Cây si rô vốn là loài thân gỗ nhỏ, dạng bụi nên cành lá sum suê, tán rộng. Một nhà vườn ở Cần Thơ đã nhân giống thành công cây si rô và đặc biệt hơn là "biến" chúng thành những chậu kiểng bonsai rất đẹp mắt.
Cây si rô vốn là loài thân gỗ nhỏ, dạng bụi nên cành lá sum suê, tán rộng. Một nhà vườn ở Cần Thơ đã nhân giống thành công cây si rô và đặc biệt hơn là “biến” chúng thành những chậu kiểng bonsai rất đẹp mắt.
Chủ nhân của vườn kiểng bonsai si rô độc đáo này là chị Nguyễn Kim Loan (ngụ quốc lộ 91B, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) - từng được người chơi hoa kiểng biết đến với bộ sưu tập kiểng thú bằng hoa mẫu đơn quy mô vào hàng bậc nhất ở miền Tây.
Chị Loan cho biết, cách đây vài năm, chị sưu tầm được một cây si rô có nguồn gốc Ấn Độ về để trồng trong vườn nhà. Thấy cây dễ trồng, cho trái nhiều và đẹp nên chị nghĩ ra chuyện nhân giống đại trà. Cách chị Loan nhân giống là chiết cành và ươm hạt từ trái si rô chín.
Ngoài ra, chị Loan còn nhập về vườn một số cây si rô từ các nguồn khác nhau. Đến nay, vườn kiểng của chị Kim Loan đã sở hữu gần 5.000 gốc si rô, đủ kích cỡ, độ tuổi.
Chị Loan bên chậu si rô bonsai. |
Mùa kiểng Tết năm Canh Tý, chị Loan giới thiệu ra thị trường một sản phẩm rất thú vị đó là bonsai si rô. Ít ai nghĩ rằng những bụi si rô um tùm lại có thể trở thành kiểng trong chậu.
Vậy nhưng nghệ nhân ở vườn của chị Loan đã làm được. Bonsai si rô có nhiều dạng và kích thước khác nhau, do là loài thân gỗ nhỏ, dáng thế của gốc rễ khó chỉnh sửa đẹp nên việc tạo hình chủ yếu dựa vào thân.
Ông Lê Tấn Hải, nghệ nhân tạo hình cho vườn bonsai si rô độc, lạ này, cho biết, tùy hình dáng và độ lớn của mỗi cây mà ông chọn thể hiện kiểu dáng như phân tầng, mâm, chóp, trụ...
Cũng theo ông Hải, cây si rô có lá hình bầu dục, màu xanh đậm, hoa giống hoa trang đỏ nhưng màu trắng.
Trái si rô tròn, khi non có màu trắng hồng rồi sau đó chuyển sang hồng, đỏ và đến chín là màu đen huyền. Chính những đặc tính này mà khi bonsai si rô cho trái, thực sự là một tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng.
Chị Nguyễn Kim Loan cho biết: Hiện tại, vườn bonsai si rô có khoảng 50 cây đang cho trái để phục vụ Tết này. Số còn lại cũng có trái lác đác và thường xuyên có khách hàng đến mua.
Loại cây ươm hạt cao khoảng 1 gang tay có giá chừng 20.000 đồng; loại cao hơn, dáng thế đẹp hơn thì cao giá hơn, dao động từ 200.000 đồng đến 2-3 triệu đồng mỗi cây.
Cây si rô rất dễ trồng, chỉ cần tưới nước đầy đủ, thỉnh thoảng bón thêm phân để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây.
Loài cây này cho trái tự nhiên, quanh năm nhưng rộ nhất là vào khoảng tháng 4 âm lịch. Hiện chị Loan đang tính đến việc can thiệp để cây có thể cho trái rộ vào dịp cận Tết năm sau để phục vụ nhu cầu của thị trường.
Cận cảnh trái si rô. |
Trái si rô có rất nhiều công dụng, non có thể dùng nấu canh chua và khi chín thì là nguyên liệu của những món ngon.
Chị Loan giới thiệu với chúng tôi hàng loạt sản phẩm từ trái si rô do chính tay chị chế biến, nào là mật si rô (trái si rô ngâm đường phèn phơi nắng cho lên men), nước si rô (thịt trái si rô trộn đường đem nấu) dùng làm nước giải khát với màu sắc cực kỳ đẹp; mứt si rô (thịt trái si rô trộn đường đem ngào) chua chua ngọt ngọt rất lạ miệng… Đây cũng là thu nhập thêm từ vườn si rô bonsai với giá bán mỗi hũ nhỏ chừng 40.000 đồng.
Theo quan niệm của người Việt Nam, màu đỏ tượng trưng cho vượng khí, may mắn, nên những chậu bonsai si rô đỏ rực trái tung ra dịp Tết này của nhà vườn Cần Thơ sẽ là lựa chọn mới cho khách hàng yêu thích hoa kiểng. Chị Kim Loan cho biết thêm, sắp tới nhà vườn sẽ nhập thêm giống si rô Đài Loan để làm phong phú hơn bộ sưu tập độc, lạ này.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin