Dấu xưa nhà cổ

09:01, 31/01/2020

Giữa nhịp sống đô thị hóa, có những người vẫn lưu giữ mái nhà cổ có niên đại trên dưới một thế kỷ. Giữ gìn không gian nhà cổ thuần Việt là giữ gìn một dấu ấn, nét đẹp cổ xưa.

Giữa nhịp sống đô thị hóa, có những người vẫn lưu giữ mái nhà cổ có niên đại trên dưới một thế kỷ. Giữ gìn không gian nhà cổ thuần Việt là giữ gìn một dấu ấn, nét đẹp cổ xưa.

Nhà Trăm Cột được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia
Nhà Trăm Cột được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia

 1. Cách thị trấn Cần Đước 12km về hướng Đông, tọa lạc trên diện tích 882m2, thuộc ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, có một di tích kiến trúc khá độc đáo - đó là Nhà Trăm Cột có “tuổi đời” hơn 100 năm. Ngôi nhà cổ mang kiến trúc kiểu Huế, ba gian hai chái đôi, với những đường nét chạm trổ tinh hoa, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia năm 1997.

Chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Văn Hoa, lúc ấy là Hương sư làng Long Hựu, tỉnh Gia Định, sau đó làm Hội đồng quản hạt Chợ Lớn, vì thế tên gọi ban đầu là Nhà ông Hội đồng, Nhà ông cả. Hiện chủ nhân là bà Trần Thị Ngỏ, 70 tuổi, cháu dâu của ông Hoa. 

Bà Ngỏ cho biết: “Gọi là nhà 100 cột nhưng số lượng thực tế là 120 cây cột, trong đó có 68 cột tròn, 52 cột vuông. Ngôi nhà sử dụng nhiều loại gỗ như gõ đỏ, cẩm bông, mun,...

Ngôi nhà được ông cố tôi xây dựng từ năm 1901, hoàn thành năm 1903. Sau 2 năm xây dựng xong ngôi nhà, ông mời 15 nghệ nhân người Huế chạm trổ trong 3 năm”.

Chính diện của ngôi nhà quay về hướng Tây Bắc. Mái lợp ngói âm dương. Kết cấu ngôi nhà xây dựng theo lối nhà rường xuyên trính đặc trưng của xứ Huế.

Phần trang trí, chạm khắc của Nhà Trăm Cột vừa mang một giá trị mỹ thuật, vừa mang tính cổ điển như “tứ linh”, “tứ thời”, “bát quả”, “mai điểu” mà các nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện một cách điêu luyện, tài tình.

Trước gian thờ giữa là 2 câu đối được sơn son thếp vàng
Trước gian thờ giữa là 2 câu đối được sơn son thếp vàng

Chủ tịch UBND xã Long Hựu Đông - Nguyễn Văn Khắc cho biết: “Ngôi nhà cổ ở địa phương tuy xuống cấp theo thời gian nhưng những giá trị văn hóa vẫn còn mãi. Ngôi nhà này là nơi chung sống của nhiều thế hệ.

Chúng tôi mong các cấp, các ngành tạo điều kiện phát triển du lịch gắn với tham quan những ngôi nhà cổ trên địa bàn xã, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa địa phương”.

2. Phường Khánh Hậu và phường Tân Khánh - vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa của TP.Tân An hiện có nhiều di sản quý giá vẫn được người dân bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay như lăng Kiến Xương quận công Nguyễn Huỳnh Đức, đình Tường Khánh (đình Khánh Hậu), chùa Ông, chùa Diêu Quang và một số ngôi nhà cổ. 

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Văn Tàu, khu phố Thủ Tửu 2, phường Tân Khánh, TP.Tân An
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Lương Văn Tàu, khu phố Thủ Tửu 2, phường Tân Khánh, TP.Tân An

Ngôi nhà cổ của ông Lương Văn Tàu, 84 tuổi, ở khu phố Thủ Tửu 2, phường Tân Khánh, mang dáng dấp cổ kính, mái lợp ngói xưa. Ông Tàu cho biết: “Ngôi nhà này do cha tôi - cụ Lương Văn Nơi gầy dựng. Ưu điểm của ngôi nhà là bộ khung chắc chắn và không gian trong nhà thoáng đãng khi không có hàng cột ở giữa”.

Kiến trúc của ngôi nhà là minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc tài tình của các nghệ nhân. Toàn bộ hệ thống kèo, xuyên được chạm khảm, chạm nổi, chạm lộng rất công phu theo các đề tài “vân hóa long”, “tứ thời”, “dây lá hóa” mang nét đặc trưng xứ Huế.

Các gian nội tự và ngoại khách là nơi thể hiện giá trị thẩm mỹ cao nhất của công trình mà người xưa đã gửi gắm trên từng nét chạm, các mô típ thể hiện Phúc - Lộc - Thọ,…

Nét tinh xảo trong kiến trúc chạm khắc ngôi nhà
Nét tinh xảo trong kiến trúc chạm khắc ngôi nhà

Cách chạm trổ hoa văn tỉ mỉ, khéo léo cùng đường nét mềm mại, sắc sảo là những nét xưa còn lưu dấu trong những ngôi nhà cổ. Tìm về nhà cổ là về với những hoài niệm, cảm nhận mùa xuân mới đang hiện diện trên những dấu xưa.

Theo Báo Long An

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh