ hưởng những lợi ích từ rừng U Minh, việc gìn giữ, quản lý, khai thác nghề gác kèo vẫn đang là nỗi lo.

Nó là câu chuyện làm thế nào để sống hài hoà với môi trường, hưởng lợi từ thiên nhiên một cách bền vững, không làm huỷ hoại thiên nhiên, không bị đe doạ do sự phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp thâm canh.

Đây bài toán nan giải để nghề gác kèo ong tiếp tục phát huy giá trị truyền thống, tạo hướng đi thực sự bền vững cho người dân đang bám trụ dưới tán rừng U Minh Hạ./.

Theo Báo Cà Mau

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh