Tết đến Xuân về, trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam bộ đều không thể thiếu món bánh tét. Nếu ngoài Bắc, ngày Tết có bánh chưng xanh, thì trong Nam lại là đòn bánh tét. Đây là nét văn hóa bao đời nay của người dân Nam bộ.
Tết đến Xuân về, trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam bộ đều không thể thiếu món bánh tét. Nếu ngoài Bắc, ngày Tết có bánh chưng xanh, thì trong Nam lại là đòn bánh tét. Đây là nét văn hóa bao đời nay của người dân Nam bộ.
Theo nhiều người, bánh tét không đơn thuần chỉ là một món ăn ngày đầu năm mới mà còn là nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của gia đình Việt ở khu vực Nam bộ. Dịp Tết, con cháu dùng những đòn bánh tét ngon nhất, lớn nhất để dâng cúng ông bà, trời đất vào đêm giao thừa và đãi khách.
Gói bánh tét ngày Tết là nét đặc trưng của người dân Nam bộ bao đời nay |
Ông Đỗ Thanh Minh (ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) – người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề gói bánh tét – cho biết cách làm bánh tét của gia đình ông được truyền lại từ đời ông của mình.
Những đón bánh tét sau khi gói xong cho thấy sự công phu, tỉ mỉ |
Từ lúc nhỏ, ông Minh và các em trong gia đình đã được thấy cách làm bánh tét truyền thống này của cha mẹ và đến đời ông vẫn tiếp tục duy trì. Vào dịp Tết, mỗi ngày gia đình ông Minh nhận đặt hàng hơn 700 đòn bánh tét từ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Theo đó, giá bánh tét dao động từ 20.000 – 100.000 đồng/đòn (tùy loại).
Ngày nay, bánh tét đã được phát triển thêm nhiều loại nhân |
Ông Minh chia sẻ: "Làm bánh tét cũng rất công phu, để hương vị bánh thơm ngon, công việc gói bánh phải chu đáo, tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị; đòn bánh phải tròn, đều, khi cắt ra nhân bánh nằm ngay chính giữa hoặc nhân bánh có hình tam giác.
Nếp phải ngon, không bị lẫn gạo tẻ rồi đem vo sạch, để ráo nước. Đậu xanh nấu nhuyễn vo làm nhân được nắn theo chiều dài của bánh tét. Thịt mỡ hoặc thịt ba chỉ cắt hình chữ nhật theo độ dài của bánh và ướp chút muối, chút đường trước khi làm nhân".
Nồi nấu bánh tét |
Sau khi hoàn thành việc gói bánh xong thì chuẩn bị khâu luộc bánh. Khi đó, nước phải được đun sôi, xếp bánh vào theo từng lớp, đổ nước thêm cho ngập bánh và đun lửa nấu, nước cạn tới đâu thêm vào đến đó, đậy lá chuối lên trên để khi nấu hơi ít thoát ra ngoài. Ban đầu cho lửa cháy to để sôi đều, sau bớt củi để nồi nước sôi liu riu, độ nóng lan tỏa cho bánh chín đều. Thời gian nấu bánh tét thường từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Khi bánh đã chín, công đoạn cuối cùng là vớt ra ngâm nước lạnh, để bánh nguội rồi treo lên cho ráo nước. Làm như thế bánh sẽ để được lâu.
Bánh tét thành phẩm |
Trước đây, bánh tét chỉ có hai loại nhân là nhân đậu mỡ và nhân chuối. Theo thời gian, đời sống phát triển, con người cũng đòi hỏi cao hơn nên bánh tét cũng từ đó mà có nhiều đổi mới. Không chỉ có hai loại nhân truyền thống, bánh tét giờ đã đa dạng các loại nhân như nhân thập cẩm, nhân lạp xưởng… Không chỉ nội dung mà hình thức bánh cũng được đầu tư hơn, không còn đơn thuần là màu xanh của lá chuối, màu trắng của nếp mà còn có cả màu lá cẩm, màu lá dứa, màu gấc...
Bánh tét trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là để ăn, mời khách nên ngoài tính chất ẩm thực bình thường còn mang ý nghĩa nghi lễ truyền thống.
Chị Vy (ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng có truyền thống làm bánh tét, cho biết khách hàng của chị chủ yếu đặt làm qua điện thoại mỗi khi nhà có đám giỗ, lễ, tiệc và nhiều nhất là đến dịp Tết cổ truyền khoảng 1.000 đòn bánh gói trong 3 ngày từ 27 đến 30 tháng Chạp.
Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "Xưa nay, tục lệ vào ngày Tết là gắn liền với đòn bánh tét, có bánh tét thì mới là ngày Tết, mới sum vầy. Mỗi lần tới Tết, mình chuẩn bị gói bánh tét, rồi con cháu quây quần quanh mình cũng an ủi, vui vẻ tuổi già. Đứa nào biết gói thì gói, đứa nào không biết thì tập, xúm nhau làm sáng đêm vậy đó, vui lắm".
Theo NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin