Xóm chổi vào xuân

02:01, 20/01/2020

Những ngày này, không khí lao động, sản xuất tại xóm chổi ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An lại rộn ràng, tất bật như gọi mùa xuân đến thật gần.

Những ngày này, không khí lao động, sản xuất tại xóm chổi ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An lại rộn ràng, tất bật như gọi mùa xuân đến thật gần.

Nhờ nghề bó chổi, chị Trần Thị Tú Trinh vừa có thu nhập ổn định vừa có thời gian chăm lo gia đình
Nhờ nghề bó chổi, chị Trần Thị Tú Trinh vừa có thu nhập ổn định vừa có thời gian chăm lo gia đình

Trong những ngày giáp tết, chúng tôi có dịp về xóm chổi ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn để tìm hiểu về nghề bó chổi. Ở đây, nhà nào cũng đầy chổi, tiếng quay dây cước vào nọc kêu ken két, tiếng danh chổi, tiếng xe máy chở nguyên liệu ra vào,... hòa vào nhau làm cho xóm chổi càng thêm nhộn nhịp.

Chị Trần Thị Tú Trinh (ngụ ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn) cho biết: “Tôi làm nghề bó chổi được 10 năm. Ngày thường, tôi bán 1 cây chổi thì có lợi nhuận khoảng 15 ngàn đồng.

Còn vào dịp tết, tôi lời được 30 ngàn đồng/cây nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp cho thương lái. Nhờ nghề bó chổi, tôi vừa có thời gian chăm sóc gia đình vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.

Theo người dân nơi đây, nghề bó chổi chủ yếu lấy công làm lời, đặc biệt phù hợp với mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, không phân biệt nam nữ, nhất là giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nghề bó chổi khá đơn giản, chỉ cần chịu khó học một ngày là có thể làm được.

Thế nhưng, để làm nên một cây chổi đẹp, người bó chổi phải thật khéo tay và tỉ mỉ. Bởi, có những công đoạn làm chổi cần phải mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng khi bện chổi lại cần rất nhiều sức, người bện phải siết thật chặt và đều thì cây chổi mới đẹp mắt và bền hơn.

Để làm nên một cây chổi đẹp, người làm phải thật khéo léo
Để làm nên một cây chổi đẹp, người làm phải thật khéo léo

Người khởi xướng làm nghề bó chổi tại ấp Rạch Chanh là bà Võ Thị Hai, nghề này đã giúp bà nuôi 6 người con khôn lớn. Bà Hai chia sẻ: “Quê tôi ở Hậu Giang, gia đình có đến 3 đời làm nghề bó chổi. Vì vậy, khi lập gia đình, tôi cũng mang theo nghề bó chổi về quê chồng.

Khi mới về đây, thấy nhiều gia đình không có nghề nghiệp ổn định, tôi chủ động dạy cho họ làm. Giờ đây, nhiều gia đình nhờ nghề bó chổi mà có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang. Còn tôi, nhờ nghề bó chổi mà nuôi con khôn lớn”.

Bà Võ Thị Hai là người truyền nghề bó chổi cho người dân ấp Rạch Chanh
Bà Võ Thị Hai là người truyền nghề bó chổi cho người dân ấp Rạch Chanh

Về ấp Rạch Chanh, chúng ta sẽ cảm nhận được đời sống người dân được nâng lên từ cọng dừa - thứ nguyên liệu dân dã và gần gũi.

Ông Nguyễn Văn Minh bộc bạch: “Bình quân, mỗi ngày, vợ chồng tôi có thu nhập từ làm chổi trên 300 ngàn đồng. Số tiền này đủ để chúng tôi trang trải cuộc sống. Gia đình tôi trước đây khá khó khăn, đi làm thuê cũng bấp bênh nhưng nhờ nghề bó chổi mà cuộc sống dần ổn định”.

Nghề bó chổi giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động nhàn rỗi ở địa phương
Nghề bó chổi giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động nhàn rỗi ở địa phương

Người dân xóm chổi ấp Rạch Chanh luôn tự hào về sản phẩm mình làm ra đẹp, bền, bảo đảm chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người tiêu dùng. Xóm chổi ấp Rạch Chanh đa phần làm chổi chà, giá bán 35 ngàn đồng/cây.

Nguyên liệu nhập từ các tỉnh miền Tây. Hiện nay, xóm chổi Rạch Chanh cùng còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì nghề, trong đó chủ yếu về vốn.

Trưởng ấp Rạch Chanh - Đặng Thị Thu Hồng cho biết: “Ấp có trên 30 hộ làm nghề bó chổi. Các hộ này rất có nhu cầu về nguồn vốn vay để nhập nguyên liệu.

Bởi hiện tại, nhiều người chỉ có vốn nhập nguyên liệu làm trong 1 tuần nhưng phải xuống tận Bến Tre lấy hàng, tốn nhiều chi phí và mất thời gian.

Vì vậy, tôi hy vọng người làm chổi ấp Rạch Chanh được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nếu làm được điều này, xóm chổi sẽ càng phát triển, cải thiện thu nhập cho người dân, nhất là giữ được nghề bó chổi truyền thống”.

Xuân đang về, nhiều gia đình của xóm chổi ấp Rạch Chanh vẫn ngày đêm chăm chỉ, miệt mài với công việc. Dù có hối hả, mồ hôi thấm ướt nhưng các gia đình cảm thấy phấn khởi với niềm tin một năm mới sẽ có nhiều khởi sắc.

Theo Báo Long An

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh