Tháng 2/2020, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL diễn ra gay gắt, từ đó làm cho nhiều cánh rừng bị khô kiệt trầm trọng, nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Do đó, nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng đang được các địa phương tập trung cao độ...
Tháng 2/2020, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL diễn ra gay gắt, từ đó làm cho nhiều cánh rừng bị khô kiệt trầm trọng, nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Do đó, nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng đang được các địa phương tập trung cao độ...
Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đang tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng, nhất là đảm bảo trực tháp canh đúng quy định. Ảnh: H.PHƯỚC |
Hàng chục ngàn héc-ta rừng khô kiệt
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, những ngày qua, do thời tiết nắng nóng gay gắt, gió thổi mạnh làm cho nhiều cánh rừng tràm trên địa bàn tỉnh đã khô nước, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Cụ thể, qua kiểm tra thực tế của ngành chức năng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (khu bảo tồn), nơi có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh (2.800ha), hiện tại nhiều khoảnh như khoảnh 7 và 11 thuộc khu Gò Lức, thực bì đã khô độ ẩm, một số loại dây leo trên thân tràm cũng bắt đầu khô lá dần.
Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc khu bảo tồn, cho biết: “Ngoài khu Gò Lức thì hiện đơn vị cũng cho lực lượng rà soát lại tất cả các khu khác tại khu bảo tồn để tiến hành khoanh vùng những nơi có nguy cơ cháy cao. Qua rà soát, nhiều nơi cũng có thực bì trên rừng bị khô độ ẩm tương tự.
Do đó, khu bảo tồn đang tiến hành bơm nước vào các mương rừng để trữ lại, khi cần thiết sẽ tiến hành đưa nước lên rừng để giữ độ ẩm, còn hiện tại chỉ thực hiện phun tưới”.
Giống như tỉnh Hậu Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài và nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh… nên nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh cũng bị khô kiệt và nguy cơ xảy ra cháy rất cao.
Toàn tỉnh An Giang hiện có khoảng 16.868ha rừng và đất lâm nghiệp gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Tổng diện tích vùng trọng điểm cháy hơn 7.286ha đang ở nguy cơ cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Trong số này có 2.912ha rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn (huyện Tịnh Biên); 50ha rừng thuộc khu vực Núi Sam (thành phố Châu Đốc); cùng hơn 2.550ha rừng ở vùng đồi núi thuộc khu vực núi Giài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Nam Quy và 1.724ha rừng vùng đồng bằng ở rừng tràm Bình Minh, Lâm trường Tỉnh đội, rừng tràm Tân Tuyến (đều thuộc huyện Tri Tôn); 50ha rừng ở khu vực núi Tượng, núi Nhỏ và núi Sập (huyện Thoại Sơn)...
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã huy động hàng trăm lực lượng cùng các chủ rừng, người dân xung quanh... túc trực canh gác, tuần tra, giữ rừng xuyên suốt mùa khô. Tiến hành phát dọn đường băng cản lửa, tích trữ nước để chữa cháy, không cho người lạ vào rừng săn bắt đề phòng nguy cơ cháy...
Ông Hồ Văn Minh, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên, cho biết: “Hiện tổ chữa cháy của tôi có 9 người, bảo vệ khoảng 200ha rừng.
Thời điểm này, tôi và các thành viên của tổ luôn ý thức cao việc phòng, chống cháy rừng. Do đó hàng ngày, tổ chia thành 3 nhóm, thường xuyên tuần tra các khu vực”.
Còn theo ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn (An Giang) nhận định, do Hạt quản lý địa bàn rộng, với tổng diện tích rừng hơn 5.500ha, trong đó diện tích rừng khu vực núi là gần 3.800ha, rừng thuộc đồng bằng hơn 1.800ha.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Hạt đã triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy đối với các điểm có nguy cơ cháy cao; duy trì chế độ trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người vào rừng.
“Mùa khô năm nay, nhiệt độ lên 35-36 độ C, nhất là mực nước ngầm rất thấp, cho nên nguy cơ cháy rừng hiện nay rất cao, cực kỳ nguy hiểm. Do đó các phương tiện, dụng cụ chữa cháy đều đưa xuống vùng trọng điểm để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra”, ông Định chia sẻ thêm.
Còn tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, hàng ngàn héc-ta rừng cũng đang bị khô kiệt do ảnh hưởng nắng nóng. Hiện lực lượng đang tăng cường phòng cháy và sẵn sàng các phương án ứng phó.
Ở Kiên Giang, ngành chức năng cho biết diện tích vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy của tỉnh khoảng 41.000ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện đảo Phú Quốc với khoảng 16.000ha; huyện U Minh Thượng hơn 9.000ha; huyện Hòn Đất hơn 7.000ha…
UBND tỉnh Cà Mau lo lắng khi tình trạng nắng nóng kéo dài đã làm cho khoảng 43.000ha rừng của tỉnh khô kiệt và có nguy cơ cháy, trong đó có nhiều diện tích rừng thuộc Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang trong tình trạng báo động cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV U Minh Hạ, cho biết: “Nhiều ngày qua, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng gia cố đê, cống, đập giữ nước; đẩy nhanh việc dọn các kênh lưu thông, các chòi canh lửa; đồng thời sửa chữa và bảo dưỡng các máy bơm, đường ống, vòi chữa cháy… Tất cả đã sẵn sàng nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng trong suốt mùa khô”.
Túc trực... giữ rừng
Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, nhiều khu vực ở Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp… đã nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Cục Kiểm lâm đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V phải thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra phòng, chống cháy rừng ở ĐBSCL. Ảnh: H.TÂN |
Ông Đoàn Ngọc Thân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Hiện cấp độ dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp III (cấp cao).
Tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt, để các ngành chức năng, chủ rừng và người dân nâng cao cảnh giác trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, dự kiến vào đầu tháng 3 tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ nâng mức độ dự báo cháy rừng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trên phạm vi toàn tỉnh”.
Cùng với Chi cục kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, ông Lư Xuân Hội, Giám đốc khu bảo tồn, cho biết thêm: “Đơn vị bắt đầu phân công lực lượng tăng cường kiểm tra bảo vệ rừng và trực tháp canh từ đầu tháng 2 vừa qua, sớm hơn một tháng so với cùng kỳ.
Hiện công việc này không chỉ làm vào những ngày thường mà ngay cả thứ bảy và chủ nhật để đảm bảo giữ tốt diện tích rừng tại đơn vị”.
Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ; triển khai hàng chục phương án phòng, chống cháy rừng từ cấp huyện đến cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã trang bị 4 xe tải phục vụ vận chuyển lực lượng khi có sự cố, gần 70 xuồng và vỏ lãi, hơn 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 12.000 dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa.
Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết diện tích rừng của tỉnh An Giang chủ yếu tập trung ở khu vực Bảy Núi, đây lại là nơi có nhiều chùa chiền và cơ sở thờ tự nên nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào.
Do đó, cần tăng cường tuyên truyền để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia phòng, chống cháy rừng. “Chúng tôi phối hợp với các đài truyền thanh của huyện, xã thường xuyên phát thanh tuyên truyền phổ biến cho người dân và khách hành hương việc sử dụng lửa đúng cách.
Đặc biệt là có lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm và chủ rừng túc trực tại các chùa chiền, nơi khách hành hương tập trung cao, thường xuyên nhắc nhở du khách cẩn trọng trong việc sử dụng lửa để đốt nhang, đốt vàng mã; đối với các hộ dân sống ven rừng cũng thường xuyên nhắc nhở khi sử dụng lửa”, ông Hùng cho hay.
Tại Kiên Giang, ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền, người dân xung quanh rừng… cùng tham gia phòng, chống cháy rừng, nhất là giai đoạn khô hạn khốc liệt hiện nay.
Trong đó, huyện đảo Phú Quốc phải tập trung bảo vệ tối đa bởi địa bàn phức tạp, thiếu nước chữa cháy và nguy cơ cháy rất cao.
Phía Sở NN&PTNT tỉnh thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát bảo vệ rừng; cảnh cáo nguy cơ cháy rừng; thực hiện theo phương án 4 tại chỗ, chủ động lực lượng và phương tiện dập tắt kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, điều lo ngại là mực nước dưới các tuyến kênh phục vụ phòng, chống cháy rừng hiện thấp hơn năm 2019 khá nhiều và nguy cơ thiếu nước sẽ gia tăng hơn trong thời gian tới khi vào cao điểm mùa khô.
Có thể nói, các tỉnh ĐBSCL đang vào thời kỳ cao điểm hạn mặn, nhiệt độ ngày một tăng cao, độ ẩm thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng từng ngày. Để đảm bảo phòng, chống cháy rừng, ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng thì đòi hỏi ý thức của người dân cao hơn, nhằm hạn chế nguy cơ cháy xảy ra.
Theo HƯNG TÂN - HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin