Đồng bằng cần thích ứng với những biến đổi khác thường

05:01, 23/01/2020

Trong những năm gần đây, ĐBSCL đối mặt với những điều kiện thời tiết khác thường như: hạn đến sớm, xâm nhập mặn sâu, mùa nước nổi "cà giựt"... Thích ứng để sống "thuận thiên" là giải pháp mà người đồng bằng và các nhà khoa học đã và đang tìm kiếm.

Trong những năm gần đây, ĐBSCL đối mặt với những điều kiện thời tiết khác thường như: hạn đến sớm, xâm nhập mặn sâu, mùa nước nổi “cà giựt”... Thích ứng để sống “thuận thiên” là giải pháp mà người đồng bằng và các nhà khoa học đã và đang tìm kiếm.

Sản xuất nông nghiệp ngày càng đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu.
Sản xuất nông nghiệp ngày càng đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu.

Giữa mùa tranh chấp mặn- ngọt

Tại các vườn cây ăn trái ở cù lao Dài (xã Thanh Bình, xã Quới Thiện- Vũng Liêm), khoảng từ tháng 12 khi trời dứt hạt mưa, người dân bắt đầu vét mương, dọn vườn.

Nhiều nhà vườn cho biết trước đây chỉ vét mương bồi cây, còn hiện nay mương vườn có thêm chức năng quan trọng là trữ nước mùa hạn mặn. Đợt mặn đầu năm 2016 quá trớn gây thiệt hại lớn, khiến người dân rất cảnh giác “trông chừng con nước”.

Hiện nay, người trồng cây ăn trái quan tâm áp dụng tưới phun, nhỏ giọt tiết kiệm nước. Cùng với hệ thống đê bao chung, “việc trữ nước trong mương vườn cũng giúp người dân chủ động nước tưới 7- 10 ngày, nếu bên ngoài sông nước mặn lên”- ông Huỳnh Văn Mười Anh- công chức Địa chính- Nông nghiệp xã Thanh Bình- cho biết.

Ở tỉnh Bến Tre, người dân áp dụng nhiều giải pháp “phòng thủ” ứng phó hạn mặn cũng như trữ ngọt rất linh hoạt. Đê bao vườn dừa của chú Nguyễn Văn Cam ở ấp Phú Lợi Hạ (xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam) là một trong những mô hình chủ động thích ứng với điều kiện hạn mặn.

Ông Lương Văn Phong- Chủ tịch UBND xã- cho biết: “Địa bàn An Định đã quen với chuyện nước mặn 3- 4 tháng liên tục trong năm. Để sống chung với mặn mấy tháng trời, nhiều nông dân luôn chủ động có những cách làm hay, thậm chí không giống ai nhưng mang lại hiệu quả thiết thực”.

Ngoài ra, người dân đã chủ động trữ nước trong mương vườn hoặc 5- 7 hộ cùng làm đê bao để chủ động nguồn nước hơn.

Tiếp nối câu chuyện, ông Nguyễn Thanh Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mỏ Cày Nam- nói: “Năm nào không mặn là hên. Thường mặn kéo dài 4 tháng trong năm, từ tháng Chạp đến tháng 3, 4 âm lịch. Mỏ Cày Nam từ xưa giờ đã sống chung với mặn, nên người dân rất chủ động trữ ngọt”.

Còn ông Bùi Thanh Liêm- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Chúng tôi phải thủ, phòng ngừa, theo dõi xuyên suốt, khuyến cáo người dân không chủ quan.

Chợ Lách là địa bàn chuyên cây giống, hoa kiểng, khả năng chịu mặn rất kém”. Thực tế năm 2016, do mặn lên bất ngờ, nhà vườn trở tay không kịp, nhiều vườn cây ăn trái, hoa kiểng của huyện bị ảnh hưởng.

Đi qua mùa nước nổi khác thường

Xuyên qua Đồng Tháp Mười giữa cuối tháng 9, chúng tôi ngược dòng lên thượng nguồn vùng tứ giác Long Xuyên đón con nước sông Mekong cuồn cuộn đổ về ĐBSCL. Nước về muộn gần cả tháng so với mọi năm và lên nhanh nên chuyện mưu sinh có phần… lỡ nhịp.

Bến cá chợ biên giới Khánh An (huyện An Phú- An Giang) tấp nập cả ngày với hàng chục vỏ lãi, ghe xuồng ra vào mua bán.

Đây là khu vực đón lũ đầu nguồn từ nước bạn Campuchia vào lãnh thổ Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Mẫn- chủ vựa cá có tiếng ở chợ Khánh An- cho biết, nguồn cá đồng về chợ do người dân đánh bắt ở các sông, ruộng đồng giáp biên giới và từ Campuchia sang.

“Mọi năm, mùa cá linh còn có vài ba chiếc ghe đục từ Hồng Ngự xuống cân cá, trên bến xe tải chờ cá đi thành phố, nhưng năm nay xe máy chở lần vài chục ký cũng không có cá”- anh Mẫn nói. Điều đó phản ánh lượng cá “nhóng chừng năm ngoái 10 phần, nay chỉ còn 2- 3 phần”.

Từng có thời gian sống ở Biển Hồ làm nghề đánh bắt cá, gần 40 năm sống trên sông, “nghiên cứu” từng con nước, thời điểm cá ra sông nên anh Mẫn hiểu khá rõ sự vắng bóng của tôm cá về vùng châu thổ Cửu Long những năm gần đây.

Theo vợ chồng anh Huỳnh Văn Thủ và chị Nguyễn Thị Bén ở ấp Phú Thạnh (xã Phú Hữu, huyện An Phú- An Giang): “Tụi tui ở đây sống quen đó giờ, nước lên làm nghề ăn cá; nước xuống làm lúa, trồng ớt, bắp, khoai…”

Nhưng năm nay, anh chị cho biết nước lên trễ nên cá nhỏ lại ít hơn mọi năm, ngày đổ dớn chỉ vài ký cá linh. Nước ít nên bông điên điển, rau muống… ít. Tiền kiếm được cũng ít hơn.

Câu chuyện mưu sinh mùa nước nổi vì thế người dân đã tính chuyện chuyển đổi nghề làm ăn. “Năm nay, nước không lên thủng thỉnh như mọi năm” nên chú Nguyễn Thanh Lâm ở xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú- An Giang) cho rằng: “Trước nay người dân sống vùng đầu nguồn đợi mùa nước để đánh bắt cá… kiếm nguồn thu đáng kể cho gia đình. Nhưng năm nay, nước về trễ lại “giựt” sớm, cá mắm không bao nhiêu, nên tui tính dành dụm mua máy trộn đi làm thợ hồ”.

Không còn dựa vào con nước, nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) như chú Nguyễn Văn Hơn cũng đã chủ động chuyển 32 công ruộng chuyên canh lúa sang “vụ lúa- vụ sen” cho tươi màu.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ): Hạn mặn năm 2016 là một bài học

Hạn mặn là chuyện ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có một số người lấy đó như một ví dụ cho thấy là cần đầu tư rất nhiều công trình. Như làm đập ngăn sông để giữ ngọt lại. Như vậy, vô tình lại phá hủy hệ sinh thái. Tôi cho rằng, cần tích hợp tầm nhìn về sinh thái trong quy hoạch. Phải hiểu khái niệm sinh thái ngay từ ban đầu. Dựa vào hệ sinh thái, nương theo hệ sinh thái đó để thay đổi, thích ứng đó chính là “thuận thiên”.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL: Cần nguyên tắc “không hối tiếc”

Những năm bình thường, thủy điện làm giảm lũ, tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn cho vùng ĐBSCL; những năm cao lũ, thủy điện xả lũ, gây lũ chồng lũ; còn những năm khô hạn, thủy điện tích nước, làm chậm đường đi của nước xuống khu vực hạ lưu. Vì vậy, ĐBSCL cần áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”. Ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro sai lầm khó sửa chữa được.

TS. Dương Văn Ni- Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ): Hệ sinh thái là “cơ thể sống” có nguyên tắc riêng.

Nó không tự nhiên tồn tại mà phải qua hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu năm. Hệ sinh thái dung hòa hết các yếu tố đất, nước, khí hậu, kể cả con người đến đó định cư. Trong hệ sinh thái, không có thành phần dư thừa và mỗi hệ sinh thái đều tự điều chỉnh theo hướng tích cực nên mới tồn tại lâu dài. Đó là 3 yếu tố mà bấy lâu nay trong nhiều trường hợp có thể chúng ta hiểu chưa hết hoặc hiểu sai.

Rất nhiều loài cần ngập- cần khô trong ngày; cần mặn, cần ngọt trong năm. Ví dụ như thòi lòi nước lớn chui xuống hang, nước ròng nhô bãi bồi mới leo lên kiếm ăn. Cây đước là rừng ngập mặn nhưng cần một thời gian nước ngọt trong năm mới phát triển tốt.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh