Hoa kiểng Chợ Lách chống mặn chờ xuân

11:12, 22/12/2019

Về Chợ Lách những ngày cuối tháng 12, không khí xuân đã náo nức trên khắp đường lớn, ngõ nhỏ bởi bức tranh hoa đầy màu sắc và cảnh tất bật của nhà vườn. Độ mặn lên cao và sớm hơn thường lệ nên một số hộ đã nghỉ trồng hoa, nhưng nhiều hộ cũng đã trữ nước ngọt, chuẩn bị chu đáo cho mùa hoa tết.

Về Chợ Lách những ngày cuối tháng 12, không khí xuân đã náo nức trên khắp đường lớn, ngõ nhỏ bởi bức tranh hoa đầy màu sắc và cảnh tất bật của nhà vườn. Độ mặn lên cao và sớm hơn thường lệ nên một số hộ đã nghỉ trồng hoa, nhưng nhiều hộ cũng đã trữ nước ngọt, chuẩn bị chu đáo cho mùa hoa tết.

Trên khắp các nẻo đường ở Chợ Lách, hoa kiểng đã sẵn sàng tô điểm cho mùa xuân mới.
Trên khắp các nẻo đường ở Chợ Lách, hoa kiểng đã sẵn sàng tô điểm cho mùa xuân mới.

Ứng phó với nước mặn

Cùng với làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng hoa tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng là “thủ phủ” hoa lớn nhất của miền Tây. Dù không ít cực nhọc và khó khăn do diễn biến thời tiết, độ mặn nhưng các chủ vườn đang chủ động ứng phó, cẩn thận chăm chút từng cánh hoa, đợi đúng dịp sẽ bung sắc khoe hương, tô điểm cho những ngày đầu năm mới.

Chị Nguyễn Thị Trúc Phương- cán bộ nông nghiệp thị trấn Cái Mơn- cho biết: Giữa tháng 10, nước mặn lên có lúc đến 0,4‰, theo các nhánh sông chính xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nhà vườn ngưng xuống giống vạn thọ tết. Chị Trúc Phương nói: “Dọc đường đến thị trấn trước đây đầy vạn thọ tết, năm nay chỉ còn vài hộ thôi”.

Trong khi đó, tại các xã Phú Sơn, Long Thới, bông giấy, cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc Hà Lan đã bung những nụ bé xíu, chờ tết để vàng tươi vì các hộ dân nơi đây đã chuẩn bị đầy đủ để ứng phó mặn.

Chị Huỳnh Hồng Diệu- cán bộ nông nghiệp xã Phú Sơn- cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi đo độ mặn để thông báo cho bà con ứng phó trồng vụ hoa tết. Khoảng 2 năm trước, mặn không về sớm như vầy đâu, khoảng tháng 3- 4 mới bắt đầu mặn thì người trồng hoa không bị ảnh hưởng nhiều. Năm nay mặn lên sớm nên bà con phải trữ nước ngọt”.

Hộ anh Phan Văn Thanh cũng như mọi năm, trồng 2.000 chậu cúc Hà Lan, vô chậu từ lối rằm tháng 8. Anh Thanh cho rằng thời tiết năm nay rất thuận lợi duy chỉ “nước mặn vô sớm quá, thôi là ngon ơ rồi”.

Anh Thanh đã trữ nước trong mấy mương vườn nhưng chưa yên tâm nên dự định mua túi trữ nước ngọt. Vòi nước trên tay, anh Thanh tưới nhè nhẹ, châm cẩn thận vào từng chậu hoa, anh cười: “Giờ tưới bông phải tiết kiệm nước, không để chảy lan ra ngoài uổng lắm”.

Anh Võ Tấn Đức- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Sơn- cho biết: Toàn xã có trên 50% hộ trồng hoa kiểng, với trên 1.000 hộ, cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu cây hoa kiểng đủ loại: mai vàng, vạn thọ, hoa giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng, tắc kiểng, hoa dừa… và là nơi lưu trữ hàng chục loại hoa hồng.

Thời tiết năm nay thuận lợi, tuy nhiên bà con đang hoang mang khi mặn về sớm, chúng tôi tích cực theo dõi để ứng phó, đảm bảo vụ hoa kiểng tết thật tốt.

Hé nụ chờ xuân

Với nhiều nông dân ở Chợ Lách, trồng hoa tết không chỉ để mưu sinh mà còn như một thói quen, một sở thích cho xuân thêm tươi, thêm đẹp. Cứ đến ngày đến tháng đó là gieo hạt, vô chậu, ngắt đọt, ngắt bông,… thoăn thoắt những đôi tay cho chậu hoa tết tròn đều tăm tắp.

Tình yêu đối với hoa kiểng nhen nhóm từ những ngày nhỏ xíu theo phụ giúp gia đình, anh Phan Duy Lộc (ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn) đã nối nghiệp gia đình hơn 20 năm. Anh Lộc đang kỳ vọng vào hơn 2.000 chậu vạn thọ và mào gà năm nay anh trồng sẽ mang đến cái tết sung túc cho gia đình.

Trước tình trạng nước mặn về sớm, anh hơi lo lắng, nói: “Năm nay mặn tới sớm quá trời, bà con cũng chủ động trữ ngọt hết rồi nhưng mong mặn tới đây thôi chớ đừng mặn nữa, chi phí bỏ ra khá nhiều nên lo lắm. Mừng là đã có nhiều lái tới đặt cọc rồi, vạn thọ bán được 80.000- 100.000 đ/cặp”.

Độ mặn lên cao và sớm hơn thường lệ nhưng các hộ dân đã trữ nước ngọt, chủ động ứng phó.
Độ mặn lên cao và sớm hơn thường lệ nhưng các hộ dân đã trữ nước ngọt, chủ động ứng phó.

Mỗi vụ hoa tết cũng là thời điểm những người lao động ở làng hoa nỗ lực làm việc để kiếm thêm chi phí sắm tết. Tay thoăn thoắt lặt những nụ hoa cúc cho tán cây tròn xoe, chị Nguyễn Thị Trúc (ấp Lân Đông, xã Phú Sơn) chia sẻ: “Thấy nhẹ nhàng nhưng những người trồng bông phải kỳ công, tỉ mỉ lắm. Gieo đúng ngày, đúng tháng, lặt bớt lá, bớt nụ, tưới nước, chăm bón thì cây mới đều, đẹp. Tôi tranh thủ lúc con đi học, ra lặt bớt bông con cho vườn của người quen, kiếm thêm thu nhập. Từ 6 giờ sáng làm tới 2 giờ chiều, mỗi ngày cũng kiếm được 180.000đ, dành dụm mua sắm tết”.

Cúc mâm xôi là một trong những loại hoa có thời gian trồng dài (6 tháng) và kỳ công chăm sóc nhất. Chị Lê Thị Lan (ấp An Thạnh) phấn khởi: “Tui trồng 2.500 chậu cúc mâm xôi, 2.000 chậu cúc tiger nữa. Chỉ cần nghe xóm trên có mặn thì tụi tui đã bí cống, trữ ngọt, địa bàn được bao vùng nước ngọt nên hoàn toàn yên tâm. Năm nay những người thu mua cũng nhiều hơn. Thời điểm này mà tui đã bán hết mấy chậu đang chăm sóc ở đây rồi đó. Cúc mâm xôi bán ra 170.000 đ/chậu”.

Ngoài các loại hoa vàng, đỏ chủ lực, các hộ trồng hoa ở làng hoa Chợ Lách cũng nỗ lực phát triển nhiều giống hoa mới, phục vụ bà con dịp tết. Đan xen vào những luống hoa rực vàng là những loài hoa mới với sắc tím, sắc hồng tươi non mơn mởn. Dù không chiếm số lượng nhiều nhưng hoa hồng, dừa cạn, thược dược, cẩm chướng,… cũng góp phần điểm tô cho bức tranh hoa ở Chợ Lách thêm rực rỡ độ cuối năm. 

Các xã vùng hoa đang liên kết với một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cung cấp túi trữ nước ngọt cho bà con trồng hoa kiểng. Xã Phú Sơn hiện có hơn 70 người đăng ký mua túi trữ nước ngọt, mỗi túi chứa 15m3 nước, giá hơn 2 triệu đồng. Túi nước rất tiện lợi vì bà con có thể tưới hoa kiểng trong 2- 3 ngày, khi không sử dụng nữa thì tháo nước ra, xếp lại và có thể sử dụng trong nhiều năm.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh